Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng

23/03/2016 12:00 PM

(Chinhphu.vn) - Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 09-KH/TU, triển khai thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW này 7/12/2015 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng” trên địa bàn thành phố.

Theo đó, đi đôi với đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước và các văn bản chỉ đạo của Thành ủy về phòng, chống tham nhũng; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan nhà nước các cấp của thành phố trong việc gương mẫu thực hiện và có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, Thành ủy chỉ đạo tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy chế, tiêu chuẩn, định mức; tăng cường công tác quản lý nhà nước để kịp thời phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng. Theo đó, các cấp chính quyền từ thành phố đến cơ sở tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các văn bản chỉ đạo của thành phố, nhất là về quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, nhà ở, trật tự xây dựng, giải phóng mặt bằng, thu, chi tài chính, ngân sách, tài sản công...; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực hải quan, thuế, quản lý thị trường... nhằm phòng ngừa hiệu quả các hành vi tham nhũng; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán việc chấp hành pháp luật trên các lĩnh vực; kiên quyết xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật tham nhũng, tiêu cực. Kiến nghị, bổ sung các quy định pháp luật, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định tư pháp phục vụ việc giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế.  

Thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn thiện (hoặc đề xuất bổ sung, hoàn thiện) hệ thống các văn bản pháp luật, các quy định, quy chế, tiêu chuẩn, định mức, chủ động phát hiện những sơ hở, thiếu sót là nguyên nhân của các vụ việc tham nhũng để kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp các quy định của pháp luật và thực tiễn của thành phố, nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.

Nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, giải quyết tố cáo, xử lý tố giác, tin báo tội phạm, kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, các ngành, các cấp nâng cao hiệu quả phạt hiện, xử lý tham nhũng: Ủy ban Kiểm tra các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện, xử lý kịp thời tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên vi phạm các quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Thanh tra thành phố, thanh tra chuyên ngành và thanh tra các quận, huyện, thị xã, ngoài việc tiên hành thanh tra theo kế hoạch hằng năm, cần chủ động thanh tra chuyên đề và thanh tra khiếu nại, tố cáo, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm như: Quản lý đất đai, nhà ở, quản lý ngân sách, tài chính, đầu tư xây dựng cơ bản, khai thác sử dụng tài nguyên khoáng sản, thu thuế, ngân hàng...; thường xuyên tiến hành rà soát các cuộc thanh tra kinh tế, xã hội để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng.

Trong công tác chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, phải xác minh, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật những vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, với nguyên tắc: Tích cực, khẩn trương; làm rõ đến đâu, xử lý đến đó; không phân biệt người có hành vi tham nhũng là ai, đã có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử. Chú trọng áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt theo quy định của pháp luật để kịp thời phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng. Chấn chỉnh, xử lý kịp thời các vi phạm trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng; khắc phục tình trạng hành vi tham nhũng có dấu hiệu tội phạm, nhưng chỉ xử lý kỷ luật hành chính, kinh tế.

Trong xử lý tham nhũng phải xác minh rõ, chính xác tài sản của người có hành vi tham nhũng; thu hồi tối đa tài sản do tham nhũng mà có trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Xử lý nghiêm minh những cán bộ không tích cực thu hồi hoặc cản trở hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng.

Tiếp tục củng cố, kiện toàn bộ máy, cán bộ, công chức tham mưu cho các cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành chức năng cần tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức và cán bộ, công chức tham mưu cho các cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, cơ chế phối hợp và thẩm quyền, trách nhiệm; có chính sách đãi ngộ phù họp để động viên cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ này.

Phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Đẩy mạnh hoạt động giám sát của của HĐND, đại biểu HĐND các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác phát hiện, xử lý tham nhũng.

(Theo HN Portal)

Top