Tái chế rác thải nhựa: Giải pháp nhiều ý nghĩa

27/10/2020 5:00 PM

(Chinhphu.vn) – Tái chế rác thải nhựa đang là yêu cầu cấp thiết đối với các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM. Hoạt động này không chỉ làm giảm lượng rác chôn lấp, bớt ô nhiễm môi trường, mang lại giá trị kinh tế mà còn có ý nghĩa về phát triển bền vững.

Tái chế rác thải nhựa vừa bảo vệ môi trường vừa mạng lại giá trị kinh tế. Ảnh minh họa

Lãng phí “tài nguyên rác”

Thời gian qua, với mục tiêu giảm thiểu chất thải nhựa, Sở TN&MT Hà Nội đã tham mưu UBND TP. Hà Nội ban hành văn bản, công văn yêu cầu các sở, ban ngành về việc thực hiện các giải pháp giảm thiếu chất thải nhựa. Theo đó, từ ngày 1/11/2020, các cơ quan hành chính nhà nước, đoàn thể chính trị xã hội và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Thành phố phải gương mẫu, tích cực và đi đầu trong việc giảm thiểu chất thải nhựa; hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần; không sử dụng băng rôn, khẩu hiệu, chai, cốc, ống hút, bát, đũa nhựa… dùng một lần tại công sở và trong các hội nghị, hội thảo, cuộc họp và ngày lễ, ngày kỷ niệm và các sự kiện khác; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường...

Mới đây, chia sẻ tại Toạ đàm trực tuyến chủ đề “Công nghệ tái chế chất thải nhựa và các sản phẩm thân thiện môi trường”, bà Nguyễn Thị Hưởng, Trưởng phòng Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường, Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội đánh giá, có thể thấy, việc tái chế sẽ làm giảm lượng chất thải nhựa cần xử lý, giảm áp lực đối với vật liệu nhựa nguyên sinh giúp tiết kiệm tài nguyên không thể tái tạo là dầu mỏ, giảm sự tiêu thụ năng lượng và nước cũng như giảm phát thải các loại khí và hóa chất độc hại trong quá trình sản xuất vật liệu nguyên sinh...; giải quyết hàng loạt các vấn đề môi trường như mất mỹ quan đô thị, tắc nghẽn cống rãnh, suy thoái đất...

“Các biện pháp tận dụng, tái chế rác nhựa không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn có ý nghĩa về phát triển bền vững, mục tiêu mà mọi quốc gia đều hướng đến”, bà Hường nhấn mạnh.

Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho rằng, nếu sử dụng được nguồn nguyên liệu nhựa tái chế ở mức 35% đến 50%/năm, các doanh nghiệp có thể giảm chi phí sản xuất hơn 15%. Như vậy, ngành Công nghiệp tái chế của Việt Nam hiện có tiềm năng rất lớn. Tuy nhiên, số lượng các công ty xử lý rác của Việt Nam còn quá ít, dẫn tới sự lãng phí “tài nguyên rác” như hiện nay.

Cần tái chế nhựa như thế nào?

Theo ông Đỗ Thanh Bái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Trách nhiệm tự nguyện của các doanh nghiệp hóa chất Việt Nam (VRCC), hiện quy trình tái chế ở Việt Nam và Hà Nội phổ biến là mang sản phẩm nhựa về ép ra sản phẩm mới. Nhưng với quy mô lớn thì chưa có.

Sở TN&MT từng giới thiệu nhiều cơ sở và họ đều bảo đảm quy trình nhất đinh. Ví dụ như nếu muốn chuyển từ chai nước ra sợi polyester thì công nghệ sẽ khác với công nghệ đưa chai nhựa đốt ra hạt. Do đó, mục đích khác nhau thì đòi hỏi công nghệ khác nhau.

Hiện chúng ta đang có 3 công nghệ tái chế chính. Công nghệ tốt nhất như các nước tiên tiến đang làm là thu gom, làm sạch, phân loại theo từng loại nhựa và chuyển hoá thành hoạt chất căn bản, ví như từ chai nước thành sợi polyester. Công nghệ tái chế thứ hai là làm sạch lại, băm ra thành mảnh nhựa nhỏ, nhựa nguyên sinh, sau đó cho vào máy đùn để ép ra sản phẩm khác. Nhưng rủi ro là với nhựa y tế, khi cho vào máy đun thì mức nhiệt không đủ để diệt hết vi trùng, mầm bệnh, nên cần có sự kiểm soát chặt.

Công nghệ thứ 3 là biến chất thải nhựa thành 1 phần của vật liệu xây dựng, trong đó có bêtông, hiện TPHCM đang áp dụng công nghệ này. Tuy nhiên, thời gian tới, chúng ta vẫn cần phát triển thêm một số công nghệ khác…

Từng bước thay thế sản phẩm thân thiện môi trường

Song song với việc phát triển công nghệ tái chế rác thải nhựa thì việc sử dụng các các sản phẩm tiện ích thân thiện với môi trường cũng đang được nhiều doanh nghiệp, người tiêu dùng quan tâm, như: Ống hút sắt, bình thủy tinh, bình nước tre, ống hút gạo, ống hút tự hủy, ống hút sậy, ly giấy, hộp xốp bằng bã mía hay các sản phẩm có thể tự phân hủy…

Hiện nay, tại nhiều nhà hàng, quán cafe sử dụng các sản phẩm ống hút bằng giấy mía thay vì sử dụng ống hút nhựa như trước. Theo đó, tại nhiều siêu thị sử dụng lá chuối bọc sản phẩm tươi sống thay vì túi nilon như trước đây. Một số quán cafe trên địa bàn TP. Hà Nội còn trưng bày và bán các sản phẩm thân thiện với môi trường như ống hút inox, túi vải, túi giấy,…

Theo bà Nguyễn Thị Hưởng, việc xuất hiện nhiều sản phẩm tiện ích thân thiện với môi trường là một bước tiến tốt, thể hiện sự quan tâm và thay đổi thói quen trong sản xuất lẫn tiêu dùng của các tổ chức, cá nhân nhằm góp phần bảo vệ môi trường. Người dân ngày càng ý thức được việc cấp thiết phải bảo vệ môi trường sống nên việc sử dụng các sản phẩm môi trường trong thời gian gần đây đang có chiều hướng tăng mạnh. Nhiều người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các thương hiệu có cam kết “xanh” và “sạch”.

Tuy nhiên, theo bà Hưởng, cần phải có cơ chế, chính sách và các giải pháp để kiểm soát chất lượng của các sản phẩm thân thiện môi trường, thay thế các sản phẩm nhựa dùng 1 lần túi nilông khó phân hủy nêu trên, phải có cơ quan tổ chức cấp giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm theo quy định.

Hiện nay, chưa có cơ quan tổ chức chứng nhận theo thẩm quyền, sắp tới Bộ Y tế sẽ vào cuộc ban hành các tiêu chuẩn chất lượng về vệ sinh đối với sản phẩm nhựa tái chế, bao bì đựng thức ăn.

Ngoài việc tuyên tuyền, thời gian tới Sở sẽ phối hợp với Sở Công Thương để giới thiệu các sản phẩm thân thiện với môi trường, giúp người dân hiểu biết được các sản phầm này, từ đó mới từng bước thay thế sử dụng.

Diệu Anh

Top