Tăng cường các biện pháp phòng, chống thiên tai, nắng nóng, hạn hán, thiếu nước

26/04/2024 3:45 PM

(Chinhphu.vn) - Các sở, ngành, địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết; vận hành hiệu quả hệ thống, công trình thủy lợi; chủ động triển khai các kế hoạch, phương án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả theo phương châm "4 tại chỗ".

Tăng cường các biện pháp phòng, chống thiên tai, nắng nóng, hạn hán, thiếu nước- Ảnh 1.

Trước tình hình dự báo Hà Nội sẽ phải hứng chịu nhiều dịp nắng nóng trong đợt hè này, nắng nóng kèm theo thiếu hụt lượng mưa làm tăng nguy cơ hạn hán, thiếu hụt nước và xảy ra cháy rừng ở nhiều nơi...Ảnh minh họa

Trước tình hình dự báo Hà Nội sẽ phải hứng chịu nhiều dịp nắng nóng trong đợt hè này, nắng nóng kèm theo thiếu hụt lượng mưa làm tăng nguy cơ xảy ra cháy rừng ở nhiều nơi...Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội ban hành văn bản số 27/BCH về việc chủ động, tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, phòng cháy, chữa cháy rừng.

Để chủ động triển khai các giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả với thiên tai, thời tiết cực đoan, nhất là nắng nóng, hạn hán, cháy rừng, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã; các sở, ban, ngành Thành phố tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cụ thể sau:

Tiếp tục quán triệt, phối hợp, tham mưu triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo tại Công điện của Thủ tướng Chính phủ số 397/CĐ-TTg ngày 13/5/2023; Số 04/CĐ-TTg ngày 15/01/2024; Số 31/CĐ-TTg ngày 04/4/2024; Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 01/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 661/CT-BNN-TL ngày 23/01/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tổ chức trực ban nghiêm túc theo quy định; theo dõi chặt chẽ diễn biến và dự báo về thời tiết, khí tượng, thủy văn, nguồn nước; thông tin về dự báo, cảnh báo nguy cơ nắng nóng, nguy cơ cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng, website của các cơ quan chuyên môn để điều chỉnh, bổ sung và triển khai các kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả phù hợp với tình hình thực tế, các kịch bản có thể xảy ra và đảm bảo theo phương châm "bốn tại chỗ". Thông tin, báo cáo kịp thời ngay khi có cháy rừng, thiên tai, sự cố xảy ra theo quy định để tăng cường công tác phối hợp chỉ đạo và huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy rừng, xử lý sự cố, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai trong trường hợp cần thiết.

Tăng cường truyền thông, thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn tới các cấp chính quyền và người dân về thời tiết, khí hậu, thủy văn, nguồn nước, tình hình thiên tai, sự cố; các biện pháp, hình thức linh hoạt trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, chống lãng phí, thất thoát; nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân; dừng ngay việc dùng lửa để xử lý thực bì và những hành vi dùng lửa khác có nguy cơ gây cháy rừng trong suốt thời kỳ cao điểm, nguy cơ cháy rừng cao.

Tuân thủ chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành có liên quan để tổ chức thực hiện kịp thời, có hiệu quả giải pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước…

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố cũng yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã; các sở, ban, ngành Thành phố tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số biện pháp cụ thể phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước cũng như các biện pháp phòng, chống cháy rừng.

Thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về phòng cháy chữa cháy rừng, coi đây là nhiệm vụ trong tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác...

Thùy Chi

Top