Tăng cường quản lý việc đưa hiện vật vào di tích

05/01/2018 4:09 PM

(Chinhphu.vn) - Nhờ tăng cường công tác quản lý việc đưa hiện vật vào di tích, đến nay, trên địa bàn Hà Nội hầu như không còn tình trạng sản xuất, cung tiến mới, bày đặt, sử dụng đồ thờ và các vật phẩm lạ không phù hợp lịch sử, văn hóa, mỹ thuật truyền thống trong nội tự các di tích tại Thủ đô.

Triển lãm chuyên đề “Linh vật Việt” tại Bảo tàng Hà Nội năm 2016- Ảnh: Nhật Bắc

Trở thành tiêu chí chấm điểm thi đua

Sau khi tiến hành kiểm kê vào năm 2015, trên địa bàn Hà Nội có 5.922 di tích, trong đó có 1 Di sản văn hóa thế giới (Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long), 11 di tích Quốc gia đặc biệt, 1.185 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 1.264 di tích xếp hạng cấp Thành phố, cùng hàng nghìn di tích chưa xếp hạng.

Là địa phương có khối lượng di tích lớn nhất cả nước, Hà Nội cũng đứng trước vấn đề có không ít hiện vật lạ, chưa phù hợp với văn hóa, mỹ thuật Việt Nam đã và đang hiện diện ở nhiều di tích. Cùng với cả nước, sau 3 năm thực hiện chủ trương không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật trái với thuần phong mỹ tục, việc trả lại không gian văn hóa thuần Việt cho các di tích trên địa bàn thành phố đã có chuyển biến mạnh mẽ, góp phần khơi dậy ý thức bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc.

Năm 2014, khi thực hiện công văn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, qua khảo sát của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho thấy 27/30 số quận, huyện có hiện vật “lạ”.

Ngay trong năm 2014, 20/26 quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã tiến hành di dời hiện vật “lạ” ra khỏi di tích. Trong năm 2015, đã có thêm 4 quận, huyện hoàn thành việc di dời sư tử đá ra khỏi di tích là: Ba Đình, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Gia Lâm. Đến tháng 10/2017, có 3 quận, huyện là Mỹ Đức, Long Biên và Thanh Trì đã hoàn thành việc di chuyển các hiện vật theo thống kê ra ngoài khuôn viên di tích. Các quận huyện: Ba Đình, Ba Vì, Bắc Từ Liêm, Chương Mỹ, Đan Phượng, Đông Anh, Đống Đa, Hoài Đức, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Mê Linh, Quốc Oai, Thanh Oai, Tây Hồ, Thanh Xuân, Thường Tín, Sơn Tây, Ứng Hòa đã tổ chức vận động, di dời được 180 linh vật “lạ”, hiện vật không truyền thống ra khỏi di tích.

Theo Sở VH&TT Hà Nội, đáng mừng là từ năm 2014 đến nay, các quận, huyện, thị xã đã thực hiện tốt việc kiểm tra, hướng dẫn các địa phương tiếp nhận công đức nên đã không có phát sinh thêm trường hợp di tích nào đưa linh vật cũng như đồ thờ không đúng với truyền thống của người Việt vào di tích.

Từ năm 2014 đến nay, các quận, huyện, thị xã đã thực hiện tốt việc kiểm tra, hướng dẫn các địa phương tiếp nhận công đức nên đã không có phát sinh thêm trường hợp di tích nào đưa linh vật cũng như đồ thờ không đúng với truyền thống của người Việt vào di tích. Như vậy, sau 3 năm thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tại Hà Nội, nhiều di tích có đặt các hiện vật không phù hợp truyền thống và thuần phong mỹ tục đã tự di dời, gỡ bỏ.

Sở VH&TT Hà Nội cũng đưa nội dung kiểm tra việc thực hiện di chuyển, ngăn ngừa đưa những linh vật ngoại lai không đúng với thuần phong mỹ tục của người Việt vào các di tích trở thành một trong những tiêu chí chấm điểm thi đua.

Tăng cường phổ biến kiến thức chuyên môn

Theo Sở VH&TT Hà Nội, việc tháo dỡ, di dời hiện vật không phù hợp vẫn còn gặp một số khó khăn như: Về nhận biết biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam còn nhiều hạn chế. Do vậy, việc tuyên truyền vận động di dời “vật lạ” tại nhiều địa phương còn lúng túng, chưa thuyết phục. Ngoài ra, nhiều “linh vật lạ” đã được đưa vào di tích từ rất lâu (trên 20 năm), đã ít nhiều gắn với tâm linh nên việc vận động di dời là rất khó…

Việc tìm địa điểm di chuyển và xử lý đối với các hiện vật sau khi di chuyển cũng là một vấn đề nan giải, không thể phá bỏ, cũng không thể đưa tập trung bảo quản ở một khu vực, nhất là trong điều kiện đô thị hóa như ở Hà Nội, cần tìm ra biện pháp giải quyết phù hợp thực tiễn.

Tuy nhiên, Sở VH&TT khẳng định ngành tiếp tục phối hợp với các địa phương trong công tác tuyên truyền vận động, tập trung di chuyển các sư tử đá không phù hợp với mỹ thuật truyền thống Việt Nam ra khỏi di tích. Đđồng thời tăng cường công tác quản lý việc đưa hiện vật vào di tích; tổ chức kiểm tra, tiếp tục vận động và bắt buộc thực hiện việc di dời đối với một số “hiện vật lạ” ở các di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, nhất là các di tích quốc gia đặc biệt.

Sở VH&TT cũng đã kiến nghị với Bộ VHTT&DL tăng cường tập huấn, phổ biến kiến thức chuyên môn về hiện vật phù hợp, không phù hợp với di tích cho cán bộ cấp Sở để làm cơ sở hướng dẫn, tuyên truyền tới các địa phương, các tiểu ban quản lý các di tích, đồng thời định hướng việc tiếp nhận hiện vật phù hợp, đúng tính chất của di tích.

Hòa An

Top