Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân

11/09/2017 4:30 PM

(Chinhphu.vn) - Tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi nhất cho các loại hình doanh nghiệp đầu tư, phát triển theo quy định của pháp luật, TP. Hà Nội đang khuyến khích phát triển khu vực kinh tế tư nhân, khuyến khích khởi nghiệp... với mục tiêu 200 nghìn doanh nghiệp thành lập mới giai đoạn 2017-2020.

Thành ủy Hà Nội vừa ban hành chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) về: Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước.

Phát triển kinh tế tư nhân bền vững

Trong mục tiêu về phát triển kinh tế tư nhân, TP. Hà Nội sẽ phát triển kinh tế tư nhân bền vững về cả mặt số lượng và chất lượng.

Đặc biệt, Hà Nội chú trọng nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế; hình thành mô hình doanh nghiệp hiện đại, gắn kết vào mạng sản xuất toàn cầu và chuỗi giá trị quốc tế; tạo dựng và phát triển các sản phẩm có thương hiệu mạnh, các doanh nghiệp, tập đoàn mạnh, các cụm ngành có lợi thế cạnh tranh của Thủ đô. Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh trong khu vực kinh tế tư nhân để đến năm 2020 phấn đấu thành lập mới 200.000 doanh nghiệp.

Bình quân giai đoạn 2016 - 2025, Hà Nội cũng phấn đấu năng suất lao động tăng khoảng 4%-5%/năm. Thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nhân lực và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân so với nhóm dẫn đầu ASEAN-4; nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Để cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh trên địa bàn, Thành phố khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động, tự nguyện liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác hoặc chuyển đổi sang hoạt động kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp thông qua các chính sách như: Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền sử dụng đất trong những năm đầu hoạt động; tư vấn, hướng dẫn thủ tục thành lập doanh nghiệp, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh; tổ chức công tác tài chính, kế toán; cung cấp thông tin; hướng dẫn quản trị doanh nghiệp và tư vấn pháp luật.

Thành phố cũng hoàn thiện và bảo đảm thực thi minh bạch, hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tạo tiền đề hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân sở hữu hỗn hợp, bao gồm cả việc góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước có tiềm lực vững mạnh, đủ sức cạnh tranh, tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, nông nghiệp.

Thành phố khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến. Hoàn thiện và bảo đảm thực thi hiệu quả pháp luật về sở hữu trí tuệ. Phát triển các quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ. Áp dụng chính sách thuế, hỗ trợ tài chính, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi phù hợp với hoạt động nghiên cứu, đổi mới, hiện đại hóa công nghệ. Kết nối doanh nghiệp, ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư.

Ngoài ra, ưu tiên phát triển các khu công nghệ cao, các vườn ươm công nghệ cao và các doanh nghiệp khoa học công nghệ. Đẩy mạnh đầu tư, phát triển các cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ, đội ngũ các nhà khoa học. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ doanh nhân có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng quản lý, quản trị hiện đại, đạo đức kinh doanh và tinh thần trách nhiệm đối với quốc gia, dân tộc. Khuyến khích, động viên tinh thần kinh doanh, ý chí khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội, nhất là trong cộng đồng doanh nghiệp.

Xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu lực

Một trong những giải pháp TP. Hà Nội đặt ra để đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, xây dựng bộ máy chính quyền Thành phố tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo phương châm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức “kỷ cương-trách nhiệm-tận tình-thân thiện” với tinh thần phục vụ doanh nghiệp và người dân.

Trong đó, Thành phố tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, trách nhiệm giải trình của các sở, ngành, chính quyền các cấp đối với việc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo gánh nặng tâm lý đối với người dân và doanh nghiệp. Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp trong việc giải quyết các tranh chấp kinh tế, thương mại, dân sự.

Đẩy mạnh cải cách hành chính mà trọng tâm là tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính. Đơn giản hoá, rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục hành chính, nhất là về thành lập doanh nghiệp, cấp phép, thuế, xuất khẩu, nhập khẩu, giải quyết tranh chấp, tố tụng, xét xử, thi hành án, phá sản...

Đồng thời, thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa dịch vụ hành chính công để tiết kiệm thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Phát triển các kênh tiếp nhận kiến nghị, phản ánh, thắc mắc, khiếu nại, tố cáo; đồng thời tăng cường cơ chế đối thoại có hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước với người dân, doanh nghiệp nhằm nắm bắt và xử lý kịp thời các nhu cầu, nguyện vọng, vướng mắc liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân.

Ngoài ra, nâng cao năng lực, hiệu quả phối hợp quản lý Nhà nước theo ngành, lĩnh vực đối với kinh tế tư nhân, bao gồm cả việc bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước đối với các tổ chức xã hội-nghề nghiệp.

Gia Huy

Top