Tăng cường độ che phủ, bảo đảm công tác phòng, chống cháy rừng

13/02/2023 5:10 PM

(Chinhphu.vn) - Để bảo đảm công tác phòng cháy chữa cháy rừng, bên cạnh việc tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng, ngành nông nghiệp Thủ đô khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có khả năng đầu tư trồng rừng sản xuất thâm canh có hiệu quả. Đảm bảo độ che phủ rừng ổn định từ 5,65 và có lộ trình thực hiện để đạt độ che phủ rừng là 6,2% vào năm 2025.

Tăng cường độ che phủ, bảo đảm công tác phòng, chống cháy rừng - Ảnh 1.

Thời gian qua Hà Nội đã tăng cường công tác kiểm lâm, đẩy mạnh phòng, chống cháy rừng. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Năm 2022, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra 12 vụ cháy rừng, diện tích bị cháy 16,986ha. So với cùng kỳ năm 2021 giảm cả số vụ lẫn diện tích cháy (giảm 10 vụ cháy và giảm 3,834ha diện tích cháy rừng). Các vụ cháy chủ yếu cháy thảm thực bì, không gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng.

Bên cạnh đó, trong năm đã xảy ra 6 vụ phá rừng trái pháp luật với diện tích rừng bị phá là 1.645m2, chủ yếu tập trung tại huyện Sóc Sơn (5 vụ) và huyện Ba Vì (1 vụ), so với cùng kỳ năm 2021 tăng 1 vụ. Lực lượng kiểm lâm đã phát hiện và xử lý 84 vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, thu nộp ngân sách 772 triệu đồng. Tang vật tịch thu gồm 27m3 gỗ tròn, trong đó 2,0m3 gỗ quý hiếm; 789 cá thể động vật hoang dã, trong đó có 80 cá thể quý hiếm, 709 cá thể thông thường. Các vụ việc đều được xử lý đúng quy định của pháp luật, không xảy ra khiếu nại, tố cáo.

Tuy nhiên, đầu năm 2023, riêng trong tháng một, trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã xảy ra 5 vụ cháy nghiêm trọng, gây thiệt hại hàng chục ha. Vì vậy, để đảm bảo công tác phòng chống cháy rừng, Sở NN&PTNT đã có văn bản gửi 7 huyện, thị xã có rừng và các cơ quan liên quan cần phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng cho cán bộ, công chức và người dân. Thông qua đó nâng cao cảnh giác, có ý thức trách nhiệm trong phòng, chống cháy rừng ở mọi lúc, mọi nơi. Đồng thời các địa phương triển khai kịp thời văn bản chỉ đạo của các cấp về công tác quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt là Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong tình hình mới.

Đối với Chi cục Kiểm lâm, đơn vị đã triển khai kế hoạch bảo vệ các khu rừng trong mùa lễ hội cũng như trong cả năm 2023. Bên cạnh đó, phối hợp với các địa phương tổ chức các đợt tuyên truyền lưu động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống cháy rừng; liên kết với kiểm lâm các tỉnh giáp ranh (Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hà Nam) xây dựng phương án tuần tra chung, phối hợp ứng phó khi cháy rừng xảy ra.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, năm 2023, ngành sẽ tiếp tục bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có. Đồng thời sắp xếp và tăng cường lực lượng kiểm lâm địa bàn, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn để đảm bảo tốt vai trò là lực nòng cốt trong quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng vừa tham gia thực hiện các nhiệm vụ về giao đất, giao rừng, khuyến lâm và thống kê, kiểm kê rừng trên địa bàn Thành phố.

Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có khả năng đầu tư trồng rừng sản xuất thâm canh có hiệu quả; thu hút vào trồng rừng sản xuất và chế biến lâm sản, phát triển du lịch sinh thái rừng. Đảm bảo độ che phủ rừng ổn định từ 5,65 và có lộ trình thực hiện để đạt độ che phủ rừng là 6,2% vào năm 2025.

Tăng cường thực hiện quản lý nhà nước về quản lý bảo vệ rừng, không để xảy ra phá rừng, hạn chế đến mức thấp nhất cháy rừng, không để xảy ra cháy lớn. Kiểm tra, nâng cao chất lượng công tác quản lý địa bàn của các đơn vị trực thuộc, thực thi nhiệm vụ của kiểm lâm địa bàn.

Thiện Tâm

Top