Tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

13/10/2020 8:56 AM

(Chinhphu.vn) – Hưởng ứng tích cực tinh thần Quốc gia khởi nghiệp, những năm qua, thành phố Hà Nội đã và đang nỗ lực xây dựng nhiều giải pháp đột phá nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn.

Hà Nội đã và đang nỗ lực xây dựng nhiều giải pháp đột phá, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Ảnh minh họa

Với vị thế là Thủ đô, trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia; trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế; là một trong hai trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam. Hiện, trên địa bàn Thành phố có 119 trường đại học, cao đẳng và học viện... ;18 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh; 4 quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước và 6 quỹ đầu tư quốc tế đặt văn phòng tại Hà Nội. Đảng bộ, chính quyền Thành phố cũng đặt nội dung khơi dậy và phát huy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo.

Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Hữu Lương, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) cho biết, ngay từ năm 2016, hưởng ứng tích cực tinh thần Quốc gia khởi nghiệp, chính quyền thành phố Hà Nội đã quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành với phương châm “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp được tập trung hoàn thiện; cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử, nền hành chính công hiện đại được tăng cường đã góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp phát triển.

Năm 2017, thành phố Hà Nội đã chính thức khai trương Cổng thông tin Hệ sinh thái khởi nghiệp (StartupCity.vn). Năm 2018, Hội đồng nhân dân Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 04/2018/NQHĐND quy định các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập  mới; UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 4665/QĐ-UBND ngày 5-9-2018 về việc phê duyệt Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn Thành phố đến năm 2020 với nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, khởi nghiệp trên địa bàn Thủ đô.

Năm 2019, với mục tiêu xây dựng Hà Nội thành Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của cả nước, nơi kết nối các nguồn lực của hệ sinh thái, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp sáng tạo trong cộng đồng, HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 04-7-2019; Quyết định số 4889/QĐ-UBND ngày 9-9-2019 về việc phê duyệt Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019 - 2025 với nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù như: hỗ trợ thực hiện các hoạt động truyền thông về khởi nghiệp sáng tạo và xây dựng văn hóa khởi nghiệp; thực hiện các chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho khởi nghiệp sáng tạo; phát triển kết cấu hạ tầng, kỹ thuật, mặt bằng cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; tổ chức các sự kiện kết nối mạng lưới, kết nối hệ sinh thái, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm, thương mại hóa sản phẩm; hỗ trợ tiếp cận tài chính và thúc đẩy hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo; hình thành trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Hà Nội.

Song song với việc ban hành chính sách, Hà Nội đã triển khai hàng loạt các biện pháp thiết thực để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp trên địa bàn phát triển. Đặc biệt, nhằm triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Chính phủ và các văn bản  liên quan, thành phố Hà Nội đã phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tích cực thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, triển khai nhiều giải pháp để đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp như: cải cách thủ tục hành chính, triển khai các giải pháp rút ngắn thời gian khởi sự doanh nghiệp và đẩy mạnh đăng ký kinh doanh qua mạng; giảm thời gian, chi phí thực hiện các quy định của nhà nước trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh như đất đai, hải quan, thuế, bảo hiểm xã hội, tiếp cận điện năng...

Từ những nỗ lực triển khai công tác hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, số doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn Hà Nội liên tục tăng trong các năm gần đây. Trong 4 năm, từ 2016 - 2020 có hơn 112 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trung bình mỗi năm tăng 9,7%. Thành phố Hà Nội hiện có khoảng hơn 292.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động (đứng thứ 2 về số lượng doanh nghiệp trên cả nước). Bình quân cứ 35 người dân Thủ đô có 1 doanh nghiệp được đăng ký thành lập, cao gấp 3,8 lần mức bình quân chung cả nước, thu hút đầu tư nước ngoài đạt kết quả vượt bậc. Năm 2019, vốn đăng ký đạt 8,05 tỷ USD, cao nhất sau hơn 30 năm hội nhập. Giai đoạn 2016 - 2019, thu hút 22,1 tỷ USD, gấp 3,5 lần giai đoạn 2011 - 2015. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, chỉ số PCI tăng liên tiếp trong 2 năm 2018 - 2019 đều xếp thứ 9/63, thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước.

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, hiện công tác cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng vẫn còn một số hạn chế nhất định. Đó là hạn chế về vốn và cơ chế, chính sách liên quan đến huy động vốn. Mặc dù, vẫn tồn tại khá nhiều kênh tài chính khác nhau nhưng thực tế các doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn còn gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn. Cơ chế, chính sách về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo còn nhiều vướng mắc, khó triển khai. Chính phủ đã rất nỗ lực để ban hành nghị định hướng dẫn về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo (Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11-3-2018 của Chính phủ), tuy nhiên đến nay, việc triển khai thành lập Quỹ đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo vẫn còn nhiều hạn chế, chưa hình thành được nhiều quỹ để hỗ trợ nguồn vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Hệ thống thể chế về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp hiện vẫn đang thiếu khung pháp lý với các quy định phù hợp cho các loại hình kinh doanh mới này. Đây là rào cản lớn khiến các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo khó tiếp cận vốn và hoạt động.

