Tái cấu trúc chăn nuôi hiệu quả giai đoạn mới

04/06/2020 3:25 PM

(Chinhphu.vn) - Để phát triển sản xuất chăn nuôi ổn định lâu dài, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, hạn chế thiệt hại do dịch bệnh cho người và vật nuôi. Đồng thời đảm bảo nguồn cung thực phẩm ổn định an toàn cho người dân, việc tái cấu trúc ngành chăn nuôi đóng vai trò quyết định cho việc phát triển chăn nuôi bền vững, hiệu quả.

Việc tái cấu trúc mang lại hiệu quả bền vững, lâu dài cho ngành chăn nuôi Thủ đô. Ảnh: Thiện Tâm.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, thành phố Hà Nội có điều kiện tự nhiên phong phú với đặc điểm địa hình nhiều vùng sinh thái rất thuận lợi cho phát triển của ngành chăn nuôi. Trong những năm gần đây Hà Nội luôn đứng tốp đầu cả nước về tổng đàn vật nuôi và sản phẩm thịt. Theo số liệu của Cục Thống kê Hà Nội sản lượng thịt hơi xuất chuồng các vật nuôi chủ lực (trâu, bò, lợn, gà, vịt, ngan, ngỗng) năm 2017 đạt 434.243 tấn/năm, năm 2018 đạt 448.253 tấn/năm, năm 2019 đạt 398.621 tấn/năm, do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi, thịt lợn hơi xuất chuồng chỉ đạt 270 nghìn tấn /năm thiếu hụt 80-100 nghìn tấn; năm 2020 ước đạt 400 ngàn tấn/ năm nhu cầu thịt lợn cho Thành phố vẫn còn tăng cao cần phải có nguồn thực phẩm bổ sung thay thế.

Để phát triển sản xuất chăn nuôi ổn định lâu dài, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, hạn chế thiệt hại do dịch bệnh cho người và vật nuôi. Đồng thời bảo đảm nguồn cung thực phẩm ổn định an toàn cho người dân, phát triển cân đối giữa các loại vật nuôi trên địa bàn Thành phố phấn đấu đưa giá lợn hơi về mốc giá an toàn khoảng 60-70 nghìn đồng/kg. Nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chăn nuôi từ chăn nuôi công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ hướng tới xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi. Đến năm 2025, giá trị sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao chiếm 50% giá trị sản xuất chăn nuôi toàn Thành phố. Tốc độ tăng giá trị sản xuất chăn nuôi từ 4,5%-5,0%/năm; tốc độ tăng thu nhập từ sản xuất chăn nuôi tối thiểu 4%/năm.

Bên cạnh đó, công tác bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm những năm qua luôn được quan tâm chú trọng, đặc biệt mạng lưới thú y cơ sở từ Văn phòng Chi cục đến các trạm Chăn nuôi và Thú y quận huyện thị xã, đến mạng lưới thú y xã phường được nâng cao năng lực, đầu tư trang thiết bị dụng cụ chuyên ngành, cung ứng vaccine, hóa chất phòng bệnh để kịp thời ứng phó khi có dịch xảy ra. Từ đó những năm qua Hà Nội đã kịp thời ngăn chặn có hiệu quả các loại dịch bệnh nguy hiểm, hạn chế thấp nhất rủi ro xảy ra trên đàn gia súc gia cầm, thúc đẩy chăn nuôi phát triển.

Tái cấu trúc cần chiến lược dài hạn

Tuy nhiên bên cạnh kết quả, thành tích đạt được, phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ còn cao, hiện nay do thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp, môi trường ô nhiễm nặng, mật độ chăn nuôi tại Hà Nội lớn nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh nhất là các dịch bệnh nguy hiểm (như dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, tai xanh, cúm gia cầm …) là rất cao. Do vậy việc tái cấu trúc lại ngành chăn nuôi, nâng cao năng lực ngành Thú y là cần thiết và phải có kế hoạch cụ thể, chiến lược dài hạn.

