Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp để tăng chỉ số sản xuất công nghiệp

29/02/2024 2:26 PM

(Chinhphu.vn) - Theo Cục thống kê Hà Nội, tính chung 2 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên do kỳ nghỉ Tết dài nên sản xuất công nghiệp riêng trong tháng 2 có giảm so với tháng đầu năm.

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp để tăng chỉ số sản xuất công nghiệp- Ảnh 1.

Một số ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm so với cùng kỳ

Trong 2 tháng đầu năm, một số ngành chế biến, chế tạo có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất thiết bị điện tăng 20,6%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 16,7%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 13,9%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 12,3%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 10,9%; sản xuất trang phục tăng 9,5%.

Một số ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm so với cùng kỳ, sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc giảm 35,4%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại giảm 13,8%; in, sao chụp bản ghi giảm 9,6%; sản xuất xe có động cơ giảm 6,6%.

Cũng theo Cục thống kê Hà Nội, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố đã khởi động lại hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và các đơn hàng ký kết trước đó. Nhờ có sự chuẩn bị từ sớm về đơn hàng, nguồn nguyên liệu, tổ chức vận hành nên nhìn chung không khí làm việc trên các chuyền sản xuất nghiêm túc, trách nhiệm, số lượng công nhân trở lại làm việc sau Tết cao, bắt nhịp nhanh với công việc, đảm bảo kế hoạch sản xuất đầu năm. 

Tuy vậy, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 2 ước tính giảm 20,3% so với tháng trước và giảm 11,6% so với cùng kỳ năm 2023 do tháng 2 có ngày nghỉ Tết kéo dài. Về lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp thời điểm cuối tháng 2 tương đương tháng trước và giảm 2,2% so với cùng thời điểm năm trước.

Hà Nội hiện có 373 nghìn doanh nghiệp và có đóng góp to lớn, liên tục vào tăng trưởng kinh tế, duy trì an sinh xã hội. Đặc biệt, năm 2023 Hà Nội có hơn 31.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 6,3% so với năm trước; vốn đăng ký đạt 346.000 tỷ đồng, tăng 5%; gần 9.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại, giảm 8%; gần 22.000 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 33%; thực hiện thủ tục giải thể cho 3.500 doanh nghiệp, giảm 2%.

Hơn 373.000 doanh nghiệp đã và đang thể hiện vai trò, đóng góp quan trọng thúc đẩy sự chuyển mình và cất cánh của kinh tế thành phố Hà Nội. 

Vì vậy, chính quyền Hà Nội cũng thể hiện sự quan tâm, hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn. UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch tổ chức các hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố năm 2024.

Theo đó, trong năm 2024, thành phố dự kiến tổ chức 6 hội nghị đối thoại, tạo kênh trao đổi thiết thực, hiệu quả nhằm nắm bắt khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư, tổ chức trong và ngoài nước; tổ chức hội nghị gặp mặt để tháo gỡ trực tiếp, hỗ trợ các doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững. Các hội nghị sẽ được tổ chức theo các chuyên đề, bao gồm nhiều nội dung và thời gian khác nhau.

TP. Hà Nội giao các cơ quan tham mưu phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị; trao đổi và thu thập các phản ánh, kiến nghị, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố.

Minh Anh

Top