Tạo hướng phát triển bền vững cho mảnh đất trăm nghề

24/12/2018 5:50 PM

(Chinhphu.vn) – Hà Nội với mảnh đất nhiều làng nghề là một trong những thế mạnh của Thủ đô, làng nghề có nhiều đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội, nhất là ở khu vực nông thôn. Tuy vậy, làng nghề vẫn còn gặp một số khó khăn, cần tháo gỡ để phát triển ổn định.

Lao động làng nghề mây tre đan Phú Vinh, Hà Nội. Ảnh: Bích Phương

Hiện cả nước có hơn 5.400 làng nghề đang hoạt động, trong đó có 1.748 làng nghề truyền thống, thu hút khoảng 11 triệu lao động và mang lại kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,7 tỷ USD/năm. Riêng TP. Hà Nội là địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước, trong đó có nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống có bề dày lịch sử lâu đời, gắn liền với lịch sử phát triển của Thủ đô như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, thêu Quất Động… Tính đến nay, Hà Nội có 1.350 làng nghề, đang tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động, kim ngạch xuất khẩu đạt 200 triệu USD/năm.

Bên cạnh đó, một số làng nghề có thu nhập khá như làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng, phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) đạt 18,5 triệu đồng/người/tháng; làng nghề mây - tre đan thôn Thái Hòa, xã Bình Phú (huyện Thạch Thất) đạt 11,2 triệu đồng/người/tháng; làng nghề truyền thống nhiếp ảnh thôn Lai Xá, xã Kim Chung (huyện Hoài Đức) đạt 10,8 triệu đồng/người/tháng…

Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết, các làng nghề tạo rất nhiều việc làm cho người lao động có thu nhập ổn định. Nhưng hiện các làng nghề đang dần mai một và chưa có sức hút đối với người lao động, nhất là lao động có tay nghề cao. Trên thực tế, việc thiếu nhân lực có kỹ thuật của các làng nghề đang ngày càng trở nên trầm trọng, do lao động có tay nghề đang chuyển dịch sang làm việc ở các lĩnh vực khác hoặc thoát ly khỏi địa phương.

Bên cạnh đó, hiện nay các làng nghề đang đứng trước thực trạng thiếu lao động có tay nghề, để đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của người tiêu dùng. Đây cũng là một nguyên nhân khiến sản phẩm các làng nghề truyền thống chưa đa dạng về mẫu mã, thiếu sức cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại trong nước và quốc tế.

Công tác dạy nghề truyền thống chưa phát huy hiệu quả tại các làng nghề; các mô hình đào tạo nghề vẫn chưa thu hút được đông đảo lao động nông thôn tham gia, chất lượng đào tạo còn hạn chế và thiếu tính bền vững. Hiện nay, nhiều địa phương mới chú trọng dạy nghề nông nghiệp, công nghiệp mà chưa chú trọng đúng mức việc dạy nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống hoặc lúng túng trong công tác chỉ đạo, định hướng sản xuất…

Ngoài những khó khăn đang hiện hữu, thì theo xu thế chung, các làng nghề Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng sẽ tiếp tục đứng trước rất nhiều cơ hội và thách thức mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.

Đưa làng nghề truyền thống vượt qua khó khăn

Để giúp các làng nghề vượt qua thách thức, nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan quản lý, hiệp hội cần xây dựng các chuyên đề tuyên truyền về thương mại điện tử để nâng cao nhận thức và hiểu biết cho doanh nghiệp, người dân tại các làng nghề. Phối hợp chặt chẽ với các trường đại học có đào tạo ngành thương mại điện tử để đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn hoặc liên kết trong đào tạo, tuyển dụng nhân lực thương mại điện tử.

Đồng thời, cần phát triển liên kết trong nội bộ làng nghề với bên ngoài trong phát triển thương mại điện tử; tăng cường hỗ trợ của nhà nước cho thương mại điện tử tại các làng nghề; xây dựng môi trường thương mại điện tử hiện đại, đồng bộ. Phát triển mạnh mẽ hệ thống thanh toán điện tử, bảo đảm an ninh, an toàn trong giao dịch thương mại điện tử, khuyến khích đầu tư trong nước và nước ngoài trong lĩnh vực thương mại điện tử...

Để nắm bắt thời cơ thực hiện thành công cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ông Tôn Gia Hóa, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động liên kết mở rộng sản xuất đủ điều kiện sẵn sàng tiếp thu công nghệ mới, nâng cao năng lực cạnh tranh và xuất khẩu thông qua các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, cải tiến mẫu mã, xây dựng thương hiệu…

Hiện nay, TP. Hà Nội cũng đang tập trung xây dựng chương trình OVOP - "Mỗi làng một sản phẩm", trong đó đề ra các giải pháp cụ thể để phát triển làng nghề, nâng cao đời sống người dân. Tất cả những giải pháp này là để cho làng nghề có nhiều đóng góp hơn nữa vào phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hà Nội, đặc biệt tại khu vực nông thôn.

Sở Công Thương Hà Nội đánh giá từ các hoạt động hợp tác này sẽ mở ra những bước khởi đầu thuận lợi để các làng nghề của Thủ đô mở rộng cơ hội tiếp cận với thị trường trong nước vào xuất khẩu, tạo hướng phát triển bền vững cho mảnh đất trăm nghề này.

Bích Phương

Top