Thị trường bất động sản sụt giảm kỷ lục do COVID-19

10/04/2020 2:21 PM

(Chinhphu.vn) - Chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thị trường bất động sản từ sau Tết Nguyên đán sụt giảm thấp kỷ lục kể cả cung lẫn cầu. Đáng lưu ý, bất động sản Hà Nội ghi nhận nguồn cung mở bán thấp nhất 9 năm qua.

Thị trường bất động sản sụt giảm kỷ lục do COVID-19 - Ảnh: Thùy Chi

Lượng mở bán căn hộ chung cư mới giảm 86% theo năm

Bà Đỗ Vân Anh, đại diện CBRE Việt Nam cho biết, trong quý I/2020, lượng mở bán căn hộ chung cư mới tại Hà Nội ghi nhận giảm 86% theo năm. Tỷ lệ bán của các dự án trong quý này chỉ đạt 30-40%, thấp hơn trung bình cùng kỳ năm 2019, mặc dù các dự án mở bán mới trong năm trước cũng không nhiều do vướng mắc về pháp lý.

Về tổng quan thị trường, nếu như trước đây CBRE từng dự báo về sự mở rộng của phân khúc trung cấp, thì nay do ảnh hưởng của dịch bệnh phân khúc này chỉ ghi nhận 5 dự án với 600 căn, phần lớn là dự án mở bán những giai đoạn tiếp theo.

Quý này cũng không ghi nhận dự án hạng sang nào đi vào hoạt động. Mặt bằng giá không thay đổi, trên dưới 1%; doanh số bán hàng có sự suy giảm so với cùng kỳ.

Trong quý này, lượng mở bán chỉ đến từ 8 dự án, thấp hơn nhiều so với mức 25-30 dự án lúc thị trường nhộn nhịp. Điều này cho thấy sự trầm lắng nhất định trong quý này.

Đại diện CBRE cho hay, nguồn cung mở bán mới theo quý chỉ có 1.600 căn, thấp nhất trong 9 năm trở lại đây. Xét về vị trí, phía tây và phía đông Hà Nội tiếp tục là thị trường trọng điểm, trong đó phía tây chiếm hơn 50% nguồn cung mới, khu vực khác 10-15% tổng nguồn cung.

Các dự án trung cấp tập trung tại khu đô thị lớn tại phía đông và phía tây Hà Nội. Dự kiến nếu dịch bệnh được kiểm soát, thì dự án cao cấp sẽ mở bán tại khu vực quận Thanh Xuân, Từ Liêm.

Theo ghi nhận, doanh số bán hàng trong quý này cũng thấp nhất kể từ năm 2013. Giá bán sơ cấp tương đối ổn định theo quý, chỉ tăng nhẹ 4% theo năm do hạn chế mở bán mới và nhiều người mua nước ngoài không thể đến Việt Nam hoàn thiện thủ tục mua bán nhà.

Dù vậy, CBRE cũng ghi nhận tín hiệu tích cực từ thị trường. Mặc dù nguồn cung mở bán mới chậm lại, nhưng các dự án cũ phần nào được tiêu thụ, lượng tiêu thụ hàng tồn kho cao hơn mở bán mới.

Về phân khúc bán lẻ, bà Đỗ Vân Anh cho biết, theo ghi nhận lượng người đến các trung tâm thương mại chỉ còn khoảng 30% so với thông thường. Việc người dân hạn chế ra ngoài mua sắm dẫn đến tăng trưởng doanh thu bán lẻ đạt chỉ đạt 4,7%, thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Trong quý này không ghi nhận dự án mới đi vào hoạt động.

Về giá thuê, trong tháng 3 và 4, nhiều chủ đầu tư trung tâm thương mại có chính sách giảm giá thuê cho khách thuê của mình, một số ngành hàng giảm giá thuê 50%. Theo ghi nhận, dưới tác động của dịch bệnh nên giá thuê cả khu vực trung tâm và ngoài trung tâm đều sụt giảm. Tại trung tâm, giá thuê là 92 USD/m2/tháng, ngoài trung tâm là 20 USD/m2/tháng.

Điểm sáng của thị trường bán lẻ là bán lẻ tực tuyến gia tăng đáng kể do nhu cầu của người dân tương đối cao trong mua sắm bởi hạn chế ra ngoài. Doanh thu bán lẻ trực tuyến tăng trưởng tốt. Các kênh siêu thị điện tử như SpeedL của LotteMart đã ghi nhận mức tăng 100 –-200% trên số đơn hàng, trong khi Vinmart mở rộng phạm vi giao hàng tại hầu hết các siêu thị còn đang hoạt động.

Kỳ vọng thị trường bất động sản “ấm lên”

Nhận định về thị trường nhà ở trong năm 2020, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Việt Nam chi nhánh Hà Nội cho rằng, các vấn đề về chậm cấp phép, siết tín dụng cùng với dịch Covid-19 tiếp tục gây áp lực lên nguồn cung chào bán mới và nguồn cầu.

Tình hình thị trường sẽ phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ dịch bệnh được kiểm soát nhanh đến đâu. Cho đến thời điểm đó, khả năng đứng vững của thị trường sẽ được kiểm chứng khi các chủ đầu tư, nhà đầu tư và người mua để ở đều đang ở trạng thái chờ đợi.

Theo bà Nguyễn Hoài An, nếu dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn vào quý II/2020, Hà Nội dự kiến ​​sẽ có khoảng 27.000 - 28.000 căn hộ chào bán mới trong năm 2020.

Đà phát triển chậm trong nửa đầu năm 2020 có thể làm giảm số lượng các căn hộ bán được xuống còn 24.000 căn tại Hà Nội từ mức dự kiến 31.000 căn trước dịch Covid-19.

Trong tình huống xấu hơn, dịch bệnh không được kiểm soát trước khi kết thúc quý III/2020, số căn mở bán mới và doanh số bán dự kiến sẽ lần lượt giảm xuống khoảng 14.000 căn và 9.000 căn, chỉ bằng 30 – 40% của năm 2019. Giá bán sơ cấp dự kiến sẽ giảm xuống khoảng 1.300 USD/m2, giảm 6% theo năm khi mà các dự án cao cấp có thể trì hoãn thời điểm mở bán sang năm năm 2021 và các dự án hiện hữu phải đưa ra chính sách giá cạnh tranh hơn để thu hút người mua.

Còn đối với thị trường bán lẻ, do sự trì hoãn thi công tại một số dự án, nguồn cung mới trong năm 2020 dự kiến vào khoảng 103.000 m2. Hầu hết các chủ đầu tư đều đang ở trạng thái chờ đợi trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Tác động của dịch bệnh có khả năng ảnh hưởng đến việc mở rộng và mở mới các dự án trung tâm thương mại trong năm nay. Mặc dù vậy, thị trường bán lẻ Hà Nội vẫn dự kiến đón nhận hơn 450.000 m2 trong 3 năm tới.

Bên cạnh đó, điểm sáng từ thương mại điện tử ghi nhận những con số tăng ấn tượng. Nhằm đối phó với dịch bệnh, nhiều nhà hàng đã chọn kinh doanh trực tuyến qua các nền tảng thương mại điện tử như Now và GrabFood, hoặc thậm chí áp dụng các dịch vụ giao hàng của riêng mình. Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài trong các tháng tới nếu dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Đây là một trong những cơ sở để phân khúc kho vận trong TP. Hà Nội phát triển.

Thùy Chi

Top