Tăng cường thu hút đầu tư vào các KCN, KCX

13/04/2016 8:20 PM

(Chinhphu.vn) - Việc thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) trên địa bàn Hà Nội không những góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung của Thủ đô, mà còn làm thay đổi cơ cấu ngành theo hướng ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp mới.

Ảnh minh họa

Sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, các KCN, KCX của Hà Nội đã có những đóng góp không nhỏ cho phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô. Đến nay, Hà Nội đã có 8 KCN hoạt động với quy mô gần 1.240 ha; 2 KCN đang xây dựng hạ tầng, diện tích gần 110 ha. Các KCN đã thu hút hơn 600 dự án, trong đó, hơn 310 dự án đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký đặt hơn 4,9 tỷ USD; 290 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký đặt hơn 11.700 tỷ đồng.

Cùng với sự gia tăng các nguồn vốn đầu tư, các doanh nghiệp trong KCN Hà Nội đã tạo ra khoảng 50% giá trị sản lượng công nghiệp, 45% kim ngạch xuất khẩu và hơn 20% GDP của thành phố. Theo tính toán, mỗi hécta đất trong KCN bình quân đã tạo việc làm mới cho 100 lao động và nộp ngân sách hơn 1,5 tỷ đồng; lũy kế các KCN đã tạo việc làm cho hơn 140.000 lao động của thành phố.

Chỉ tính riêng thu hút FDI năm 2015 vào Hà Nội đạt 1,4 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 1.100 triệu USD (tăng 8% so năm 2014). Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp KCN Hà Nội trong năm 2015 đạt 3.399 triệu USD tăng 7,7% so với năm 2014, đạt 101,4% so với kế hoạch đầu năm. So với toàn TP Hà Nội, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp KCN chiếm 29,94%. Kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp KCN Hà Nội đạt 3.456 triệu USD tăng 5,8% so với năm 2014, chiếm 13,5% so với tổng kim ngạch nhập khẩu toàn Thành phố.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư

Trong những năm qua, thu hút FDI vào các KCN, KCX Hà Nội đã đóng góp vai trò quan trọng trong quá trình phát triển Thủ đô. Tuy nhiên, hiệu quả tổng thể của thu hút FDI vào Hà Nội chưa tương xứng với tiềm năng. Do đó, Hà Nội cần phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư.

Ông Phạm Khắc Tuấn, Trưởng ban quản lý các KCN, KCX Hà Nội cho biết, hiện nay thành phố Hà Nội nói chung, Ban Quản lý các KCN, KCX Hà Nội nói riêng đặc biệt chú trọng đến công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.

Với vị thế là trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu của cả nước, Hà Nội có lực lượng lao động chất lượng cao khá dồi dào. Trong thời gian tới, đi đôi với đẩy mạnh cải cách hành chính, Ban Quản lý các KCN, KCX Hà Nội tiếp tục ký nhiều chương trình hợp tác với các trường đào tạo nghề, trường phổ thông để làm cầu nối giữa nhu cầu lao động của doanh nghiệp.

Đồng thời, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quy hoạch, triển khai các chương trình, hoạt động thu hút đầu tư FDI vào các KCN, KCX Hà Nội; tạo điều kiện mở rộng thị trường, liên kết sản xuất kinh doanh giữa các doanh nghiệp FDI trong các KCN Hà Nội với các doanh nghiệp trong nước.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, ngoài củng cố, nâng cao chất lượng 8 KCN đang hoạt động, Hà Nội tiếp tục triển khai phát triển các KCN theo hướng nhanh và bền vững.

Trong đó, tập trung các vào các giải pháp như ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, phát triển công nghiệp sạch để tăng giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường. Đổi mới công nghệ hiện đại, tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp để tăng sức cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội và nhà ở cho công nhân ở các KCN. Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các KCN.

Bên cạnh đó, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn, củng cố niềm tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động trong các KCN. Đẩy mạnh chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Quan tâm chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần, điều kiện sống và sinh hoạt của người lao động nhằm phục vụ sự phát triển bền vững và lâu dài của các KCN.

Diệu Anh

Top