Thành lập mới thôn, tổ dân phố tại 16 quận, huyện

07/07/2020 5:03 PM

(Chinhphu.vn) - Chiều 7/7, với 100% đại biểu tán thành, HĐND đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập mới và đổi tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn 16 quận, huyện thuộc Thành phố.

Bà Vũ Thu Hà, Giám đốc Sở Nội vụ đọc Tờ trình tại cuộc họp. Ảnh: Thiện Tâm.

Theo tờ trình của UBND Thành phố, thực hiện Đề án tiếp tục kiện toàn thôn, tổ dân phố trên địa bàn Thành phố Hà Nội, trong năm 2019 và quý I năm 2020, UBND Thành phố đã trình HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết thông qua việc hợp nhất 4.274 thôn, tổ dân phố. Sau sắp xếp, toàn Thành phố giảm được 2.708 thôn, tổ dân phố (giảm 34%), từ 7.968 thôn, tổ dân phố xuống còn 5.260 thôn, tổ dân phố. Các thôn, tổ dân phố sau khi được kiện toàn đều có quy mô hợp lý, hoạt động ổn định, hiệu quả.

UBND Thành phố đề nghị HĐND Thành phố xem xét, thông qua Nghị quyết việc thành lập 91 tổ dân phố mới từ khu vực dân cư thuộc các quận, huyện: Ba Đình, Cầu Giấy, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Long Biên, Tây Hồ, Hoàng Mai, Chương Mỹ, Gia Lâm, Thanh Oai, Thanh Trì, Hoài Đức.

Về quá trình hình thành và công tác quản lý khi chưa thành lập tổ dân phố, các khu vực dân cư đề nghị được thành lập tổ dân phố là các tòa nhà cao tầng, cụm tòa nhà cao tầng, khu nhà ở liền kề, khu biệt thự liền kề hoặc là khu tập thể của các cơ quan, các khu vực dân cư này được hình thành có nguồn gốc pháp lý rõ ràng, được cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng; hiện nay các khu vực dân cư đang sinh hoạt ổn định; có ranh giới rõ ràng; cơ bản có đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh. Trong thời gian vừa qua, việc quản lý, triển khai các nhiệm vụ và công việc liên quan đến sinh hoạt, đời sống của cư dân thuộc khu vực dân cư do UBND phường, xã giao cho Ban quản trị khu vực dân cư thực hiện; giao Công an phường, xã quản lý về nhân khẩu, hộ khẩu, an ninh trật tự; việc sinh hoạt đảng của cư dân là đảng viên được sinh hoạt ghép với chi bộ tổ dân phố liền kề.

Trong 91 khu vực dân cư đề nghị được thành lập tổ dân phố mới có 77 khu vực dân cư trên 450 hộ gia đình; 14 khu vực có quy mô dưới 450 hộ gia đình.

Thành lập thôn, tổ dân phố mới trên cơ sở chia tách các thôn, tổ dân phố có quy mô số hộ gia đình lớn, đề nghị HĐND Thành phố xem xét, thông qua Nghị quyết việc thành lập thôn, tổ dân phố mới (21 thôn, 10 tổ dân phố) trên cơ sở chia tách 13 thôn, tổ dân phố (8 thôn, 5 tổ dân phố) có quy mô lớn số hộ gia đình lớn tại các quận, huyện: Quận Hà Đông chia tách 1 tổ dân phố hiện có để thành lập 2 tổ dân phố mới; quận Nam Từ Liêm chia tách 4 tổ dân phố hiện có để thành lập 8 tổ dân phố mới; huyện Chương Mỹ chia tách 1 thôn hiện có để thành lập 2 thôn mới; huyện Mê Linh chia tách 3 thôn hiện có để thành lập 11 thôn mới; huyện Thanh Oai chia tách 2 thôn hiện có để thành lập 4 thôn mới; huyện Ba Vì chia tách 2 thôn hiện có để thành lập 4 thôn mới.

Việc thành lập thôn, tổ dân phố mới trên cơ sở chia tách sẽ tăng thêm 18 thôn, tổ dân phố (13 thôn, 5 tổ dân phố).

Để thuận lợi trong công tác quản lý tổ dân phố thuộc các quận, huyện trên địa bàn thành phố sau khi thực hiện việc sáp nhập thôn, tổ dân phố; trên cơ sở phương án đổi tên tổ dân phố của các quận, huyện, UBND Thành phố đề nghị HĐND Thành phố xem xét thông qua Nghị quyết về việc đổi tên tổ dân phố. Cụ thể: Quận Đống Đa, phường Láng Hạ, đổi tên tổ dân số 57 thành tổ dân phố số 24; tổ dân phố 58 thành Tổ dân phố số 25; Huyện Chương Mỹ, thị trấn Chúc Sơn, đổi tên tổ dân phố Chùa thành tổ dân phố Chùa Vàng, tổ dân phố Xá thành tổ dân phố Đông Sơn, tổ dân phố Nội thành tổ dân phố Nội An.

UBND Thành phố thống nhất với phương án thành lập 91 tổ dân phố mới từ các khu vực dân cư mới hình thành; thành lập 31 tổ dân phố mới trên cơ sở chia tách 13 thôn, tổ dân phố hiện có và phương án đổi tên tổ dân phố do các quận, huyện đã trình.

HĐND Thành phố thông qua Nghị quyết về thành lập mới và đổi tên thôn, tổ dân phố: Tổng số thôn, tổ dân phố được thành lập từ các khu vực dân cư mới hình thành và chia tách các thôn, tổ dân phố là 122 thôn, tổ dân phố; tăng 109 thôn, tổ dân phố. Sau khi thành lập mới, toàn thành phố sẽ có 5.369 thôn, tổ dân phố.

 

 

Thảo luận tại cuộc họp, đại biểu Nguyễn Hoài Nam (tổ Thạch Thất) cho biết, gần 10 năm qua, qua nhiều kỳ họp, Hà Nội đã sáp nhập, kiện toàn, sắp xếp được bộ máy, còn lại gần 6.000 thôn, tổ dân phố. Theo chủ trương của Trung ương, đó là các địa phương cố gắng kiện toàn, sắp xếp tinh gọn lại, chứ không phải chia tách, nếu không sẽ trở thành trào lưu ngược. Do đó, UBND Thành phố phải báo cáo tổng thể với HĐND Thành phố, trong các xã có bao nhiêu thôn có kế hoạch thành lập mới, thậm chí nếu cần, phải báo cáo Thành ủy để thành chủ trương, bởi để thành lập thêm 1 thôn, phải thành lập một hệ thống chính trị kèm theo, dẫn đến bộ máy, hệ thống cơ sở “phình” ra.

Đại biểu Nguyễn Nguyên Quân (tổ Hoàng Mai) cho rằng, đối với việc thành lập 99 thôn, tổ dân phố lần này, liệu có lặp lại các thôn, tổ dân phố mà trước đây đã từng thành lập hay chưa? Đối với việc thành lập thêm thôn, tổ dân phố, phải rà soát kỹ, tính đến quy mô trước mắt và tương lai khi dân cư các tòa chung cư về đủ. Trong quá trình thành lập thôn, tổ dân phố, thì trước đó phải thành lập được ban quản trị các tòa chung cư để đảm bảo hệ thống chính trị được gắn chặt, tiếp quản cư dân tại các tòa nhà. Trong các tờ trình, báo cáo lần sau, cần có thống kê tòa nhà nào đã thành lập ban quản trị, tòa nhà nào chưa thành lập.

Thiện Tâm

Top