Thiếu đồng bộ trong ứng dụng giao thông thông minh Thủ đô

15/05/2019 11:37 AM

(Chinhphu.vn) –Hà Nội đã và đang trong quá trình triển khai xây dựng hạ tầng hệ thống giao thông thông minh (ITS) với các ứng dụng tiên tiến. Tuy nhiên, thực trạng khó khăn không chỉ tại Hà Nội mà nhiều thành phố ở nước ta hiện nay khi áp dụng ITS đó chính là thiếu sự đồng bộ.

Ứng dụng đỗ xe iparking.

Th.S Hoàng Quang Vinh, Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải đã có bài phân tích về vấn đề phát triển hạ tầng giao thông minh tại Hà Nội và đưa ra những giải pháp để khắc phục thực trạng này.

Ngày 04/7/2017, Hà Nội đã thông qua Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐND về “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030” với nhiều giải pháp mang tính chiến lược nhằm giải quyết những vấn đề ùn tắc giao thông và ô nhiêm môi trường đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng và nhức nhối, trong đó không thể không kể đến giải pháp “xây dựng Đề án giao thông thông minh trong tổng thể đề án thành phố thông minh”.

Với những mục tiêu cụ thể xây dựng cơ sở dữ liệu về hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông, và các phần mềm phục vụ công tác quản lý, điều hành hệ thống giao thông thông minh, điều hành tổ chức giao thông và xử lý vi phạm giao thông.

Giao thông thông minh nhìn từ các nước…

Trong những năm qua, hạ tầng giao thông của Thành phố Hà Nội đã được quan tâm đầu tư. Hiện nay trên địa bàn Thành phố có trên 4.000 km đường, trong đó có 2.052km đường đô thị với những công trình trọng điểm như cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đại lộ Thăng Long, nút giao thông Khuất Duy Tiến, cao tốc đô thị (Vành đai 3 trên cao),... Hệ thống giao thông công cộng với những điểm nhấn như các tuyến đưa vào hoạt động tuyến xe buýt nhanh BRT số 01 Kim Mã – Yên Nghĩa, xây dựng 02 tuyến đường sắt đô thị hứa hẹn sẽ thay đổi bộ mặt giao thông đô thị của Hà Nội.

Tuy nhiên, sự phát triển hạ tầng giao thông không đáp ứng được so với việc phát triển đô thị, diện tích đất dành cho giao thông mới chỉ đạt 8,65% đất xây dựng đô thị, thấp hơn rất nhiều so với quy định (phải đạt từ 16%-26%). Tốc độ đô thị hóa nhanh với sự gia tăng dân số kéo theo các phương tiện giao thông cá nhân đã tạo áp lực rất lớn lên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có tổng số khoảng 6,5 triệu phương tiện giao thông đường bộ, chủ yếu là phương tiện cá nhân với trong đó là xe máy với trên 5,9 triệu xe máy, khoảng 420.000 ô tô con. Tăng trưởng các phương tiện giao thông cá nhân bình quân 11%/năm, trong khi đó tăng trưởng về chiều dài đường chỉ đạt 3,9%/năm, diện tích mặt đường 0,25%/năm, đặc biệt khu vực Trung tâm thành phố gần như không tăng. Các tuyến đường sắt đô thị liên tục bị chậm tiến độ do thiếu vốn và các yếu tố kỹ thuật. Tuyến Cát Linh – Hà Đông khởi công từ năm 2011 nhưng đến nay vẫn chưa thể đi vào hoạt động.

Những vấn đề trên không chỉ Hà Nội phải đối mặt trong quá trình phát triển. Trên thế giới, hầu hết các đô thị đã và đang từng trải qua tình trạng như vậy. Cùng với các biện pháp về cơ chế chính sách quản lý, điều hành giao thông, tận dụng sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các thành phố đã giải quyết thành công các vấn đề giao thông đô thị thông qua xây dựng hệ thống giao thông thông minh – ITS.

