Tháo gỡ những bất cập trong xử lý, thu gom rác thải

20/05/2019 3:59 PM

(Chinhphu.vn) - Hiện nay, Hà Nội đã đầu tư xây dựng nhiều dự án xử lý rác thải và đưa vào sử dụng nhiều điểm tập kết rác nổi hợp vệ sinh. Tuy nhiên, với địa bàn rộng, dân cư ngày càng đông đúc, lượng rác thải nhiều ngày phát sinh dẫn đến tại các huyện ngoại thành không xử lý kịp.

Nhà máy xử lý rác thải đốt điện tại Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây, Hà Nội

Nhiều bất cập trong xử lý, thu gom rác thải

UBND huyện Chương Mỹ cho biết, đến nay huyện đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 36 điểm tập kết rác nổi hợp vệ sinh tại 30 xã, thị trấn và đang triển khai dự án xử lý rác thải Đồng Ké, xã Trần Phú và núi Thoong, xã Tân Tiến. Tuy nhiên, là một huyện có địa bàn rộng, dân cư đông nên lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trong ngày của huyện Chương Mỹ lớn (vào khoảng 163 tấn/ngày) cộng với huyện chưa có điểm trung chuyển rác thải nên công tác thu gom và vận chuyển rác thải còn nhiều hạn chế.

Bên cạnh đó, nhà máy xử lý chất thải rắn của huyện chưa đi vào hoạt động nên huyện chưa chủ động được trong việc xử lý rác thải sinh hoạt phát sinh. Trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, rác thải bị tồn đọng nhiều tại các điểm tập kết trên địa bàn huyện.

Tại huyện Thanh Trì, hiện huyện có 75 điểm cẩu, trong đó, có 52 điểm cầu tạm và có 3 điểm trung chuyển. Theo mục tiêu của Đề án giai đoạn 2018-2021, huyện đầu tư xây dựng 6 điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt. Giai đoạn 2020-2021, huyện sẽ xây dựng 12-15 điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt. Hiện nay, huyện Thanh Trì đã thực hiện xây dựng 3 điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt, 1 điểm tập kết xe gom rác tại xã Thanh Liệt; 1 điểm trung chuyển rác xã Ngũ Hiệp đã san lấp mặt bằng. Còn 2 điểm trung chuyển tại xã Vĩnh Quỳnh và xã Ngũ Hiệp chưa triển khai thực hiện được.

Mặc dù huyện đã lập danh sách các tổ chức, doanh nghiệp đóng trên địa bàn từng xã, thị trấn thực hiện ký Hợp đồng dịch vụ thu gom rác thải công nghiệp thông thường và có ký xác nhận của 3 bên: UBND xã, thị trấn; Ban QLDA và Công ty Môi trường đô thị Thanh Trì; cũng như đã lập tổ công tác và có phân công thu gom, vận chuyển rác thải nhưng ý thức của nhiều đơn vị, cá nhân không tuân thủ khiến nhiều nơi còn mất vệ sinh, rác thải còn tồn đọng.

Theo đại diện huyện Thường Tín, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng của huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn tiến hành kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm đổ trộm rác, đổ rác tràn lan, bừa bãi tại trạm trung chuyển rác, tập kết rác không đúng nơi quy định. Để chấn chỉnh, UBND huyện cũng đã yêu cầu các đơn vị thu gom, vận chuyển rác phải có biện pháp khắc phục các vi phạm nhằm nâng cao trách nhiệm thực hiện đảm bảo vệ sinh môi trường.

Tuy nhiên, việc thu gom rác tại huyện còn gặp một số bất cập như việc đảm bảo vệ sinh đối với ngõ, xóm lớn hơn 2m tại hồ sơ thầu chỉ đạt 36% so với khối lượng thực tế thực hiện. Các ngõ nhỏ hơn 2m không được tính vào khối lượng mời thầu nhưng trên thực tế vẫn phải thực hiện thu gom rác để đảm bảo chất lượng vệ sinh môi trường. Giá dịch vụ vệ sinh môi trường không đủ cân đối công tác thu gom rác, cụ thể, mức giá quy định tại Quyết định số 54/QĐ-UBND là 3.000 đồng/người/tháng áp dụng từ ngày 1/1/2017 chỉ đáp ứng được một phần khối lượng công việc thực hiện, điều này đã gây khó khăn rất lớn cho công tác thu gom rác ngõ xóm. Hơn nữa, theo phân luồng của Thành phố cho phép huyện Thường Tín vận chuyển rác về khu xử lý chất thải là 140 tấn/ngày, nhưng do lượng rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày trên địa bàn huyện nên việc xử lý không đáp ứng được.

Theo Phó Chủ tịch Thị xã Sơn Tây Phan Thị Hảo, năm 2018, trên địa bàn Thị xã đã thu gom, vận chuyển 34.869 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Từ đầu năm 2019 đến hết tháng 3/2019, đã thu gom, vận chuyển 8.731 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Tổng kinh phí thu dịch vụ môi trường năm 2018 là 6,574 tỷ đồng.

