Tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ y tế

23/09/2019 3:07 PM

(Chinhphu.vn) - Để đạt mục tiêu đề ra, ngành y tế Hà Nội cần nâng cao chất lượng dịch vụ, ứng dụng kỹ thuật mới, tăng sức cạnh tranh, từ đó khẳng định vị thế của ngành y tế Thủ đô trong cả nước và khu vực.

Ngành y tế Hà Nội luôn nỗ lực thực hiện tốt công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân - Ảnh: Thiện Tâm

Mới đây, đoàn giám sát số 2 của HĐND thành phố Hà Nội đã có buổi làm việc với Sở Y tế Hà Nội về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết số 05/NQ-HĐND ngày 3/8/2016 của HĐND thành phố về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 5 năm 2016-2020 của thành phố.

Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Nghị quyết số 05/NQ-HĐND ngày 3/8/2016 của HĐND thành phố về kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016 - 2020, ngành y tế được giao các nhiệm vụ đến năm 2020 đạt tỷ lệ số giường bệnh/vạn dân là 26,5%; số bác sỹ/vạn dân là 13,5%; tỷ lệ xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế (theo chuẩn mới) đạt 100%; tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 100%.

Với nỗ lực của toàn ngành y tế, tỷ lệ giường bệnh/vạn dân năm 2018 đạt 23,3% và dự kiến đến 2020 chỉ đạt được 23,7%. Kết quả này không đạt được mục tiêu đề ra, bởi mặc dù có tăng 2.263 giường bệnh nhưng dân số Hà Nội tăng thêm 1 triệu người so với năm 2018.

Về chỉ tiêu bác sỹ/vạn dân, dự kiến năm nay đạt 13,4% và năm 2020 sẽ đạt 13,5%, hoàn thành mục tiêu đặt ra, nhờ các giải pháp mà ngành đang và sẽ triển khai liên quan đến tổ chức tuyển dụng viên chức, tiếp tục tăng giường bệnh cho các cơ sở y tế làm cơ sở để tuyển dụng bác sĩ, có chính sách thu hút nhân lực về làm việc tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố…

Về chỉ tiêu quản lý chất thải y tế, hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội có 46 bệnh viện thuộc Trung ương và các Bộ, ngành; hàng năm Sở Y tế đều phối hợp với các sở, ngành thành phố và Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) thực hiện thanh tra, kiểm tra và đôn đốc các đơn vị này thực hiện đúng quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, đảm bảo 100% chất thải y tế nguy hại được xử lý đúng quy định.

Đối với tỷ lệ xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế, đến cuối năm 2018 có 581/584 (99,48%) xã, phường đạt tiêu chí này.

Đồng thời, tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao kiến thức và kỹ năng chuyên môn cho cán bộ, nhân viên các cơ sở y tế trong công tác phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển chất thải y tế. Hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong công các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Phân công cán bộ chịu trách nghiệm quản lý từng lĩnh vực, từ khâu phân loại, thu gom, lưu giữ đến vận chuyển và xử lý chất thải y tế tại đơn vị hoặc bàn giao cho đơn vị có chức năng xử lý.

Đối với công tác chuyên môn, Sở Y tế Hà Nội luôn nỗ lực đẩy mạnh các biện pháp chủ động bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Đặc biệt, các loại dịch bệnh đều được phát hiện và xử trí kịp thời, không có bùng phát. Hầu hết các loại dịch bệnh có số ca mắc giảm dần theo các năm và đặc biệt là hạn chế được ca bệnh tử vong.

Nâng cao chất lượng dịch vụ - Tăng sức cạnh tranh

Ghi nhận những nỗ lực của ngành y tế Hà Nội, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà đánh giá cao sự cố gắng của toàn ngành y tế Hà Nội đã đạt nhiều kết quả khả quan, nhất là đã dành nguồn nhất định để đầu tư cơ sở vật chất cho cơ sở khám chữa bệnh; rà soát các trạm y tế xã, phường để tăng cường đầu tư... Đến nay, cơ bản hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Phó Chủ tịch HĐND thành phố cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thời tiết phức tạp, môi trường khó khăn, đòi hỏi công tác y tế xác định mục tiêu hàng đầu là phòng chống dịch bệnh, tiếp đến là phát hiện dịch bệnh sớm, sau đó là công tác khám chữa bệnh.

Phó Chủ tịch HĐND đề nghị ngành y tế Hà Nội cần nâng cao chất lượng dịch vụ, ứng dụng kỹ thuật mới, tăng sức cạnh tranh, để ngày càng khẳng định vị thế của ngành y tế Thủ đô trong cả nước và khu vực.

Trong đó, cần rà soát tổng thể quy hoạch mạng lưới ngành y tế để có sự đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất. Về việc này, Sở Kế hoạch và Đầu tư cần có kế hoạch tổng thể về đầu tư cơ sở vật chất để tăng tỷ lệ giường bệnh/vạn dân.

Bên cạnh đó, ngành y tế Hà Nội cần chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tiến tới số hóa các thủ tục hành chính. Trong quản lý hoạt động hành nghề y dược tư nhân cần tăng cường phân cấp, phân quyền, kiểm tra, giám sát, rõ vai trò trong xử lý vi phạm, trong đó công khai những trường hợp vi phạm để xử lý nghiêm bảo vệ an toàn cho người dân.

Thiện Tâm

Top