Thêm chính sách hỗ trợ phát triển cây dược liệu

03/12/2019 9:34 AM

(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, Hà Nội đã và đang có thêm nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cây dược liệu, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân…

Hà Nội phát triển nhiều vùng trồng cây dược liệu

Đa dạng, phong phú về chủng loại

Có điều kiện thuận lợi, thời gian qua, nông dân ở một số huyện khu vực ngoại thành Hà Nội đã tập trung mở rộng diện tích trồng nhiều cây dược liệu quý với nhiều chủng loại đa dạng, phong phú. Hằng năm, toàn thành phố có gần 673,5 ha trồng cây dược liệu, trong đó diện tích trồng cây dược liệu lâu năm là 169 ha. Cây dược liệu ở Hà Nội chủ yếu trồng tại các quận, huyện: Phú Xuyên 270 ha, Sóc Sơn 171 ha, Gia Lâm gần 131,3 ha, Long Biên gần 65 ha, Đông Anh 70 ha, Mỹ Đức 61,2 ha, Thường Tín gần 36,4 ha và huyện Ba Vì 30 ha.

Theo Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội cho biết, nguồn gen dược liệu được trồng trên địa bàn thành phố khá đa dạng, có khoảng 176 nguồn gen cây dược liệu được gieo trồng trên địa bàn 16 quận, huyện của thành phố. Nhưng tập trung nhiều tại huyện Sóc Sơn và Ba Vì. Đây là hai huyện miền núi có rừng, điều kiện thời tiết khí hậu rất thích hợp cho các loại cây dược liệu, như: Khôi tía, trà hoa vàng, thìa canh, kim ngân hoa, đương quy, cát cánh, sachi, bạc hà, tàu bay, đinh lăng, trà hoa cúc Nhật, mộc hoa, nhân trần... Còn các loại dược liệu: Cà gai leo, cây mật gấu, hoàn ngọc, râu mèo... được trồng nhiều ở những vùng bán sơn địa của huyện Chương Mỹ và Thạch Thất. Tại các huyện đồng bằng như: Gia Lâm, Thường Tín, Phú Xuyên, chủ yếu trồng các loại dược liệu: Nghệ, hoa nhài, đinh lăng, ngải cứu, thục địa, kim tiền thảo.

Nhận thấy, thành phố hoàn toàn có khả năng phát triển một số loài dược liệu đặc hữu có tính dược liệu cao, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm Tài nguyên thực vật (Bộ NN&PTNT) đánh giá cảm quan một số loại dược liệu ở một số địa phương. Kết quả, trong tổng số 28 loại dược liệu được đánh giá về chất lượng thì có 13 loại lúc thu hoạch tươi đạt chất lượng loại tốt, 15 loại đạt chất lượng khá và trung bình.

Các sản phẩm cây dược liệu tại các cơ sở trồng trọt, sản xuất, kinh doanh và các hộ gia đình trên địa bàn thành phố có chất lượng sản phẩm thô và sản phẩm sau chế biến khá tốt. Mặt khác, người sản xuất có trình độ tương đối khá về kỹ thuật trồng trọt, bảo quản, chế biến nên một số chỉ tiêu chất lượng của dược liệu như: Màu sắc, cảm quan, độ ẩm, chất lượng sau chế biến đều bảo đảm, được đánh giá cảm quan tốt. Chính vì vậy, việc tiêu thụ cây dược liệu khá thuận lợi, chẳng như cây dược liệu hiện đang được trồng tại các vườn hộ gia đình, trên đồng ruộng và tại các doanh nghiệp: Tập đoàn Y dược Bảo Long, Công ty TNHH Tuệ Linh, Hợp tác xã Bảo tồn và Phát triển dược liệu Sóc Sơn..., sản phẩm dược liệu hiệu đàn được tiêu thụ khá thuận lợi. Trong đó, sản phẩm bán trực tiếp cho người tiêu dùng chiếm 4,8% sản lượng; còn người sản xuất bán nguyên liệu cho các doanh nghiệp để chế biến, chiếm 95,2% sản lượng.

Thêm nhiều chính sách hỗ trợ

Trước đây, việc trồng cây dược liệu ở thành phố Hà Nội chỉ tồn tại ở quy mô nhỏ, manh mún, dừng lại ở mức bảo tồn hoặc phục vụ nhu cầu của một số hộ dân. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tiềm năng phát triển cây dược liệu trên địa bàn thành phố đã được đánh thức từ việc một số cá nhân, doanh nghiệp đã đầu tư vào lĩnh vực này. Trong đó, có một số doanh nghiệp đang hoạt động khá tốt bao tiêu sản phẩm cho nông dân, như: Tập đoàn Y dược Bảo Long (huyện Ba Vì), Công ty TNHH Tư vấn xây dựng thương mại P&T (huyện Quốc Oai), Công ty TNHH Tuệ Linh, Hợp tác xã Bảo tồn và Phát triển dược liệu Sóc Sơn. Theo ông Nguyễn Xuân Đại, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, thành phố Hà Nội có nhiều tiềm năng, thế mạnh cần đánh thức để phát triển cây dược liệu, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân, việc trồng cây dược liệu trên địa bàn thành phố Hà Nội gặp một số khó khăn. Bởi, sản xuất cây dược liệu còn mang tính manh mún, tự phát, chưa quy hoạch được các vùng sản xuất tập trung; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất còn hạn chế. Kỹ thuật trồng trọt chủ yếu theo kinh nghiệm của người dân, đặc biệt là trong việc cung ứng giống dược liệu; kỹ thuật thu hái, bảo quản dược liệu còn nhiều hạn chế. Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác dược liệu, sơ chế dược liệu còn chưa được quan tâm nhiều. Thị trường tiêu thụ giàu tiềm năng nhưng chưa được khai thác và quản lý đầy đủ nên chưa phát huy được hiệu quả. Các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thiếu chặt chẽ, tự phát là chính nên khó mở rộng và phát triển.

Trong định hướng phát triển, thành phố đặt mục tiêu: Hình thành và phát triển các vùng vùng chuyên canh tập trung quy mô đạt 600 - 1.000ha vào năm 2025 và 1.500 - 2.000ha vào năm 2030; bảo tồn và khai thác bền vững nguồn tài nguyên dược liệu bản địa và nhập nội; phấn đấu đưa thu nhập bình quân trên 1ha trồng dược liệu đạt 300-350 triệu đồng/ha/năm.

Để hoàn thành mục tiêu này, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Theo đó, cùng với xác định các chủng loại dược liệu ưu tiên phát triển, Sở NN&PTNT sẽ hỗ trợ hình thành các vùng chuyên canh tập trung để trồng cây dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP- WHO tại các vùng có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp với quy mô 400ha vào năm 2025 và 1.000ha vào năm 2030.

Song hành, Sở NN&PTNT sẽ hỗ trợ phát triển sản xuất giống dược liệu, bảo tồn, phát triển các nguồn gen dược liệu quý, bao gồm cả bảo tồn tại nguyên vị trong các vùng phân bố các loài đang bị đe dọa, các loài có khu phân bố hẹp, các loài đặc hữu; bảo tồn trên đồng ruộng, trong sản xuất đối với nhóm cây thuốc gia truyền, cây thuốc kinh nghiệm đã được xác minh tác dụng chữa bệnh, cây thuốc thường dùng để phục vụ khai thác sử dụng bền vững. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất chính sách về tích tụ ruộng đất, thu hút đầu tư và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ dược liệu để nâng cao thu nhập cho người dân.

Lược theo HNP

Top