Trong đầu tư xây dựng hạ tầng, trên địa bàn thị xã hiện có 2 điểm trung chuyển rác (1 điểm tại xã Đường Lâm, 1 điểm tại xã Sơn Đông) được xây dựng từ năm 2010 nhưng hiện nay đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu tập kết, thu gom rác. Hiện UBND thị xã đã giao UBND xã Sơn Đông, UBND xã Đường Lâm cải tạo 2 điểm trung chuyển nói trên. Năm 2018, UBND thị xã cũng tiếp tục xây dựng 1 điểm trung chuyển rác tại địa bàn xã Kim Sơn với tổng mức đầu tư 2,5 tỷ đồng. Dự án do UBND xã Kim Sơn làm chủ đầu tư, dự kiến khởi công trong tháng 5 năm nay.

Đại diện lãnh đạo Thị xã Sơn Tây chia sẻ, hiện nay, việc triển khai thu giá dịch vụ vệ sinh môi trường gặp nhiều khó khăn như: Số nhân khẩu sinh sống tại địa bàn, số hộ sản xuất kinh doanh, số doanh nghiệp hoạt động địa phương có sự chênh lệch giữa thực tế với số liệu thống kê dẫn đến kết quả thu không đạt như dự toán giao; khối lượng duy trì vệ sinh ngõ xóm theo hồ sơ trúng thầu được duyệt mới đạt 70% tổng khối lượng ngõ xóm trên địa bàn thị xã. Do đó, để đảm bảo thực hiện tốt công tác thu giá dịch vụ vệ sinh môi trường, đơn vị duy trì vệ sinh môi trường phải thực hiện cả phần khối lượng không có trong hồ sơ thầu và không được nghiệm thu, thanh toán.

Khu tập kết rác của Nhà máy xử lý chất thải Sơn Tây, Ba Vì

Kiến nghị những giải pháp cụ thể để tháo gỡ

Huyện Chương Mỹ cho biết, năm 2018, huyện đã đầu tư và đưa vào sử dụng 4 điểm tập kết rác khu trại Tửu, xã Hữu Văn và Điểm tập kết rác tại khu Đồng Thẽo, xã Trường Yên; điểm tập kết xã Tiên Phương, Phụng Châu. Dự kiến, năm 2019, triển khai xây dựng thêm 7 điểm tập kết rác thải tại 7 xã. Để công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn huyện đảm bảo hiệu quả, huyện đề nghị các sở, ban, ngành của Thành phố đẩy mạnh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng dự án: Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Núi Thoong và nhà máy xử lý rác thải đồng Ké.

Đối với huyện Thanh Oai, hiện tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn hiện nay khoảng 95 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom đạt khoảng trên 90%. Toàn huyện có trên 50 điểm tập kết rác thải tạm thời và 2 trạm trung chuyển tại xã Bình Minh và Cao Dương. Vì thế, để công tác thu gom chất thải rắn đạt hiệu quả cao nhất, huyện Thanh Oai kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý chất thải rắn, trong đó phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn; phân định chức năng quản lý nhà nước đối với chất thải rắn nông thôn; công nghiệp, làng nghề; quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn theo cấp quản lý. Thành phố cũng cần hỗ trợ kinh phí bổ sung khối lượng thực tế ngoài hồ sơ dự thầu thực hiện thu gom đạt 100% theo quy định. Đồng thời ban hành cơ chế hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung theo hướng giảm thiểu lượng chôn lấp…

Đối với huyện Thường Tín, huyện đề nghị UBND Thành phố sớm cho phép bổ sung khối lượng thu gom rác ngõ xóm theo khối lượng thực hiện thực tế còn thiếu trong gói thầu. UBND Thành phố, Sở Xây dựng sớm có kế hoạch tiếp nhận rác tồn trên địa bàn huyện. Đồng thời nâng chỉ tiêu phân luồng xử lý rác của huyện lên 180 tấn/ngày (trong đó 160 tấn/ngày rác thải sinh hoạt và 20 tấn/ngày rác tồn) trong năm 2019 và các năm tiếp theo.

Về mức thu giá và dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải, huyện đề nghị điều chỉnh theo hướng tăng lên đối với rác thải công nghiệp thông thường để đảm bảo chi phí thực hiện.

Liên quan đến cuộc sống của người dân nằm trong phạm vi vùng ảnh hưởng, UBND thị xã Sơn Tây kiến nghị HĐND thành phố xem xét nâng mức hỗ trợ bằng tiền đối với những người dân, hộ dân nằm trong phạm vi vùng ảnh hưởng các khu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp; đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực bãi rác Xuân Sơn theo Nghị quyết số 08/NQ-HĐND ngày 1/12/2015 của HĐND thành phố cho 14 dự án thuộc xã Xuân Sơn với tổng nguồn kinh phí là 347,375 tỷ đồng.

Quản lý khu xử lý rác Xuân Sơn, huyện Ba Vì kiến nghị UBND Thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng tăng cường quản lý, giám sát các đơn vị xử lý rác tại khu xử lý rác này theo đúng quy trình chôn lấp và đốt rác; đầu tư công nghệ xử lý rác hiện đại nhằm xử lý triệt để việc gây ô nhiễm chất thải rắn, khí thải, nước rác từ hoạt động của khu xử lý chất thải. Thành phố cũng cần xem xét đầu tư, hỗ trợ thực hiện một số mô hình xử lý môi trường làng nghề, xử lý ô nhiễm môi trường nông thôn nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn.

Phương Duy

Top