Tháng 6: Phát hiện 5 vụ vi phạm pháp luật về đê điều

02/07/2020 4:07 PM

(Chinhphu.vn) - Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội cho biết, trong tháng 6, số vụ vi phạm đê điều phát sinh là 5 vụ, trong đó: 3 vụ xây nhà cấp 4, móng công trình phụ; 1 vụ đào ao, đào đất, khai thác đất, cát, san lấp mặt bằng và 1 vụ vi phạm khác.

Các vụ vi phạm đều bị biên bản vi phạm và yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật về đê điều và gửi tới chính quyền cơ sở để xử lý theo thẩm quyền.

Như vậy tính từ ngày 21/12/2019 đến 20/6/2020, trên địa bàn thành phố phát sinh tổng số 33 vụ việc vi phạm, xử lý được 1 vụ, tồn đọng 32 vụ. Để xử lý vi phạm, thời gian qua, UBND thành phố, Sở NN&PTNT và Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đồng thời, kiểm tra, đôn đốc, kiến nghị xử lý vi phạm.

Trong thời gian tới, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội tiếp tục thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của các cấp, các ngành về công tác quản lý nhà nước về đê điều. Chi cục tham mưu Sở NN&PTNT Hà Nội tiến hành kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện chỉ đạo về xử lý vi phạm pháp luật về đê điều của UBND thành phố. Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội cũng phân công nhiệm vụ lãnh đạo Chi cục chỉ đạo các hạt quản lý đê thuộc địa bàn phụ trách tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác xử lý vi phạm pháp luật về đê điều.

Các hạt quản lý đê thuộc Chi cục sẽ thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng chuyên trách quản lý đê trong công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, kiến nghị xử lý và giám sát quá trình xử lý vi phạm về lĩnh vực đê điều theo quy định; thực hiện nghiệm quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình đê điều; thực hiện có hiệu quả “Quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố.

Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và kiến nghị xử lý kịp thời các hành vi vi phạm; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan thiết lập hồ sơ vi phạm; tuân thủ yêu cầu về thành phần, trình tự, thời hạn và biểu mẫu quy định; triển khai lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực đê điều theo thẩm quyền. Đồng thời, thực hiện việc theo dõi, giám sát xử lý, quản lý, lưu trữ, tổng hợp, báo cáo vi phạm theo chỉ đạo của Sở NN&PTNT; khắc phục các tồn tại trong công tác kiểm tra, đôn đốc xử lý các vi phạm pháp luật về đê điều…

Nguyên Phương

Top