Thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động

15/05/2020 8:39 AM

(Chinhphu.vn) - UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động.

Ảnh minh họa

Yêu cầu trên nhằm triển khai Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 4/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động quốc gia. Cụ thể, UBND Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các tổng công ty căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để thúc đẩy tăng năng suất lao động. Trong đó, tổ chức mạng lưới và nâng cao năng lực quản trị, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, nhất là lao động có giá trị gia tăng thấp sang có giá trị gia tăng cao hơn, nâng cao tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo, tiếp tục thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài có chọn lọc, tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng.

Các sở, ban, ngành theo chức năng thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 4/02/2020. Đơn cử, Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Chiến lược thu hút vốn đầu tư nước ngoài thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030 hướng tới hỗ trợ nâng cao năng suất lao động. Bên cạnh đó phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Trong việc xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phong trào “Năng suất lao động quốc gia”; xây dựng Chiến lược quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ, ưu tiên phát triển doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ cao thiết kế, sáng tạo và sản xuất Việt Nam; Xây dựng Chiến lược khuyến khích, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân mở rộng thị trường khu vực và thế giới…

Sở Công Thương phối hợp với Bộ Công Thương trong việc triển khai các nội dung: Rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện thể chế về thương mại điện tử; tập trung phát triển sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, sử dụng công nghệ cao, tự động hóa, giảm dần các ngành sử dụng nhiều tài nguyên, khoáng sản và lao động giản đơn. Xây dựng các giải pháp tăng năng suất lao động ngành công nghiệp và thương mại, tham gia sâu hơn và nâng cấp các khâu có giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó tập trung vào ngành chế biến, chế tạo nhằm chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp có giá trị cao; chuyển dịch trong nội bộ ngành công nghiệp từ sản xuất dựa vào lao động sang dựa vào công nghiệp, tập trung vào hàng hóa có giá trị gia tăng cao…

Sở NN&PTNT xây dựng kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp thực tế, gắn với thị trường và thích nghi biến đổi khí hậu; đẩy mạnh công nghiệp hóa hoạt động sản xuất nông nghiệp từ khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, nhất là công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp…

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 16/8/2018 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp…

Liên đoàn Lao động thành phố chỉ đạo các cấp công đoàn tuyên truyền, vận động cho đoàn viên, công nhân lao động hiểu rõ bản chất, ý nghĩa của việc tăng năng suất lao động, với phương châm “Năng suất cao hơn, phúc lợi tốt hơn” để người lao động tích cực tham gia vào các hoạt động thúc đẩy tăng năng suất lao động tại doanh nghiệp; vận động công nhân lao động phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm góp phần tăng năng suất lao động; tổ chức các phong trào thi đua tăng năng suất lao động trong công nhân lao động, mà trọng tâm là các phong trào thi đua: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô“, ’’Sáng kiến Thủ đô”.

UBND các quận, huyện, thị xã: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hỗ trợ kinh doanh phát triển, nâng cao năng suất lao động. Thực hiện các chính sách kinh tế ưu đãi đối với các doanh nghiệp sử dụng dây chuyền công nghệ cao, hiện đại; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đối mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh.

Nguyên Phương

Top