Tạo điểm nhấn quảng bá, thu hút khách du lịch đến với Thủ đô

12/12/2016 1:45 PM

(Chinhphu.vn) - Việc Hà Nội triển khai ý tưởng tổ chức triển lãm “Mỗi làng một sản phẩm - OVOP Việt Nam” nhằm tạo thành hoạt động văn hóa phục vụ người dân vào ngày nghỉ cuối tuần, đồng thời quảng bá sản phẩm của các làng nghề Hà Nội, góp phần thu hút khách du lịch đến Thủ đô.

Du khách hào hứng với sự kiện OVOP kết hợp trình diễn ánh sáng làng nghề. Ảnh: Diệu Anh

Với lịch sử nghìn năm tuổi, Hà Nội - Thủ đô của Việt Nam được biết đến là mảnh đất hội tụ các tinh hoa của dân tộc Việt và được lưu giữ, phát triển từ thế hệ này qua thế hệ khác. Xứng đáng với danh hiệu “đất trăm nghề”, Hà Nội với 1.350 làng nghề, chiếm gần 80% số nghề thủ công mỹ nghệ (TCMN) trong cả nước. Trong những năm gần đây, làng nghề truyền thống như làng lụa Vạn Phúc, làng gốm Bát Tràng, làng mây tre đan Phú Vinh, làng khảm trai Chuyên Mỹ, làng sơn mài Hà Thái… được biết đến rộng rãi hơn cả trong và ngoài nước không chỉ bởi giá trị văn hóa mà còn bởi giá trị kinh tế-xã hội mà nó mang lại.

Theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội Nguyễn Gia Phương, hàng TCMN đang là một trong 10 ngành có giá trị và tiềm năng xuất khẩu lớn nhất ở Việt Nam. Xuất khẩu hàng TCMN hàng năm mang lại giá trị ngoại tệ lớn cho nền kinh tế quốc gia, đồng thời cũng góp phần tạo công ăn việc làm cho một lượng lớn người dân vùng nông thôn Hà Nội. Với tiềm năng của vùng đất “Địa linh nhân kiệt”- “Đất trăm nghề”, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong vùng về xuất khẩu hàng TCMN. Hàng TCMN xuất khẩu đã được nâng lên về số lượng và chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

“Được tạo nên bằng bàn tay tài hoa, óc sáng tạo và có nét rất riêng chỉ có ở người thợ thủ công của đất Hà thành nói riêng và Việt Nam nói chung, xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ gắn liền với sự nghiệp phát triển nền kinh tế tri thức và ngành công nghiệp sáng tạo của Thủ đô”, ông Phương nhấn mạnh.

Tuy nhiên, các làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ vẫn đứng trước khó khăn về cơ sở hạ tầng và dịch vụ; thiếu đội ngũ thiết kế và phát triển sản phẩm chuyên nghiệp, thiếu các trung tâm thiết kế, sáng tạo và trưng bày sản phẩm; thiếu vốn và nguồn nguyên liệu... Đặc biệt, các sản phẩm thủ công đơn điệu về mẫu mã, chất lượng chưa cao, hầu hết sản phẩm chưa có thương hiệu hàng hóa nên sức cạnh tranh kém. Phần lớn là thu gom, làm gia công theo đơn đặt hàng nên giá cả, giá trị gia tăng thấp.

Mặc dù công tác xúc tiến thương mại đã được Nhà nước quan tâm, song thực tế cũng chưa có nhiều chương trình và biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thủ công mỹ nghệ xuất khẩu mang tính dài hạn, đủ mạnh để tạo ra những sản phẩm có chất lượng, có thương hiệu, có giá trị cao về thương mại để tạo động lực phát triển làng nghề một cách bền vững.

Cơ hội nâng tầm hàng Việt

Lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội, triển lãm “Mỗi làng một sản phẩm - OVOP Việt Nam” kết hợp trình diễn “Không gian ánh sáng làng nghề” mang thông điệp: Sáng tạo, truyền thống, gia tăng giá trị để phát triển bền vững thị trường xuất khẩu, thị trường khách du lịch trong và ngoài nước đến Hà Nội, qua đó đưa vị thế các làng nghề Hà Nội lên một tầm cao mới.

Đồng thời, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điểm nhấn quảng bá thu hút khách du lịch đến Thủ đô; kết nối, mở rộng hợp tác kinh doanh giữa các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế; tạo cơ hội để các nhà nhập khẩu, phân phối trong và ngoài nước tiếp cận sản phẩm mang thương hiệu OVOP Việt Nam.

Ông Nguyễn Gia Phương cho rằng: “Thông qua sự kiện OVOP, chúng tôi muốn giúp các nghệ nhân làng nghề giới thiệu được các sản phẩm làng nghề đến với các du khách trong nước cũng như du khách quốc tế. Đặc biệt, đây cũng là cơ hội để kéo khách du lịch đến với Thủ đô Hà Nội. Qua đây chúng tôi cũng muốn khuyến khích những làng nghề Việt Nam, nghệ nhân Việt Nam nghiên cứu thay đổi, thiết kế những mẫu mã để phù hợp hơn với thị hiếu của khách du lịch và đến được với nhiều thị trường nước ngoài hơn nữa”.

Nhấn mạnh đến sự thiết kế độc đáo của các gian hàng, ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu hàng TCMN Việt Nam cho biết: “Triển lãm lần này chúng tôi thực hiện 36 gian hàng tượng trưng cho 36 phố phường của Hà Nội. Đặc biệt, 36 gian hàng được thiết kế chọn lọc hết sức cẩn thận và thiết kế mang đậm tính giá trị truyền thống của người Hà Nội. Bên cạnh đó, lại phục vụ cho đông đảo thị hiếu của khách du lịch và thị trường quốc tế”.

Tham gia triển lãm, bà Lê Thị Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủ công mỹ nghệ Quan Thuận (xã Hòa Bình, huyện Thường Tín) cho biết: “Sự kiện này vô cùng ý nghĩa đối với các làng nghề của chúng tôi, bởi thông qua triển lãm, sản phẩm của chúng tôi được tiếp cận với người dân Thủ đô và khách du lịch trong nước và quốc tế”.

Diệu Anh

Top