Tạo đà, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển

27/04/2018 11:19 AM

(Chinhphu.vn) - Là cơ quan tham mưu, giúp UBND TP. Hà Nội quản lý nhà nước về lĩnh vực công thương, những năm qua, Sở Công Thương đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, nhiệm vụ góp phần tạo lập môi trường đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp,... Từ đó thúc đẩy các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thuộc thành phần kinh tế tư nhân phát triển.

Ảnh minh họa

Triển khai Kế hoạch của UBND Thành phố thực hiện Chương trình hành động số 18-CTr/TU của Thành ủy thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) về Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức Hội nghị học tập các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII); chủ động, tích cực phối hợp với các Sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện tốt các nội dung nhiệm vụ đã nêu trong Kế hoạch số 53/KH-UBND của UBND Thành phố...

Cụ thể, Sở đã tham mưu xây dựng và triển khai các Quy hoạch ngành công thương như Quy hoạch cụm công nghiệp có xét đến năm 2030 với tổng số 159 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 3.204 ha trên toàn Thành phố, là cơ sở để tạo môi trường và thu hút các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân đầu tư sản xuất công nghiệp; Quy hoạch hệ thống thương mại, với 22 trung tâm thương mại, 125 siêu thị, hơn 700 cửa hàng tiện lợi… hiện có là nơi thu hút các doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ kinh doanh thương mại phục vụ đời sống nhân dân;

Quy hoạch phát triển làng nghề, hiện Thành phố có 1.350 làng nghề và làng có nghề đã tạo lập môi trường sản xuất thuận lợi cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, làm cơ sở bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị các làng nghề truyền thống, đồng thời phát triển thêm nhiều làng nghề mới.

Cùng với đó là việc xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án, nhiệm vụ nhằm hỗ trợ thành phần kinh tế tư nhân phát triển, nâng cao sức cạnh tranh như: Chương trình Khuyến công về tập huấn khởi sự doanh nghiệp, hội nhập kinh tế quốc tế; hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất; hỗ trợ cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu thuê tư vấn thiết kế mẫu sản phẩm mới phục vụ thị trường và xuất khẩu...

Ngoài ra triển khai một số đề án, kế hoạch, như đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ, kế hoạch phát triển thương mại điện tử, Kế hoạch phát triển hoạt động logistics, kế hoạch phát triển thương mại-dịch vụ văn minh, hiện đại… nhằm triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp, thương mại-dịch vụ của Thủ đô gắn liền với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của cả nước và phát triển nhanh, hài hòa, bền vững, tiếp cận với trình độ hiện đại, phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế và khu vực.

Đồng thời, đẩy mạnh rà soát thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian trả kết quả từ 25%-40% (152 thủ tục) và triển khai 9 dịch vụ công mức độ 3, 4, đăng ký thực hiện 65 thủ tục trong năm 2018; tổ chức 12 hội nghị tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên các lĩnh vực; tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng doanh nghiệp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi; tổ chức các hội nghị xúc tiến mở rộng thị trường trong nước và thị trường nước ngoài giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường; hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ nông dân đưa hàng vào các kênh phân phối trên địa bàn Thành phố… 

Coi phát triển kinh tế tư nhân là nhiệm vụ quan trọng

Trong thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tiếp tục chủ động, tích cực triển khai những nhiệm vụ được giao nhằm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại thuộc mọi thành phần kinh tế. Trong đó có thành phần kinh tế tư nhân phát triển, trở thành động lực phát triển kinh tế của Thành phố.

Cụ thể, tập trung một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như đẩy mạnh việc tuyên truyền, khuyến khích, phát triển kinh tế tư nhân, coi đây là nhiệm vụ quan trọng và phải được tiến hành thường xuyên, liên tục.

Triển khai thực hiện tốt các giải pháp đã đề ra trong Chương trình hành động của Thành ủy, Kế hoạch của UBND Thành phố; tạo môi trường lành mạnh, an toàn để phát triển kinh tế tư nhân, có cơ chế giám sát và kiểm tra định kỳ bảo đảm mọi phản ánh, khiếu kiện đều được ghi nhận và trả lời, tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân kinh doanh theo đúng pháp luật.

Tiếp tục rà soát các cơ chế chính sách trong lĩnh vực ngành và các cơ chế chính sách có liên quan để đề xuất các cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; triển khai có hiệu quả Nghị định số 08/NĐ-CP của Chính phủ về cắt giảm các thủ tục hành chính  trong lĩnh vực công thương, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ứng dụng CNTT… trong toàn ngành để hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp phát triển.

Cùng với đó, đề xuất các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển mọi hình thức liên kết sản xuất kinh doanh, cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo mạng sản xuất, chuỗi giá trị thị trường giữa các thành phần kinh tế nhằm nâng cao giá trị gia tăng và mở rộng thị trường tiêu thụ (nội địa và xuất khẩu).

Phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, chương trình khuyến công trên địa bàn Thành phố giúp các doanh nghiệp kết nối cung cầu, xây dựng thương hiệu, cải tiến mẫu mã sản phẩm…

Đồng thời, tiếp tục thực hiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phối hợp tổ chức các hội  nghị kết nối ngân hàng doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư; triển khai có hiệu quả các đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ, kế hoạch phát triển hoạt động logistics,...

Diệu Anh

Top