Tìm bản sắc cho giày da Phú Yên

24/08/2016 3:00 PM

(Chinhphu.vn) - Với truyền thống hàng trăm năm nay, làng nghề sản xuất giày da ở xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên được đánh giá là nơi làm giày nổi tiếng nhất Hà Nội. Đến nay, làng nghề này đã có tới gần 200 hộ sản xuất, thu hút khoảng 1.500 lao động. Tuy nhiên, trước sự vận động của cơ chế thị trường đòi hỏi những người làm nghề phải tìm ra bản sắc riêng biệt cho sản phẩm giầy da hiện đại.

Sản xuất giày tại làng nghề giày da Giẽ Thượng, xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên. Ảnh: Nguyễn Dũng

Thăng trầm làng nghề

Đến làng nghề da giày Phú Yên gặp ông Lưu Xuân Chúng, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Phú Yên để tìm ra sức hút của giầy da nơi đây sau hàng trăm năm tồn tại. Ông Lưu Xuân Chúng cho biết: “Thế mạnh của giày da Phú Yên là có độ bền cao, giá thành phù hợp với túi tiền của đông đảo người tiêu dùng”.

Chạy dọc tuyến đường trục chính của làng nghề, các cửa hàng giầy mọc lên đông đúc như một tuyến phố nghề sầm uất. Bên trong những cửa hàng ấy, ngoài hàng ngàn đôi giầy, dép các loại được trưng bày, giới thiệu, còn có cả khu sản xuất trực tiếp. Khách tới mua có thể trực tiếp ngồi xem quy trình làm giày nếu muốn và những người thợ, nhân viên bán hàng sẽ tư vấn tận tình cho khách hàng.

Ông Chúng chia sẻ câu chuyện làng nghề này từng trải qua nhiều thăng trầm. Đã có thời gian làng nghề èo uột, tưởng như không trụ nổi. Với sự kiên định, một số hộ gia đình đã cố giữ nghề. Năm 1993, làng giày Phú Yên bắt đầu hồi sinh khi kinh tế đất nước bắt đầu phát triển, nhu cầu giày ở các đô thị dội về. Thanh niên trong làng đua nhau đi học làm giày để thoát nghèo. Nhiều người giỏi nghề chạy ra Hà Nội, Việt Trì, Hải Phòng mở cơ sở làm ăn.

Khi các thương lái đổ về Phú Yên đặt hàng, mỗi chuyến hàng ngàn sản phẩm, cung không đủ cầu thì những người này quay về để rồi Phú Yên nhanh chóng trở thành làng công nghiệp giày hàng đầu miền Bắc và sản phẩm có mặt khắp mọi nơi trong cả nước. Mỗi năm "trung tâm" này cho ra đời khoảng 5 triệu đôi giày và dép, tương đương với năng lực của một nhà máy lớn. Lãnh đạo xã Phú Yên cho hay, chính nhờ thương hiệu nghề sản xuất giày, dép da này mà chủ nhiều cơ sở sản xuất đóng trên địa bàn xã đã trở thành tỷ phú. Đặc biệt, thôn Giẽ Hạ và Giẽ Thượng là hai nơi tập trung đông các hộ hoạt động sản xuất hơn cả.

Trong cửa hàng rộng rãi của anh Nguyễn Quang Đăng, chủ cơ sở giày Sơn Linh, thôn Giẽ Thượng, gần chục lao động đang miệt mài làm việc... Anh Đăng tâm sự, sản phẩm giày dép da của gia đình được bán trên địa bàn cả nước nhưng phần lớn tập trung tại thị trường Hà Nội. Đặc biệt, cơ sở của anh đã áp dụng hình thức quảng bá và bán hàng qua mạng internet đạt hiệu quả tốt. Do đó, mức lương trả cho thợ chính cũng đạt gần 10 triệu đồng, thấp nhất cũng 3 – 4 triệu đồng/người/tháng.

Theo thống kê của UBND xã Phú Yên, hiện nay toàn xã có hơn 600 hộ làm nghề sản xuất giày da, thu hút trên 2.000 lao động tham gia, trong đó có khoảng 300 lao động từ các địa phương lân cận. Hiện nay, các hộ dân đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật, máy móc vào sản xuất nên năng suất, chất lượng giày tăng lên đáng kể. Nhiều năm nay, nghề làm giày da mang lại thu nhập chính cho người dân. Ước tính mỗi năm, toàn xã Phú Yên sản xuất được 6 – 7 triệu đôi giày, thu về 50 – 60 tỷ đồng.

Loay hoay thương hiệu

Với truyền thống làm nghề lâu năm, lại nhạy bén trước những đổi thay của thị hiếu người tiêu dùng, người thợ làng nghề giày da Phú Yên đã cho ra đời rất nhiều dòng sản phẩm đa dạng, phong phú về kiểu dáng. Hiện nay tổng thu nhập của nghề da giày chiếm 65% tổng thu nhập toàn xã, có trên 60% số hộ trong xã có người tham gia sản xuất, kinh doanh mặt hàng này. Việc sản xuất kinh doanh ổn định, đời sống của người thợ được nâng lên. Hiện, một thợ lành nghề làm gia công có thu nhập khoảng 200.000 đồng/ngày.

Tuy vậy, nhiều người làm nghề cũng thật thà cho biết, sản phẩm giày của Phú Yên được đưa ra nội thành rồi dán nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng khác và bán với giá cao hơn nhiều lần tại nơi sản xuất. Bên cạnh đó, khó khăn của làng nghề là chưa có diện tích để mở rộng khu sản xuất tập trung, hầu hết các hộ sản xuất trong gia đình với quy mô nhỏ bé. Đặc biệt, khả năng tự thiết kế mẫu mã sản phẩm cũng còn hạn chế, chưa mang dấu ấn cá nhân của từng hộ sản xuất.

Cá biệt, có hộ còn làm hàng xô, hàng chợ kém chất lượng làm ảnh hưởng đến uy tín của làng nghề. Chính vì vậy, theo khuyến cáo của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, làng nghề giày da Phú Yên cần tập trung vào dòng sản phẩm chất lượng, xây dựng thương hiệu mạnh và ghi rõ trên nhãn sản phẩm xuất xứ hàng hóa.

Để quảng bá thương hiệu làng nghề Phú Yên, năm 2007 một nhóm tác giả thiết kế chiếc giày dài 2,7m được ghi vào kỷ lục Guiness Việt Nam. Để chế tạo chiếc giày này các thợ giỏi trong làng đã làm trong 2 tháng, dùng hết 40m2 da bò, 300m chỉ, 30 kg keo dán và… 3 khối gỗ để làm phom. Sau khi hoàn thành, sản phẩm này đã được tham gia cuộc thi Thiết kế giày Việt Nam lần thứ 2 năm 2007, do Tạp chí Thời trang trẻ và Hiệp hội Da giày tổ chức.

Ông Nguyễn Văn Soạn – Chủ tịch UBND xã Phú Yên cho biết, toàn xã có hơn 40 hộ sản xuất đã đăng ký thương hiệu cá thể và nhãn hiệu tập thể của làng nghề cũng đã được đăng ký. Tuy nhiên, thương hiệu sản phẩm làng nghề cũng chưa thật sự mạnh. Do đó, thời gian tới, xã sẽ tập trung tuyên truyền tới các hộ sản xuất đăng ký xây dựng và bảo vệ thương hiệu cá nhân. Đồng thời, đẩy mạnh nhân cấy nghề làm giày trong toàn xã để nghề ngày càng phát triển.

Nguyễn Dũng

Top