Cùng với những vướng mắc về cơ chế chính sách, các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, điển hình như: hạn chế về cơ sở vật chất, nghiên cứu phát triển. Các dự án khởi nghiệp thường không có đủ điều kiện để trang trải các chi phí cho máy móc, thiết bị và phát triển ý tưởng, sản phẩm; hạn chế về kỹ năng quản trị, điều hành kinh doanh, xúc tiến, quảng bá phát triển. Các dự án khởi nghiệp với nhân sự chủ chốt chủ yếu là chuyên ngành kỹ thuật, công nghệ, thiếu kiến thức về kinh doanh, kinh tế và các kỹ năng điều hành, quản lý doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; hạn chế về khả năng đáp ứng các thủ tục hành chính liên quan tới việc gia nhập thị trường (đăng ký kinh doanh, đất đai, giấy phép kinh doanh…), bảo hộ sở hữu trí tuệ (đăng ký bảo hộ các sản phẩm sở hữu trí tuệ), thương mại hóa sản phẩm (đăng ký tiêu chuẩn, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật), tài chính (tiêu chuẩn kế toán, hóa đơn, kê khai thuế, ưu đãi thuế…).

Mặt khác, hệ sinh thái khởi nghiệp đang bị khuyết những mắt xích quan trọng giúp thúc đẩy sự hình thành, phát triển của những doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp sáng tạo như: Số lượng các nhà đầu tư tham gia trực tiếp vào các hoạt động kết nối đầu tư và tìm hiểu về khởi nghiệp còn khiêm tốn và manh mún; sự thiếu vắng những dịch vụ phát triển kinh doanh chuyên nghiệp phi tài chính như: thuế, luật, tài chính... cũng như các chương trình tăng tốc, ươm tạo đang làm hạn chế đáng kể sự phát triển của những dự án khởi nghiệp. Những chương trình ươm tạo, tăng tốc chưa được thiết kế tốt để thúc đẩy sự phát triển của các dự án này lên cấp độ cao hơn, kiểm chứng thị trường ở mức độ lớn hơn và xây dựng đội nhóm chuyên nghiệp hơn. Việc thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo dường như vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn…

Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp phong phú, chất lượng

Thành phố Hà Nội đã xác định, một trong những mục tiêu quan trọng của giai đoạn 2021 - 2025 là tiếp tục phát triển kinh tế nhanh và bền vững, dựa chủ yếu vào động lực là khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tận dụng tối đa thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất lao động; thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân để tạo động lực phát triển kinh tế.

Theo ông Nguyễn Hữu Lương, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội), để đạt được mục tiêu trên thì phải cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng tiếp tục được coi là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong chỉ đạo, điều hành của chính quyền Hà Nội hiện nay.

Trong nhiều phát biểu của của các nhà lãnh đạo Thành phố Hà Nội, thông điệp chung luôn nhấn mạnh các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm bảo đảm duy trì niềm tin và tăng cường đầu tư, kinh doanh bền vững của doanh nghiệp, khu vực tư nhân theo tinh thần của Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 16-5-2016 và Chỉ thị số 26/CT-TTg, của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ đề ra. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp về thủ tục, chú trọng các dự án đầu tư nguồn vốn lớn cả trong và ngoài ngân sách.

Cùng với đó, Hà Nội tiếp tục thúc đẩy khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo; đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và khởi nghiệp được ban hành tại Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn Thành phố đến năm 2020 (được phê duyệt tại Quyết định số 4665/QĐ-UBND ngày 5-9-2018) và Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019 - 2025 (được phê duyệt tại Quyết định số 4889/QĐ-UBND ngày 9-9-2019).

Hà Nội cũng khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, công nghệ sản xuất sạch, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Nghiên cứu, xây dựng Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia các chương trình liên kết ngành, liên kết vùng và phát triển công nghiệp hỗ trợ. Cải thiện tình trạng thiếu mặt bằng sản xuất, tạo điều kiện để phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có quy mô hợp lý và giá thuê đất phù hợp với khả năng của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong các ngành có lợi thế, có hàm lượng tri thức, công nghệ và giá trị gia tăng cao, tham gia mạng lưới liên kết sản xuất, chuỗi giá trị sản phẩm định hướng xuất khẩu và phát triển công nghiệp hỗ trợ và chuỗi giá trị toàn cầu.

Minh Anh

Top