Tăng cường thanh tra chuyên ngành để bảo đảm ATTP

19/11/2019 4:31 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 19/11, Báo Hànộimới phối hợp với Sở Y tế Hà Nội tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: Những vấn đề đặt ra từ việc thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm ở cơ sở của thành phố Hà Nội.

Tọa đàm "Những vấn đề đặt ra từ việc thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm ở cơ sở của thành phố Hà Nội" - Ảnh: Thiện Tâm

Tham dự chương trình có ông Đỗ Hữu Tuấn, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm; ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội; ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm... cùng lãnh đạo Phòng Y tế một số quận, huyện trên địa bàn Thành phố.

Thành phố đã xây dựng mô hình quản lý thực phẩm theo chuỗi

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong những năm qua, công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đạt được một số kết quả quan trọng. Cụ thể, Thành phố đã xây dựng mô hình quản lý thực phẩm theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn; tổ chức phối hợp với các tỉnh giám sát an toàn thực phẩm theo chuỗi từ khâu chăn nuôi đến tiêu thụ; tổ chức gắn kết thu mua sản phẩm, xây dựng và mở rộng các mô hình sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất tốt...

Bên cạnh đó, công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm luôn được coi trọng kết hợp với công tác tuyên truyền hướng dẫn giúp người sản xuất, kinh doanh nắm được các quy định và thực hiện đúng theo quy định về an toàn thực phẩm. Trong năm 2018, thành phố đã tổ chức tổng số 876 đoàn thanh tra, kiểm tra. Trong 9 tháng năm 2019, thành phố đã tổ chức 651 đoàn thanh tra, kiểm tra. Kết quả, kiểm tra được 83.240 lượt cơ sở.

Theo ông Trần Văn Chung, công tác thanh, kiểm tra đã tạo sự chuyển biến tích cực trong việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở kinh doanh.

Tuy nhiên, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều tồn tại do số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không có giấy phép kinh doanh tại tuyến xã còn nhiều; phần lớn chưa đáp ứng các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm; hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ còn tồn tại, không bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm...

Chính vì vậy, từ ngày 10/7/2019, thành phố Hà Nội đã mở rộng thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại tất cả 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn. Trước đó, từ năm 2016, Hà Nội đã triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 5 quận, huyện và 10 phường, xã và bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực.

Về công tác thanh tra, 30/30 quận, huyện, thị xã đã tiến hành triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm với tổng số cơ sở được thanh tra là 487 cơ sở, qua đó xử phạt 149 cơ sở với số tiền phạt hơn 550 triệu đồng. Ngoài ra, có 323/584 xã, phường, thị trấn đã triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm với tổng số 1,516 cơ sở được thanh tra, qua đó xử phạt 327 cơ sở với số tiền phạt  hơn 519 triệu đồng.

Trong quá trình triển khai mở rộng thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP trên địa bàn Hà Nội có nhiều thuận lợi nhờ sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của UBND thành phố. Lãnh đạo các đơn vị đều xác định sự cần thiết của thanh tra chuyên ngành tuyến quận, huyện, xã, phường và coi đó là nhiệm vụ trọng tâm.

Giải pháp kiểm soát nguy cơ

Thực tế việc triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm thời gian qua cho thấy, công tác thanh tra mới chỉ tập trung vào lĩnh vực y tế, chủ yếu thanh tra thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể. Trong khi đó, cái “gốc” của vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm chính việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong các sản phẩm nông nghiệp. Về vấn đề này, ông Lê Xuân Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật chia sẻ, công tác quản lý chất lượng ATTP là một chuỗi các hoạt động quản lý nhà nước bao gồm từ quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp đầu vào (giống cây trồng, giống vật nuôi, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú ý, thuốc bảo vệ thực vật) tới các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, giết mổ, sơ chế, chế biến và cung ứng thực phẩm tới tay người tiêu dùng.

Chính vì vậy Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tham mưu nhiều giải pháp quản lý được xuyên suốt quá trình sản xuất thực phẩm từ khâu trồng trọt, chăn nuôi đến giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm.

Việc quản lý an toàn thực phẩm trên nguyên tắc quản lý nguy cơ, tập trung nguồn lực, các giải pháp kiểm soát nguy cơ trọng yếu ví dụ như thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm trồng trọt như rau, quả, chè…; dư lượng kháng sinh, thuốc thú y trên sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, thủy sản; phụ gia, hóa chất trên sản phẩm chế biến… Do vậy, nếu không kiểm soát tốt các mối nguy này tại các khâu sản xuất thì việc kiểm soát nguy cơ tại các khâu sau cũng không có ý nghĩa.

Phải thanh tra 50% tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh

Trên thực tế, việc triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm trên diện hẹp tại 5 quận, huyện với 10 xã, phường từ năm 2016 đã cho thấy, việc xử lý vi phạm tại cấp xã, phường vẫn còn nhiều hạn chế. Để khắc phục tình trạng nể nang, né tránh do quen biết, tình làng nghĩa xóm của lực lượng thanh tra cấp xã, phường trước những vi phạm về an toàn thực phẩm, ông Trần Ngọc Tụ, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh Thực phẩm Hà Nội cho biết, đây là điểm mà trong báo cáo đánh giá hằng năm về ATTP đã được nêu lên để các xã, phường phải thực hiện đúng thẩm quyền.

Cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm do cấp xã quản lý thường là các cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất kinh doanh tính thời vụ, doanh số thu hằng ngày rất thấp, chủ cơ sở thường là người quen, có tình làng nghĩa xóm, anh em họ hàng.

Qua thí điểm thanh tra chuyên ngành đợt 1, việc xử phạt của các xã rất thấp. Vì vậy, để khắc phục tình trạng trên, Kế hoạch thanh tra đợt này là giao tất cả các quận, huyện, xã, phường thanh tra 50% tổng số cơ sở sản xuất kinh doanh trong năm; ban hành quy định, trong một năm xã phạt tối thiểu 3 triệu, phường phạt tối thiểu 5 triệu...

Đến nay, sau 4 tháng triển khai, tổng số cơ sở xã, phường xử phạt là gần 400 cơ sở/1.800 cơ sở được thanh tra, cao hơn nhiều so với trước, cho thấy tình trạng nể nang né tránh đã dần từng bước được khắc phục.

Tăng cường kiểm tra trong dịp Tết Nguyên đán

Để đảm bảo ATTP dịp Tết sắp tới, ông Đặng Văn Được, Phó Chánh Thanh tra Sở Công Thương Hà Nội cho biết, nhu cầu tiêu dùng trong dịp này sẽ tăng mạnh, đặc biệt là trong một số nhóm ngành hàng như rượu bia, bánh kẹo, mứt, đường, sữa, rau củ quả, thịt lợn, gia súc, gia cầm… Hiện nay, ngành Công Thương đang phối hợp với lực lượng quản lý thị trường thành lập 4 đội liên ngành, tăng cường kiểm tra từ nay cho đến hết Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Đồng thời, yêu cầu cơ sở  xã, phường, thị trấn, quận, huyện tập trung thanh kiểm tra các hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu bia, bánh mứt kẹo, rau củ quả; đặc biệt lưu ý các nhà hàng ăn uống, các cơ sở cung cấp suất ăn, bếp ăn tập thể ở trường học, cơ quan doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tại các chợ dân sinh, trong các dịp lễ hội… là những nơi có nguy cơ cao xảy ra mất ATTP.

Thiện Tâm

Top