Thu hút FDI vào các khu công nghiệp: Cần những giải pháp đột phá

13/10/2016 4:37 PM

(Chinhphu.vn) - Với những lợi thế vượt trội so với nhiều tỉnh, thành khác, Hà Nội được đánh giá là điểm thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) hấp dẫn trong những năm qua, đặc biệt là vào các khu công nghiệp (KCN). Tuy nhiên, để giữ vững được vị thế và tiếp tục thu hút tốt hơn nữa nguồn vốn này, thiết nghĩ Hà Nội cần phải có những giải pháp đột phá hơn.

Ảnh minh họa

Nổi bật thu hút FDI công nghệ cao

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lũy kế đến hết năm 2015, các KCN, khu chế xuất của Hà Nội đã thu hút được 607 dự án, trong đó có 316 dự án nước ngoài, vốn đăng ký hơn 4,9 tỷ USD; 291 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký gần 11.650 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp FDI trong các KCN với lợi thế về thiết bị và kỹ thuật khá hiện đại, lại có thị trường ổn định nên có sự tăng trưởng nhanh so với khối công nghiệp khác và góp phần tăng nhanh số lượng, chất lượng các sản phẩm xuất khẩu của Thành phố, trong đó đa số là sản phẩm mới, kỹ thuật cao như linh kiện máy ảnh, phần mềm, ti vi màu màn hình phẳng,...

Bước sang năm 2016, lần đầu tiên kể từ khi mở rộng địa giới (năm 2008) đến nay, Hà Nội đã trở lại vị trí đứng đầu cả nước trong thu hút FDI, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao. Trong số 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới, Hà Nội có số vốn đăng ký lớn nhất với 1861,6 triệu USD, chiếm 24,6% tổng vốn đăng ký cấp mới của cả nước từ đầu năm đến 10/5/2016.

Điểm nổi bật tạo nên sự đột phá ấn tượng về thu hút FDI vào Hà Nội là UBND Thành phố đã cấp phép cho dự án đầu tư của Tập đoàn Samsung Electronics xây dựng một Trung tâm R&D mới tại quận Hoàng Mai có tổng vốn đầu tư 300 triệu USD. Dự án này sẽ thay thế trung tâm R&D chuyên phần mềm điện thoại và máy tính bảng (thành lập từ năm 2012 và đang chiếm tới 10% doanh thu toàn cầu của cả tập đoàn trong lĩnh vực trường của Samsung)...

Không những vậy, theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, TP. Hà Nội sẽ có 33 KCN, khu công nghệ cao với diện tích khoảng 6.693 ha. Đến nay, Hà Nội đã và đang phát triển 19 KCN, khu công nghệ cao với tổng diện tích gần 4.121,2 ha.

Trên thực tế, ngoài 8 KCN đã được lấp đầy, Thành phố đang triển khai 9 KCN mới, đồng thời sẽ xây dựng mới và mở rộng 15 KCN khác đến năm 2020 và 2030. Đặc biệt, quy hoạch 5 KCN theo hướng tập trung cho sản xuất chuyên ngành sâu, nhằm thu hút công nghệ cao vào hoạt động, xây dựng các khu kinh tế, khoa học - kỹ thuật chất lượng cao và hiện đại, chuyên nghiên cứu, giáo dục, phát triển, ứng dụng, sản xuất thực nghiệm và chuyển giao khoa học kỹ thuật tiên tiến của thế giới vào Việt Nam.

Cần những giải pháp đột phá

Mặc dù Hà Nội đã có nhiều kết quả nổi bật về thu hút FDI nhưng các dự án FDI trong các KCN thời gian qua vẫn còn khai thác nhiều tài nguyên, tận dụng chính sách ưu đãi bảo hộ công nghiệp trong khi các ngành sử dụng công nghệ cao tạo ra nhiều giá trị gia tăng, thân thiện với môi trường vẫn chưa nhiều, phần lớn các dự án trong lĩnh vực công nghệ cao thường chỉ thực hiện ở khâu gia công, lắp ráp...

Chính vì vậy, Hà Nội cần có những chính sách, giải pháp đột phá hơn nữa trong thu hút FDI, đặc biệt là FDI công nghệ cao vào các khu công nghiệp. Theo Ths. Phạm Hồng Nhung, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội, các KCN của Hà Nội được xây dựng và triển khai theo quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô. Do đó việc thu hút FDI vào các KCN của Hà Nội cũng nhằm phục vụ các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô, nhất là trong tạo động lực mới, mạnh mẽ thúc đẩy chuyển dịch tái cơ cấu kinh tế từ bề rộng sang chủ yếu theo bề sâu, nâng cao giá trị gia tăng, cải thiện cơ cấu xuất khẩu, tăng cường sử dụng nhân lực trình độ cao, cải thiện thu nhập của người lao động, tăng nguồn thu ngân sách nhà nước.

Ths. Phạm Hồng Nhung cho rằng, thời gian tới, việc thu hút FDI công nghệ cao vào các KCN Hà Nội trước hết cũng cần đáp ứng và tuân thủ các yêu cầu mục tiêu quản lý Nhà nước đối với hoạt động FDI nói chung, tuy nhiên việc thu hút này phải tuân thủ các quy định riêng, nghiêm ngặt hơn của các Ban Quản lý các KCN và của Thành phố đặt ra, nhất là các tiêu chí về quy mô vốn, lĩnh vực đầu tư, công nghệ, bảo vệ môi trường,...

Để tăng cường thu hút FDI, nhất là các dự án công nghệ cao vào các KCN Hà Nội, theo Ths. Phạm Hồng Nhung, Thành phố cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung vào việc hoàn thiện, nâng cao chất lượng các quy hoạch và xúc tiến triển khai xây dựng hạ tầng các KCN theo quy hoạch đã duyệt; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng đa dạng hóa, chuyên nghiệp hơn; xây dựng, triển khai đồng bộ các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao công nghệ.

Bên cạnh đó, Thành phố cần tổ chức đều đặn, nghiêm túc các cuộc gặp gỡ chuyên đề dành riêng cho khối doanh nghiệp FDI và trong nước thuộc lĩnh vực công nghệ cao trong các KCN trên địa bàn Thủ đô để thu thập, lắng nghe những phản ánh, kiến nghị, đề xuất cụ thể của doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.

Hà Nội cũng cần sớm triển khai, thậm chí xin nâng cấp những ưu đãi theo tinh thần Nghị định 154 của Chính phủ quy định về khu công nghệ thông tin tập trung như áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập 10% trong thời hạn 15 năm, miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với doanh nghiệp thực hiện từ dự án đầu tư mới tại khu công nghệ tập thông tin tập trung...

Diệu Anh

Top