Thủ đô đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của cả nước

10/10/2020 8:57 AM

(Chinhphu.vn) - Giai đoạn 2016-2020, kinh tế Hà Nội liên tục tăng trưởng và đạt mức khá trong cả nhiệm kỳ, đóng góp quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của cả nước, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh được cải thiện.

Tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ

Sau 12 năm thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan, Hà Nội đã đạt được những thành tựu to lớn, diện mạo Thủ đô nhiều thay đổi theo hướng tích cực, hình ảnh, uy tín của Thành phố được nâng cao.

Đánh giá của Thành ủy Hà Nội trong cả nhiệm kỳ 2016-2020 cho thấy, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá, đóng góp quan trọng trong tăng trưởng cả nước.

Thành ủy ban hành và thực hiện Chương trình 03-CTr/TU và nhiều Nghị quyết, đề án, chuyên đề về cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Kinh tế liên tục tăng trưởng và đạt mức khá trong cả nhiệm kỳ. Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,39%, đạt mục tiêu đề ra (từ 7,3%-7,8%), cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (6,93%).

Theo dự kiến của Hà Nội, năm 2020, quy mô GRDP ước đạt 1,06 triệu tỷ đồng, khoảng 45 tỷ USD; GRDP bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD, tăng 1,5 lần so với năm 2015, gấp 1,8 lần bình quân cả nước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2020 ước đạt 48,47 tỷ USD, tăng 1,34 lần so với năm 2015. Kim ngạch xuất khẩu tăng trung bình 9,0%/năm, cao hơn 1,7 lần giai đoạn 2011 - 2015.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng hiện đại, tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng; khu vực nông nghiệp giảm còn 2,09%. Tăng trưởng khu vực dịch vụ bình quân 7,12%/năm. Hạ tầng thương mại nội địa được chú trọng phát triển. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 10,91%/năm; các hình thức thanh toán trên nền tảng công nghệ hiện đại, thương mại điện tử phát triển mạnh, chiếm khoảng 7,0% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cũng như người dân và doanh nghiệp; trong 9 tháng đầu năm, mặc dù do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, kinh tế Thủ đô tăng trưởng chậm lại so với cùng kỳ nhưng vẫn cao hơn mức bình quân chung cả nước; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng đầu năm 2020 tăng 3,27% so với năm trước; thu ngân sách đạt 190.766 tỷ đồng, đạt 68,4% dự toán, bằng 100,1% so với cùng kỳ; xuất khẩu đạt 12,14 tỷ USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ; nhập khẩu giảm 9,5% so với cùng kỳ.

Bí thư Thành ủy Hà Nội đã nhấn mạnh Thành phố vẫn phải tiếp tục thực hiện tốt “nhiệm vụ kép”; vẫn phải phòng, chống dịch hiệu quả; vừa phải đẩy mạnh phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tổ chức thành công Đại hội đảng bộ cấp quận, huyện và Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố.

Bí thư Thành ủy Hà Nội để nghị các quận, huyện khai thác triệt để các nguồn lực với phương châm “góp gió thành bão” để đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020, phấn đấu GRDP tăng gấp 1,3 lần so với cả nước và hoàn thành nhiệm vụ thu 285.000 tỷ đồng dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.

Hiệu quả sản xuất kinh doanh nâng lên

Cũng trong nhiệm kỳ 2016-2020, Hà Nội chú trọng phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các yếu tố của kinh tế thị trường, các loại thị trường dần phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ và hội nhập, nhất là thị trường bất động sản, chứng khoán, lao động, khoa học, công nghệ…

Doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Thành phố được sắp xếp, đổi mới; hiệu quả sản xuất kinh doanh được nâng lên, giai đoạn 2016 - 2020 nộp ngân sách gấp 1,16 lần giai đoạn trước; góp phần giải quyết nhiều việc làm, thu nhập của người lao động năm 2020 tăng 1,2 lần so với năm 2015.

Khu vực kinh tế nhà nước tiếp tục giữ vai trò quan trọng, đóng góp 23% tổng thu nội địa trên địa bàn Thành phố. Môi trường kinh doanh thuận lợi hơn; hỗ trợ tích cực doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Khu vực kinh tế tư nhân có bước phát triển, đóng góp trên 22% trong GRDP, tăng hơn 1,2 điểm % so với năm 2015, giải quyết khoảng 83% lao động xã hội. Doanh nghiệp mới thành lập tăng cả về số lượng và vốn đăng ký.

Theo thống kê của TP. Hà Nội, trong 5 năm có khoảng 130 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, gấp 1,6 lần giai đoạn trước; vốn đăng ký bình quân khoảng 14,2 tỷ đồng, gấp 2 lần so với giai đoạn 2011 - 2015. Kinh tế tập thể, nòng cốt là các hợp tác xã (HTX) được củng cố, tổ chức lại - đã có 2.134 HTX, tăng 17,8% so với năm 2015; khoảng 65% mô hình hoạt động hiệu quả. Tổ hợp tác, kinh tế hộ tiếp tục phát triển, góp phần tạo việc làm, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội, tác động tích cực đến kết quả chung của nền kinh tế.