Vì vậy, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, để tái cấu trúc ngành chăn nuôi thì trước hết công tác định hướng, quy hoạch phát triển đóng vai trò nền tảng. Tiếp tục công tác tuyên truyền phổ biến Luật chăn nuôi thực hiện nghiêm việc đăng ký chăn nuôi, khai báo chăn nuôi thống kê kịp thời sự biến động đàn gia súc, gia cầm để có kế hoạch điều chỉnh kịp thời cơ cấu đàn vật nuôi cho phù hợp từng giai đoạn hạn chế khủng hoảng rủi do trong chăn nuôi. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi, phù hợp nhu cầu thị trường; khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư, phát triển chăn nuôi hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước, giám sát, kiểm dịch bệnh, quản lý chặt chẽ sản xuất, kinh doanh, buôn bán vật tư, thuốc thú y, nghiêm cấm sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi. Phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất con giống, phát triển ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị. Tăng thêm đàn trâu từ 23.500 con lên 25.000 con tại các huyện vùng trũng có nhiều cỏ nước (như các huyện Thanh Oai, Mỹ Đức,Ứng Hòa …).  Phát triển đàn bò sữa, bò thịt lai cao sản (tại các như huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Sóc Sơn); chăn nuôi dê, thỏ tại các vùng đồi gò (như huyện Ba Vì, Mỹ Đức,Thạch Thất, Sơn Tây …

Bên cạnh đó, cần cơ cấu lại đàn vật nuôi chủ lực, trong đó chăn nuôi bò thịt giữ ổn định đàn bò thịt phấn đấu đạt 120 nghìn con, tăng tỷ lệ đàn bò Zebu hóa 100% (như bò lai Brahman, Droughtmaster, BBB, Angus …) bò hướng thịt cao sản chất lượng cao lai (như BBB, Wagyu, Angus …); sản lượng thịt hơi xuất chuồng 13.000 tấn. Tỷ lệ thụ tinh nhân tạo đàn bò thịt đạt trên 85% vào năm 2021 và đạt trên 95% vào năm 2025; 100% đàn bò cái lai Zebu tại các xã trọng điểm và các hộ chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư được bấm số tai và quản lý giống, khuyến khích nuôi vỗ béo đàn bò thịt ( như bò BBB, Wagyu, Angus …).

Phát triển theo vùng, xã trọng điểm, khu chăn nuôi và trại, trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư tại các huyện, thị xã (Sơn Tây, Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Thạch Thất, Mê Linh. …). Tổng đàn tại các khu vực này chiếm từ 35%-40% tổng đàn toàn Thành phố vào năm 2020. Đồng thời tổ chức lại hệ thống các cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp tập trung, có kiểm soát, bảo đảm vệ sinh thực phẩm và môi trường. Tiến tới 100% cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, bán công nghiệp đều ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Phấn đấu đến năm 2025 giảm khoảng 70% số cơ sở, điểm giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư, dần tiến tới chấm dứt hoạt động giết mổ nhỏ lẻ, phân tán trên địa bàn các huyện, thị xã.

Về công tác Thú y, phòng chống dịch bệnh, tập trung củng cố nâng cao năng lực ngành Thú y. Trong đó chú trọng đầu tư hơn nữa mạng lưới thú y thôn bản để làm tốt hơn công tác thống kê đàn gia súc, gia cầm. Hằng ngày giám sát chặt chẽ việc xuất, nhập, phát hiện bệnh, gia súc gia cầm ốm chết để kịp thời ngăn chặn dịch bệnh, không để lây lan trên diện rộng. Tuyên truyền hướng dẫn người dân, người chăn nuôi thực hiện tốt việc chăm sóc nuôi dưỡng và xử lý dịch bệnh. Đồng thời tăng cường kiểm tra các hoạt động chuyên môn tại cơ sở, kịp thời xử lý hành vi vi phạm để người dân, người chăn nuôi yên tâm phát triển sản xuất.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, với các giải pháp trên được triển khai đồng bộ, cùng sự đồng thuận của người dân, người chăn nuôi, các doanh nghiệp thì chắc chắn ngành chăn nuôi, thú y Hà Nội sẽ tiếp tục có bước chuyển tích cực góp phần đảm bảo an sinh xã hội và tái cấu trúc ngành hiệu quả.

Thiện Tâm

Top