Thực hiện 5 “không” để khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi

04/03/2019 7:01 PM

(Chinhphu.vn) - Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành và các địa phương cần tuyên truyền, vận động người chăn nuôi cam kết và thực hiện 5 không: Không giấu dịch; Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; Không vứt lợn chết ra môi trường; Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

* Đối phó nhanh, mạnh sẽ nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh tả lợn

* Hà Nội: Tăng cường chốt kiểm dịch tại các cửa ngõ

* Triển khai đồng bộ các giải pháp khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Quang Hiếu

Sáng nay 4/3, tại trụ sở Bộ NN&PTNT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Cùng dự còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; lãnh đạo các bộ ngành. Đại diện thành phố Hà Nội có Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu; Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, đây là bệnh dịch rất nguy hiểm đối với ngành chăn nuôi lợn nước ta và thế giới. Lịch sử dịch tả lợn châu Phi xuất hiện từ năm 1921, tại châu Phi. Loại dịch này lan truyền nhanh bằng nhiều hình thức và làm tỷ lệ lợn chết rất cao, nên tổn thất rất lớn. Trong khi virus dịch tả lan truyền và tồn tại ở môi trường rất lâu thì hiện nay thế giới vẫn chưa tìm ra vắc xin phòng ngừa.

Từ năm 2017 đến cuối tháng 2/2019, thế giới đã có 20 nước nhiễm dịch tả lợn châu Phi, trong đó, Trung Quốc có 28/33 tỉnh xuất hiện dịch, phải tiêu hủy tới 1 triệu con lợn.

 Với nước ta, chăn nuôi lợn chiếm vị trí rất quan trọng. Năm 2018, sản lượng thịt lợn hơi đạt 3,8 triệu tấn, chiếm 72% sản phẩm thịt các loại. Hiện, có trên 2,5 triệu hộ chăn nuôi lợn theo quy mô nhỏ lẻ, chiếm 49% tổng đàn lợn.

Ổ dịch đầu tiên là tại Hưng Yên, tiếp đó là Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương và đến nay có 33 xã thuộc 14 huyện và 7 tỉnh xuất hiện ổ dịch, đã tiêu hủy 4.231 con. Gần dịp Tết năm ngoái, do giá lợn tăng nên có những nơi xuất hiện dịch nhưng người dân không khai báo để tiêu hủy. Đây cũng là một nguyên nhân khiến dịch lây lan.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu báo cáo Thủ tướng tại hội nghị

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho biết, thành phố Hà Nội hiện có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, đứng tốp đầu của cả nước. Trong đó chăn nuôi nuôi lợn từ 1,7-2 triệu con, đặc biệt thành phố Hà Nội giáp với 8 tỉnh, thành phố, có nhiều trục đường, cửa ngõ ra vào Thành phố.

Trong thời gian qua, thành phố đã thực hiện nghiêm Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó đã ban hành Công điện ngày 22/2/2019 chỉ đạo các sở ngành, địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch bệnh; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở.

Đặc biệt, thành phố đã tuyên truyền mạnh để người dân hiểu rõ về bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, chủ động thực hiện tốt các giải pháp phòng bệnh theo hướng để người dân không hoang mang, tích cực áp dụng các biện pháp phòng bệnh. Luôn duy trì các chốt kiểm dịch tại các đầu mối giao thông, thành lập các chốt kiểm dịch lưu động, đội phản ứng nhanh để ứng phó các tình huống xảy ra.

Đặc biệt, thành phố cũng giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh đến tận thôn xóm; cụm dân cư, kịp thời xử lý ngay khi có gia súc ốm chết; lấy mẫu kiểm tra tại các khu vực lây nhiễm cao để dự báo tình hình (các vùng nguy cơ cao, các lò mổ, điểm giết mổ…); tập trung phát động tổng tẩy uế môi trường, vệ sinh tiêu độc toàn Thành phố.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao Bộ NN&PTNT và một số địa phương đã chủ động, quyết liệt và kịp thời ngăn chặn dịch. Thủ tướng nhấn mạnh từ “kịp thời” và chỉ đạo các ngành, địa phương, các Chủ tịch phải “xắn tay áo” với các biện pháp cụ thể, chứ không phải chỉ là văn bản chỉ đạo.

Thủ tướng cũng yêu cầu hệ thống chính trị, các cấp, ngành, các doanh nghiệp và người chăn nuôi nghiêm túc thực hiện hiệu quả Chỉ thị 04 (về triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi). Chủ tịch UBND Thành phố, tỉnh trực thuộc Trung ương phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ tướng về kết quả phòng chống dịch bệnh tại địa phương mình quản lý.

Thủ tướng cũng chỉ đạo cần phải huy động các cấp, ngành cùng vào cuộc ngăn chặn có hiệu quả dịch tả lợn châu Phi. Nếu chúng ta ngăn chặn tốt, kịp thời hơn thì dịch không lan rộng. Trung Quốc với sự quyết liệt của hệ thống chính trị, họ đã thành công, 90% đã giải dịch.

Thủ tướng cũng yêu cầu các cấp, ngành, các cơ quan truyền thông phải làm tốt công tác thông tin, thuyên truyền để người dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi, cách phòng, chống bệnh, đặc biệt là không hoang mang, bán tháo lợn. Cần tuyên truyền, vận động người chăn nuôi cam kết và thực hiện 5 không: Không giấu dịch; Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; Không vứt lợn chết ra môi trường; Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải cần có biện pháp kiểm soát vận chuyển lợn đường dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp đủ hóa chất cho khử trùng tiêu độc, đề xuất kịp thời hơn các giải pháp cụ thể cho từng địa phương thay vì chỉ có giải pháp chung cho cả 63 tỉnh, thành...

Ngoài ra, Thủ tướng nêu một số phương pháp triển khai, trong đó có về kinh phí hỗ trợ phòng chống, ngăn chặn dịch nên giao cho các địa phương quyết định, tự chịu trách nhiệm trước Thủ tướng và Bộ Tài chính. Cùng với đó là nêu cao tính công khai, minh bạch, chống tiêu cực, tránh tình trạng báo cáo sai, khống. Cùng với đó là giám sát thực hiện để bảo đúng chính sách, đúng đối tượng, chống thất thoát, lãng phí hoặc lợi dụng chính sách.

Vĩnh Hoàng

Top