Tăng cường xúc tiến, cung cấp nông sản an toàn cho người dân

18/09/2019 4:16 PM

(Chinhphu.vn) – Thời gian qua, để cung cấp nguồn nông sản, thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô, Hà Nội đã đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng, kết nối cung-cầu; tăng cường xúc tiến, kết nối nông sản an toàn với các địa phương trên cả nước.

Kết nối doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp phân phối nông sản an toàn. Ảnh: Dân Việt

Theo thống kê, với dân số khoảng 10 triệu người, nhu cầu tiêu dùng nông sản của Hà Nội rất lớn. Trung bình mỗi tháng, Hà Nội tiêu thụ khoảng 7.000 tấn lương thực, thực phẩm như gạo, gia súc, gia cầm, thủy - hải sản... Đặc biệt, sức tiêu thụ trong các dịp lễ, Tết luôn tăng từ 5%-21% so với các tháng khác, trong khi các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của Hà Nội chỉ có thể đáp ứng được từ 30%-60% nhu cầu của người dân.

Để cung cấp nguồn nông sản, thực phẩm sạch cho người tiêu dùng, Hà Nội đã đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng, kết nối cung-cầu giữa các tỉnh, thành phố trên cả nước. Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP. Hà Nội cho biết, hiện các tỉnh, thành phố đã xây dựng và phát triển được 461 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, cung cấp một số lượng đáng kể sản phẩm nông - lâm - thủy sản an toàn cho thị trường Hà Nội và các địa phương. Riêng Hà Nội duy trì và phát triển 80 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Là một trong những đơn vị hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia chuỗi sản phẩm hữu cơ tại Việt Nam, đại diện Công ty BioBee cho biết, công ty này đang xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ; xây dựng các nguồn cung ứng đầu vào, chuỗi liên kết, xử lý các sản phẩm phụ ngành nông nghiệp thuỷ sản tạo phân bón hữu cơ, giảm tối thiểu phân bón hoá học…

Ông Phạm Văn Thuỷ, Giám đốc Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao (EGreen) cho biết, công ty hiện đã triển khai, ứng dụng thành công công nghệ sinh học hoạt tính cao trên nhiều loại cây trồng. Qua đó sẵn sàng hợp tác để mở rộng quy mô sản xuất, liên kết với các đơn vị thu mua, phân phối để mang đến cho thị trường các sản phẩm nông sản chất lượng cao.

Tuy nhiên, để nhân rộng sản xuất và chuyển giao công nghệ này, ông Thuỷ kiến nghị, nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề quỹ đất, cơ chế chính sách thuận lợi cho hoạt động này.

Đại diện doanh nghiệp phân phối, bà Phạm Mỹ Linh, Giám đốc thu mua Công ty VinEco cho biết, từ 2016 đến nay đã có 1.000 hộ tham gia cung cấp 100 tấn rau/ngày cho VinEco. Song khó khăn của nhà cung cấp là nhỏ lẻ, lúc thừa, lúc thiếu. Do vậy, theo bà Linh, cần quy hoạch lại nhà cung cấp để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng; các hộ sản xuất cần nghiên cứu kỹ điều kiện kỹ thuật nhằm cung cấp rau sạch, vùng nguyên liệu, nguồn nước… bảo đảm chất lượng và minh bạch yếu tố đầu vào.

Hỗ trợ phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ

Đánh giá về tiềm năng phát triển nông sản an toàn tại Việt Nam, ông Naomichi Muroka, Phó Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam cho rằng, nhu cầu về cây trồng an toàn cũng như nhu cầu tiêu dùng sản phẩm an toàn ngày càng gia tăng.

“Nông nghiệp Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng có tiềm năng rất lớn trong đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước, vì thế Việt Nam cần nâng cao ứng dụng công nghệ trong sản xuất”, ông Naomichi Muroka khẳng định.

Ông Nanakubo, Tư vấn trưởng Nhóm Dự án hợp tác kỹ thuật của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) chia sẻ, với sự hỗ trợ của JICA Safe Crop, trung tâm đã xây dựng và phát triển trang web nông sản an toàn Hà Nội (nongsanantoanhanoi.gov.vn) nhằm kết nối, hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có uy tín giới thiệu các sản phẩm nông sản, hàng hóa an toàn chất lượng, rõ nguồn gốc tới người tiêu dùng Thủ đô. Đến nay đã có gần 300 doanh nghiệp sản xuất, phân phối, các chuỗi liên kết của Hà Nội và các tỉnh tham gia; gần 400.000 lượt truy cập, tìm kiếm thông tin kết nối...

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, Hà Nội sẽ hỗ trợ phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nhằm kiểm soát chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm, điều tiết lợi ích giữa các khâu trong chuỗi liên kết. Đặc biệt, Thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực chế biến, liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Có thể thấy, việc xây dựng chuỗi kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp tiêu thụ tạo nguồn hàng ổn định, giúp tiêu thụ các sản phẩm nông sản một cách bền vững, nhưng để làm được điều này đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất luôn phải đặt vấn đề chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, tuân thủ các thủ tục pháp lý qua đó bảo đảm tính bền vững trong quá trình kết nối tiêu thụ hàng hóa với hệ thống bán lẻ hiện đại.

Bích Phương

Top