Tại Singapore, hệ thống ITS được phát triển từ những năm 1980 đến nay và liên tục được nâng cấp. Với gần 40 năm phát triển, hạ tầng giao thông minh Singapore với những ứng dụng nổi bật như công nghệ thu thập dữ liệu giao thông hiện đại, tiên tiến có thể linh hoạt xử lý dữ liệu lớn và sử dụng phân tích dữ liệu thông minh cung cấp thông tin giao thông chất lượng cao đáp ứng nhu cầu đa dạng, giúp nâng cao trải nghiệm của người đi đường với tính tương tác thông minh góp phần quản lý phương tiện, tăng cường khả năng tích hợp giữa các phương tiện công cộng và hoạt động đồng bộ, góp phần cải thiện an toàn giao thông, hạn chế ùn tắc giao thông, thúc đẩy kết nối giữa phương tiện giao thông với cơ sở hạ tầng.

Tại Trung Quốc, từ năm 1995, chính phủ đã xây dựng hệ thống giao thông thông minh và đến nay đã phát triển đáng kể, với các lĩnh vực dịch vụ gồm: Quản lý và lập kế hoạch giao thông; thu phí điện tử; dịch vụ thông tin giao thông; thiết bị an toàn phương tiện và hỗ trợ lái xe; ứng phó tình huống khẩn cấp; hỗ trợ an toàn giao thông; vận hành quản lý vận tải đa phương thức; đường cao tốc tự động và quản lý lái xe. Với việc ứng dụng ITS đã góp phần cải thiện đáng kể tình hình ùn tắc giao thông, cụ thể: thời gian không có ùn tắc tăng 7%; lượng khí thải xe giảm 3%; thời gian xử lý lưu lượng giao thông thời gian thực ít hơn 1 phút với tỷ lệ chính xác là 92%; thời gian trung bình của chuyến đi ít hơn 2 phút. Thời gian xử lý tai nạn đã giảm 25%.

… đến Thủ đô Hà Nội

Hệ thống giao thông thông minh đã bắt đầu được hình thành tại Hà Nội từ những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 với hệ thống đèn tín hiệu (năm 1996) và Trung tâm điều khiển giao thông (năm 2000) với hệ thống thiết bị của hãng SAGEM điều khiển đèn tín hiệu giao thông do Chính phủ Pháp tài trợ. Có thể nói đây là hạ tầng giao thông thông minh đầu tiên của công nghệ ITS trong khu vực đô thị ở Việt Nam. Đến nay, trung tâm này đã được nâng cấp nhiều lần và vẫn đang hoạt động hiệu quả, góp phần giám sát, điều hành giao thông toàn thành phố.

Hà Nội đã và đang trong quá trình triển khai xây dựng hạ tầng hệ thống giao thông thông minh với các ứng dụng tiên tiến như: hệ thống giám sát, điều hành giao thông sử dụng hệ thống camera giám sát, trung tâm điều khiển giao thông, hệ thống radio để thu thập thông tin, điều hành giao thông và cung cấp thông tin cho người sử dụng; hình thành Trung tâm quản lý đường cao tốc Hà Nội quản lý an toàn giao thông, xử lý tai nạn giao thông và các biện pháp phòng ngừa với các công nghệ hiện đại phân loại phương tiện giao thông tự động, hệ thống camera giám sát, hệ thống cân tự động, hệ thống bảng thông báo điện tử,…

Dự án REMON được triển khai tại Hà Nội với mục tiêu theo dõi và xác định trực tuyến lưu lượng giao thông đồng thời tạo ra nguồn dữ liệu giao thông cho cả giai đoạn ngắn hạn và dài hạn. Dự án này sử dụng các phương tiện giao thông được giám sát (tốc độ và hướng chuyển động), định vị qua hệ thống GPS để thu thập các số liệu và phản ánh tình trạng dòng giao thông, phát hiện các vị trí ùn tắc qua đó cung cấp thông tin cho người sử dụng. Các thông tin thu thập phục vụ công tác quản lý, điều hành giao thông, đánh giá quy hoạch và các giải pháp tổ chức, điều khiển giao thông, xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển dài hạn để giải quyết các vấn đề giao thông.

