Tăng 223 chuỗi cung cấp rau thịt an toàn cho Thủ đô
(Chinhphu.vn) - Ngày 14/12, Sở NN&PTNT tổ chức Hội nghị Đánh giá kết quả chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp Rau, thịt, nông sản an toàn thành phố Hà Nội năm 2019.
Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, năm 2019, Hà Nội đã phối hợp với 21 tỉnh, thành phố trong Ban điều phối chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho Hà Nội, đến nay đã xây dựng 766 chuỗi (tăng 223 chuỗi so với năm 2018). Riêng Hà Nội duy trì và phát triển 138 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời cấp giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 8 cơ sở với 18 điểm kinh doanh thực phẩm của nhiều chuỗi an toàn được sản xuất trên địa bàn thành phố và các địa phương.
Năm 2019, toàn thành phố đã quản lý, cấp mã tài khoản quản trị cho 2.718 các cơ sở, HTX doanh nghiệp, cửa hàng sản xuất kinh doanh nông lâm thuỷ sản an toàn (tăng 734 cơ sở so với năm 2018). Đã cấp mã QRcode truy xuất minh bạch thông tin cho 867 doanh nghiệp với tổng bộ mã truy xuất được quản lý hơn 7.288 mã sản phẩm (tăn 34% so với năm 2018). Trong đó có hơn 1.026 mã sản phẩm có nguồn gốc của 34 tỉnh thành phố.
Theo các đại biểu, sản phẩm của các địa phương sau khi được quảng bá tại các kênh của Hà Nội đã được nhiều người tiêu dùng trong cả nước biết đến, sản lượng bán ra tăng từ 20%-30%. Trong đó có nhiều sản phẩm được các doanh nghiệp phân phối lớn của Hà Nội tư vấn hỗ trợ về thiết kế mẫu mã, bao bì để đưa vào kênh phân phối hiện đại như: Nhãn, mận, xoài tỉnh Sơn La, gạo đặc sản Lào Cai, Yên Bái...
Theo Sở NN&PTNT, năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch 5 năm chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau thịt an toàn cho thành phố Hà Nội giai đoạn 2015-2020 với mục tiêu sản phẩm rau thịt nông sản đưa về tiêu thụ trên địa bàn thành phố Hà Nội được truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Hà Nội với 21 tỉnh, thành cần đẩy mạnh hợp tác trong công tác quản lý nhà nước trong nông nghiệp; tổ chức các đoàn công tác trao đổi, học tập kinh nghiệm trong phát triển chăn nuôi, quản lý, sản xuất giống chăn nuôi, thủy sản... Định hướng xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến thực phẩm và nâng cấp công nghệ chế biến. Tăng cường xúc tiến thương mại, dự báo thị trường khuyến khích tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp giữa các địa phương ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Thiện Tâm