Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công

01/09/2020 11:05 AM

(Chinhphu.vn) - Trong bối cảnh dịch COVID-19, Hà Nội tiếp tục chống dịch vừa phát triển kinh tế, trong đó tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp.

Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại cuộc giao ban - Ảnh: Gia Huy

Thu ngân sách đạt trên 64% dự toán

Báo cáo tại cuộc họp Giao ban UBND TP Hà Nội tháng 8/2020 tổ chức sáng nay (1/9), Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Tổng thu NSNN trên địa bàn ước thực hiện 179.191 tỷ đồng (bao gồm 20.145 tỷ đồng tiền thuế, tiền thuê đất dự kiến được gia hạn), đạt 64,3% dự toán, bằng 101,6% so với cùng kỳ.

Riêng con số thu ngân sách của Hà Nội trong 8 tháng năm 2020 được Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn cho biết thêm: Đây là con số khả quan so với các địa phương khác trong cả nước.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 ước tăng 3,4% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,25% so với tháng trước, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 8 tháng tăng 3,39% so với bình quân cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 8, có 7/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng so với tháng trước, trong đó cao nhất là nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,86%; tiếp theo là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,19%; nhóm giao thông tăng 0,17%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,14%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04%; giáo dục tăng 0,02%.

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Mạnh Quyền nhiều lĩnh vực giảm, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7 ước đạt 1.509 triệu USD, giảm 4,3% so với tháng trước và giảm 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Có 10/12 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 9.940 triệu USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2019. Về kim ngạch nhập khẩu hàng hóa, tính chung 8 tháng, ước đạt 18,8 tỷ USD, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là du lịch, khách du lịch đến Hà Nội trong tháng 8 ước đạt 310 nghìn lượt khách, giảm 70,3% so với tháng trước. Trong đó, khách quốc tế đến Hà Nội ước đạt 15 nghìn lượt khách, giảm 12%; khách du lịch nội địa ước đạt 295 nghìn lượt, giảm 71,3%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 753 tỷ đồng, giảm 75,3% tháng trước.

Tính chung 8 tháng đầu năm, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 6,29 triệu lượt, giảm 67,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 1,02 triệu lượt khách, giảm 75,6%; khách nội địa ước đạt 5,27 triệu lượt, giảm 65%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 22.754 tỷ đồng, giảm 65,8% cùng kỳ. Công suất sử dụng phòng trung bình ước đạt khoảng 29,6%, giảm 40,8% cùng kỳ.

Gần 18.000 doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng

Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, trong bối cảnh dịch COVID-19, Hà Nội tiếp tục chống dịch vừa phát triển kinh tế, trong đó tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp.

Cụ thể là tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp từ khâu đăng ký kinh doanh đến triển khai dự án và tháo gỡ khó khăn; đồng thời rà soát các dự án có sử dụng đất chậm triển khai, tạo môi trường đầu tư lành mạnh và bình đẳng trong tiếp cận đất đai. Đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai thực hiện các chính sách của Thành phố về cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp...

Về thu hút đầu tư, Thành phố đã quyết định chủ trương đầu tư 56 dự án, tổng vốn 72,9 nghìn tỷ đồng; phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư 62 dự án, tổng vốn 66,2 nghìn tỷ đồng. Thu hút FDI đạt 2,86 tỷ USD trong đó: 379 dự án cấp mới, vốn đăng ký 456,8 triệu USD; 103 dự án tăng vốn, vốn tăng 1.210 triệu USD và 1.202 triệu USD góp vốn mua cổ phần.

Doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng đầu năm đạt 17,8 nghìn doanh nghiệp với số vốn đăng ký 241,7 nghìn tỷ đồng (giảm 3% về số lượng doanh nghiệp và tăng 1% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước), thực hiện thủ tục giải thể cho 1.610 doanh nghiệp (tăng 19% so với cùng kỳ), 8.009 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 39% so với cùng kỳ).

Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội lên 295,8 nghìn doanh nghiệp. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 4.386 doanh nghiệp (tăng 11% so với cùng kỳ). Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.

Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công

Trong bối cảnh dịch COVID-19 xuất hiện những diễn biến phức tạp, Thành phố tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình công tác, đồng thời triển khai thực hiện đồng bộ, mạnh mẽ các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch bệnh gắn với đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế.

Trong đó, về phát triển kinh tế, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tạo thuận lợi tối đa cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất, nhập khẩu. Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI. Đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục thành lập các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch. Thực hiện tốt việc kết nối cung - cầu hàng hóa; ổn định nguồn cung thịt lợn và các loại thực phẩm thay thế; đẩy mạnh tái đàn lợn.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong công tác thu ngân sách; đôn đốc thu nợ thuế, tiền thuê đất; khai thác các khoản thu, nhất là từ đất và đấu giá đất, tiền thuê đất nộp một lần. Chỉ đạo chi ngân sách đúng luật, hiệu quả, kịp thời.

Đặc biệt là đẩy mạnh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư; rà soát từng dự án đầu tư công, tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh giải ngân theo Chương trình 144/CTr-UBND của UBND Thành phố, tạo vốn thực hiện kích thích phát triển KTXH, trong đó đặc biệt chú trọng các dự án khởi công, hoàn thành chào mừng Đại hội Đảng bộ Thành phố và Đại hội Đảng toàn quốc. 

Gia Huy

Top