Ngoài ra, giao thông thông minh còn được ứng dụng trên hệ thống giao thông công cộng như biển báo thời gian thực trên một số tuyến xe buýt, hệ thống thẻ vé điện tử trên tuyến BRT 01 Kim Mã – Yên Nghĩa,... đã hình thành những bước đi đầu tiên cho thành phố trong lĩnh vực tương đối mới mẻ tại Việt Nam.

Ứng dụng giao thông thông minh còn nhiều khó khăn

Thực trạng khó khăn không chỉ tại Hà Nội mà nhiều thành phố ở nước ta hiện nay khi áp dụng ITS đó chính là thiếu sự đồng bộ. Tuy có rất nhiều những dự án nghiên cứu được triển khai nhưng chúng chỉ mang tính chất thí điểm, riêng lẻ. Chưa có những nghiên cứu tổng thể nào về hiện trạng, định hướng phát triển ITS.

Các ứng dụng giao thông thông minh mới chỉ dừng ở mức độ khiêm tốn, chủ yếu tập trung vào các ứng dụng điều hành giao thông thông thường, mức độ tự động hóa chưa cao. Mặc khác, về phía người dân, do đặc thù đa số người tham gia giao thông sử dụng xe máy, nên khả năng tiếp cận được các thông tin về tình hình giao thông trực tuyến theo thời gian thực là rất khó. Đây cũng là trở ngại lớn cho hiệu quả của việc triển khai các hệ thống ITS.

Thành phố chưa có trung tâm điều hành tập trung với quy mô, bài bản để có thể kết nối và điều khiển các hệ thống quản lý. Quan trọng hơn nữa, hiện nay hệ thống hạ tầng giao thông chưa được khai thác hiệu quả, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu hiện tại. Thêm vào đó, nguồn nhân lực chất lượng cao có kiến thức trong việc quản lí vận hành những hệ thống tiên tiến này còn rất hạn chế, chưa thể đảm bảo cho một sự phát triển bền vững của ITS.

Hệ thống đèn tín hiệu còn hoạt động một cách thủ công, độc lập. Chỉ có 3% những hệ thống đèn tín hiệu được kết nối trung tâm. Giải pháp phát hiện sự cố tự động, nhận dạng phương tiện vi phạm còn chưa phổ biến. Mạng lưới camera còn chưa bao phủ được toàn bộ hệ thống giao thông và mới chỉ được lắp đặt tại các khu vực cục bộ. Công tác bảo trì, nâng cấp hệ thống giao thông chưa được triển khai thường xuyên.

Và cái thiếu nhất, đó là định hướng phát triển hệ thống giao thông thông minh của chúng ta còn thiếu. Khung kiến trúc, tiêu chuẩn ITS chưa được xây dựng rõ ràng. Nhiều những dự án được triển khai nhưng chưa được đánh giá một cách chính xác nhất. Việc tiếp cận công nghệ hiện đại còn gặp nhiều vấn đề do chưa đủ điều kiện để đáp ứng. Để thực thi các giải pháp ITS hiệu quả cần có những thiết bị hiện đại, chuyên dụng cho hệ thống nhưng ở Việt Nam hiện nay chúng ta vẫn chưa làm chủ được công nghệ sản xuất những thiết bị này. Một khung chính sách để thực thi chưa được đưa ra cho việc gắn kết hoạt động giữa các bộ các ngành với chính quyền thành phố.

Hoàng Quang Vinh

Bài 2: Giải pháp nào cho giao thông thông minh Hà Nội? 

Top