Tạo cơ hội giao thương giữa doanh nghiệp Thủ đô và các tỉnh, thành

27/11/2020 3:51 PM

(Chinhphu.vn) – Có thể thấy, thời gian qua, hoạt động kết nối giao thương đã tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, phân phối của Hà Nội và các tỉnh, thành phố gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu thông tin thị trường.

Các doanh nghiệp kết nối giao thương hàng hóa. Ảnh: Bích Phương

Qua đó, xây dựng chuỗi sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm Việt Nam có chất lượng, an toàn, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ "kép" vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế.

Theo số liệu của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA), với dân số 10 triệu người, nhu cầu tiêu dùng nông sản của Hà Nội rất lớn. Đặc biệt, sức tiêu thụ trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 dự báo sẽ tăng từ 3% đến 20%, trong khi doanh nghiệp Hà Nội chỉ có thể đáp ứng từ 30% đến 60% tổng nhu cầu.

Chính vì vậy, từ đầu năm đến nay, HPA và Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp cùng các tỉnh Sơn La, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Hải Dương, Đồng Tháp... tổ chức 10 tuần hàng trái cây, nông sản; 4 chuỗi sự kiện giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh, thành trên cả nước. Thông qua hoạt động kết nối, doanh nghiệp các tỉnh Gia Lai, Bình Thuận, Long An, Lào Cai, Quảng Ninh... đã tiêu thụ trên 10.000 tấn nông sản thực phẩm, thủy sản dư cung do thị trường xuất khẩu ảnh hưởng bởi COVID- 19.

Ðem đến nhiều sản phẩm đặc sắc của tỉnh Phú Yên tới hội nghị giao thương kết nối cung-cầu hàng hóa giữa TP. Hà Nội và các tỉnh, thành năm 2020 được tổ chức mới đây, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất chế biến và Thương mại Hà Trung Nguyễn Thị Hà chia sẻ, tham gia hội nghị giao thương, kết nối cung- cầu của Hà Nội, chúng tôi có thể tiếp cận nhiều đơn vị phân phối, tiêu thụ tại Thủ đô cũng như giới thiệu được các sản phẩm của tỉnh nhà đến với người dân Thủ đô.

Phó Giám đốc HPA Nguyễn Thị Mai Anh cho biết, thông qua hoạt động kết nối cung - cầu, TP. Hà Nội đã hỗ trợ 200 doanh nghiệp các địa phương đưa hàng vào hệ thống bán lẻ trên địa bàn Thành phố gồm: Vinmart, Big C Thăng Long, Saigon Co.op Hà Nội, BRG...

“Năm 2019, Vinmart kết nối hỗ trợ các tỉnh tiêu thụ 44.000 tấn hàng hóa; BigC Thăng Long 10.520 tấn; Saigon Co.op Hà Nội 3.800 tấn...”, bà Mai Anh nói.

Ðại diện Tập đoàn Central Retail cho biết, Tập đoàn rất quan tâm và sẵn sàng hợp tác với các hợp tác xã, doanh nghiệp, nhà cung cấp của các tỉnh, thành phố để đưa các sản phẩm, nhất là đặc sản vùng miền vào hệ thống phân phối của Central Retail gồm GO!, Big C và Lan Chi Mart và hướng tới xuất khẩu. Nhưng để đưa được sản phẩm vào phân phối tại hệ thống thì các địa phương, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp cần quan tâm, bảo đảm chất lượng sản phẩm, ổn định nguồn cung ứng và đầu tư hơn cho bao bì, mẫu mã, đáp ứng các tiêu chuẩn của doanh nghiệp phân phối và người tiêu dùng hiện nay.

Đánh giá cao vai trò “đầu tàu” của Hà Nội trong việc kết nối giao thương, cung cầu hàng hóa, Thứ trưởng Công thương Cao Quốc Hưng nhận định, hoạt động này đã tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, phân phối của Hà Nội và các tỉnh, thành phố gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu thông tin thị trường.

Qua đó, xây dựng chuỗi sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm Việt Nam chất lượng tốt, an toàn, góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ "kép" vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Để thực hiện được cam kết hỗ trợ, tạo điều kiện để đáp ứng nhu cầu đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp hợp tác, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn TP. Hà Nội, trong thời gian tới, TP. Hà Nội đề nghị Bộ NN&PTNT tăng cường hỗ trợ các tỉnh, thành định hướng quy hoạch vùng sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt... qua đó hạn chế việc nhiều địa phương cùng sản xuất một mặt hàng làm dư thừa nguồn cung. Bộ Công Thương hỗ trợ Hà Nội và các tỉnh, thành phát triển hệ thống hạ tầng thương mại; đề xuất Chính phủ có cơ chế hỗ trợ tổ chức điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành…

Bích Phương

Top