Tạo việc làm cho khoảng 60.000-70.000 lao động nông thôn giai đoạn 2021 - 2025

02/08/2020 2:00 PM

(Chinhphu.vn) – Giai đoạn 2021 - 2025, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tiếp tục hỗ trợ trên 10.000 lượt doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn thành phố từ chương trình khuyến công. Thông qua chương trình khuyến công tạo việc làm cho khoảng 60.000 - 70.000 lao động nông thôn.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Sở Công Thương đã tổ chức 274 lớp truyền nghề cho 9.590 lao động nông thôn các nghề: Dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, cơ khí... Kết thúc các khóa truyền nghề, cấy nghề, trên 80% số lao động có việc làm (7.774 lao động). Tổ chức 72 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng quản lý, quản trị doanh nghiệp, thiết kế mẫu, xuất nhập khẩu, quản trị bán hàng, quản trị tài chính... cho 7.200 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn; Tổ chức 18 hội nghị tuyên truyền, giới thiệu các văn bản, chủ trương, chính sách của Nhà nước, thành phố về khuyến công, phát triển nghề, làng nghề cho 1.800 lượt cán bộ làm công tác khuyến công các huyện, thị xã, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, các hội, hiệp hội và một số doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn.

Sở Công Thương cũng đã triển khai hỗ trợ 64 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng máy móc tiên tiến, hiện đại vào sản xuất (đạt 128% kế hoạch). Tổ chức 5 hội chợ xuất khẩu chuyên ngành thủ công mỹ nghệ (đạt 100% kế hoạch) với tổng số 3.225 gian hàng (tăng 22,6% so với giai đoạn 2011-2015); hỗ trợ 1.250 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của Hà Nội và gần 40 tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia hội chợ; thu hút 3.200 nhà nhập khẩu đến từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đến tham quan, giao dịch mua hàng. Hỗ trợ 373 lượt doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ trong các làng nghề tham gia hội chợ quốc tế hàng thủ công mỹ nghệ tại nước ngoài và hội chợ công nghiệp, thương mại trong nước (bằng 199,5% so với giai đoạn 2011-2015).

Trong giai đoạn 2016-2020, Sở Công Thương cũng hỗ trợ 85 lượt doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu thuê chuyên gia thiết kế mẫu sản phẩm mới (đạt 170% kế hoạch), đã có 495 mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới được thiết kế và đưa ra thị trường; tổ chức 1 cuộc bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố (năm 2017); tổ chức 4 cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ cấp thành phố thu hút sự tham gia của gần 309 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nghệ nhân, thợ giỏi, giáo viên, sinh viên và những người yêu thích ngành thủ công mỹ nghệ. Tổng số sản phẩm mẫu dự thi là 943 sản phẩm, trong đó, có 229 sản phẩm đạt giải; tổ chức 2 triển lãm các sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo...

Sở Công Thương còn triển khai nhiều hoạt động khác đem lại hiệu quả thiết thực, như: chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2016-2020 đã hỗ trợ 20 lớp may công nghiệp cho 700 lao động; hỗ trợ 7 đề án đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị…

Về mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, Sở Công Thương phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ hồi phục và tăng trưởng bình quân 6-8%/năm. Tạo ra khoảng 3.500 mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ có thiết kế mới phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, Sở tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho 13.500 lượt cán bộ quản lý nâng cao năng lực hoạt tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công, quản trị sản xuất kinh doanh.

Nguyên Phương

Top