Cơ cấu đầu tư xã hội dịch chuyển rõ nét; khu vực nhà nước giảm từ 43,44% năm 2015 xuống khoảng 33,88% năm 2020, khu vực ngoài nhà nước và đầu tư nước ngoài tăng nhanh. Vốn đầu tư nước ngoài năm 2019 đạt 8,67 tỷ USD, cao nhất sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập, là năm thứ 2 liên tiếp dẫn đầu cả nước; lũy kế giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 25 tỷ USD, gấp 3,9 lần giai đoạn 2011 - 2015. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp 12,8% về vốn, 10,4% về thu ngân sách và góp phần tích cực chuyển giao công nghệ, tạo việc làm và đào tạo kỹ năng cho người lao động, tham gia vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu.

Chú trọng quản lý, phát triển đô thị

Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị tiếp tục được Thành phố quan tâm, chỉ đạo thông qua triển khai Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội tập trung thực hiện đột phá xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn. Thành ủy cũng ban hành và chỉ đạo thực hiện quyết liệt một số nghị quyết, chỉ thị chuyên đề về giải phóng mặt bằng; quản lý nhà chung cư; trật tự, văn minh đô thị; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất..., góp phần tạo chuyển biến tích cực trong quản lý, xây dựng đô thị.

Đến nay, tỷ lệ diện tích phủ kín của các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đến năm 2019 đạt 86%. Chất lượng quy hoạch được nâng cao, tạo lập không gian kiến trúc cảnh quan Thủ đô văn minh, hiện đại, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử. Tổ chức nghiên cứu lập một số quy hoạch đặc thù như: Hệ thống không gian ngầm; làng nghề truyền thống kết hợp du lịch; Ga Hà Nội và khu vực phụ cận. Xây dựng và triển khai các quy chế, quy định về cấp giấy phép quy hoạch; lập, thẩm định, phê duyệt, cắm mốc giới, quản lý theo quy hoạch; quản lý khu phố cổ, phố cũ; quy chế quản lý công trình cao tầng. Quản lý quy hoạch được chú trọng, ngày càng chặt chẽ, đạt kết quả tích cực.

Hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là hệ thống đường vành đai, trục hướng tâm, cầu đường bộ tiếp tục quan tâm phát triển đồng bộ, hiện đại hóa gắn với nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng và hạ tầng xã hội, nhất là đã triển khai một số tuyến đường sắt đô thị. Diện tích đất dành cho giao thông tăng, năm 2020 ước đạt 10,05% đất đô thị; tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng được nâng lên, ước đạt 20,05% .

Thành phố vừa đưa khánh thành một số công trình giao thông trọng điểm, cấp bách như công trình đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm và nhánh kết nối với đường Vành đai 3; khánh thành cầu vượt Hoàng Quốc Việt-Nguyễn Văn Huyên và dự kiến ngày 11/10/2020 dự án xây dựng cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long sẽ thông xe để chào mừng dịp kỷ niệm 66 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2020) và chào mừng đại hội Đảng bộ Thành phố.

Về phát triển đô thị, Thành phố đã chú trọng phát triển đô thị theo hướng bền vững, đô thị thông minh. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các khu đô thị mới, khu nhà ở theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại, làm thay đổi diện mạo kiến trúc Thủ đô. Từng bước phát triển vùng đô thị khu vực hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài. Tập trung phát triển các loại hình nhà ở cho các đối tượng có thu nhập trung bình và thu nhập thấp.

Thành phố từng bước thực hiện cụ thể hóa chủ trương phát triển nhà ở Thành phố với tổng diện tích sàn nhà ở đã phát triển mới giai đoạn từ 2016 đến nay là 25,3 triệu m2, đạt 27,25m2/người, vượt mục tiêu đề ra của nhiệm kỳ.

Nâng hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp

Trong nhiệm kỳ này, cải cách hành chính được triển khai đồng bộ, toàn diện, tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân và doanh nghiệp.

Mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong các giao dịch hành chính, dịch vụ hành chính công được cải thiện. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng cao và chuẩn hóa, có sự chuyển biến về tư duy, phong cách làm việc, ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ, giải quyết công việc với người dân, doanh nghiệp.

Thành phố tích cực tiến hành rà soát, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết đối với 261 thủ tục hành chính; thí điểm kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 100%, là địa phương dẫn đầu cả nước. Qua đó, các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền Thành phố được cải thiện qua các năm: Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR INDEX) năm 2019 xếp thứ 2 (tăng 7 bậc so với 2015).

Hướng tới mục tiêu “xây dựng chính quyền đô thị tinh gọn, quản trị hiện đại”, Thành phố tăng cường xây dựng hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp chú trọng triển khai xây dựng chính quyền điện tử. Việc phân cấp và ủy quyền từ Thành phố xuống cơ sở được tăng cường, nhất là các lĩnh vực bồi thường, giải phóng mặt bằng, đấu giá đất, vệ sinh môi trường. Việc xây dựng, ban hành, rà soát văn bản quy phạm pháp luật được tiến hành thường xuyên, kịp thời, có chất lượng.

Trong cả nhiệm kỳ 2016-2020, hiệu quả hoạt động của UBND các cấp được tăng cường; phương pháp chỉ đạo, điều hành có sự đổi mới mạnh mẽ theo hướng sâu sát, cụ thể “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”, “một việc, một đầu mối xuyên suốt”.

Gia Huy

Top