Tiếp tục hoàn thiện công trình dân dụng và công nghiệp

28/05/2019 3:00 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 28/5, Ban tuyên giáo Thành ủy tổ chức họp giao ban báo chí về Kết quả triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2019.

Ông Lê Văn Bính, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp thành phố Hà Nội. Ảnh: Thiện Tâm

Ông Lê Văn Bính, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp thành phố Hà Nội cho biết, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp thành phố được thành lập của UBND Thành phố trên cơ sở hợp nhất 8 Ban Quản lý dự án với chức năng, nhiệm vụ làm chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp, hạ tầng đô thị, sử dụng vốn ngân sách, vốn nhà nước ngoài ngân sách.

Thực hiện nhiệm vụ được UBND Thành phố giao, đến nay Ban quản lý có 18 dự án đang thực hiện, trong đó có 13 dự án hoàn thành năm 2019, 5 dự án hoàn thành giai đoạn 2019-2020; 16 dự án chuẩn bị đầu tư trong danh mục đầu tư công trung hạn; 25 dự án đã quyết toán đang trình Sở Tài chính thẩm định quyết toán 6 dự án và 3 dự án công trình trọng điểm (xây dựng đường vành đai 1, đường vành đai 2 và Khu liên cơ Võ Chí Công).

Bên cạnh đó, hiện nay Ban đang lập dự án đầu tư đối với 13 dự án trong danh mục đầu tư công trung hạn 2016-2020, trình phê duyệt trước tháng 1/2019. Đối với 3 dự án trong danh mục cập nhật vào danh mục đầu tư công trung hạn, Sở Kế hoạch đầu tư đang tổng hợp báo cáo UBND TP trình HĐND quyết định chủ trương trong kỳ họp HĐND trong tháng 7/2019. Cùng với đó, Ban đã nộp Sở Tài chính thẩm tra hồ sơ quyết toán 8 dự án, Sở Tài chính đã phê duyệt hồ sơ quyết toán 1 dự án và dự kiến đến cuối năm 2019 trình tiếp Sở Tài chính thẩm định quyết toán 9 dự án.

Theo đồng chí Lê Văn Bính, những kết quả triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp đạt được là do được sự quan tâm chỉ đạo, giải quyết kịp thời tháo gỡ vướng mắc của các cấp ngành từ Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, Thành ủy, HĐND, UBND và sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành cũng như sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị của các quận, huyện nơi thực hiện dự án.

Ngoài ra việc thực hiện các dự án cũng gặp nhiều thuận lợi do kế hoạch được bố trí đầy đủ, kịp thời theo tiến độ dự án được duyệt; sự đồng thuận ủng hộ của phần lớn dân cư nơi thực hiện dự án.

Tuy nhiên khó khăn lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chung của các dự án là kết quả thực hiện công tác giải phóng mặt bằng còn chậm. Nguyên nhân là do khối lượng giải phóng mặt bằng lớn như dự án vành đai 2 đoạn Ngã Tư Vọng- Ngã Tư Sở có 655 hộ và tổ chức; dự án đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu- Voi Phục có 1.937 hộ. Còn một bộ phận người dân chưa đồng thuận với nhiều lý do khác nhau.

Có thể thấy, yếu tố quan trọng để thúc đẩy tiến trình dự án là sự ủng hộ của dân cư khu vực dự án trong việc chấp hành các chế độ chính sách, chủ trương, kế hoạch phát triển hạ tầng, giao thông, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, phát triển bền vững của Nhà nước và thành phố.

Trong thời gian tới, với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các kế hoạch, dự án phát triển hạ tầng đô thị, giao thông, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, phát triển bền vững của thành phố. Đồng thời các chế độ chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng, bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng để các tầng lớp nhân dân được biết, thông hiểu và tiếp tục ủng hộ các chủ trương chính sách của Nhà nước và Thành phố. Từ đó góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông đô thị, xây dựng các công trình đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phục vụ người dân và các nhu cầu trực tiếp của nhân dân.

Thiện Tâm

Top