Tìm cơ hội xuất khẩu cho hàng thủ công mỹ nghệ

23/10/2017 4:15 PM

(Chinhphu.vn)-Đã thành thông lệ, tháng 10 hằng năm, các nghệ nhân, đại diện các làng nghề ở Thủ đô lại có dịp hội ngộ trong Hội chợ quốc tế quà tặng, hàng thủ công mỹ nghệ (Hanoi Gift Show) do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức.

Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ ngày càng thu hút du khách. Ảnh: Thùy Linh

Đây là cầu nối để các khách nước ngoài, khách thương mại trong nước gặp gỡ, giao thương, đàm phán với các nhà sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ hàng đầu của Hà Nội và Việt Nam, tiến tới ký kết hợp đồng, đẩy mạnh xuất khẩu.

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Văn Kiên (làng nghề Bát Tràng, Gia Lâm), chủ cơ sở sản xuất gốm Ký Danh cho biết, với việc sử dụng chất liệu truyền thống, sản phẩm gốm Ký Danh của ông đã xuất khẩu được sang Mỹ và nhiều quốc gia khác. Cơ sở sản xuất của ông thường xuyên tham dự các kỳ hội chợ Hanoi Gift Show, khách hàng nước ngoài, trong đó có Mỹ đã đến thăm quan gian hàng, họ rất thích hoa văn cũng như mẫu mã sản phẩm và đã ký kết hợp đồng xuất khẩu. Với thành công đó, để tiếp tục tìm kiếm đối tác và quảng bá thương hiệu gốm Ký Danh, cơ sở đã ưu tiên lựa chọn sản phẩm mới, mẫu mã đẹp, chất lượng cao tham gia Hội chợ năm nay.

Cũng giống như cơ sở sản xuất của ông Kiên, ông Lê Hoài Vũ, đại diện Công ty TNHH Gốm sứ Hoàng Minh chia sẻ, tham gia Hanoi Gift Show từ những năm đầu tiên đến nay đã mang lại cho gốm sứ Hoàng Minh nhiều cơ hội quảng bá hình ảnh, giao thương với các doanh nghiệp tham gia hội chợ, cũng như khách hàng nước ngoài.

Không chỉ là cầu nối đưa hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam ra thị trường thế giới, hội chợ còn giúp các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ Việt có thể học hỏi, phát triển sản phẩm tương xứng với những sản phẩm của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của doanh nghiệp các nước tham gia Hanoi Gift Show 2017 rất tinh xảo. Từ đó, các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ của Hà Nội có thể học hỏi từ chính các doanh nghiệp bạn về thiết kế mẫu mã, định hướng phát triển sản phẩm xuất khẩu”, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết.

Ông Hoàng Xuân Thủy, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội cho biết, Hội chợ năm nay diễn ra trong bối cảnh hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương của Việt Nam đã ký kết. Hơn nữa, hội chợ diễn ra vào thời điểm thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu do tháng 10 là thời điểm các nhà nhập khẩu tham dự chuỗi hội chợ chuyên ngành thủ công mỹ nghệ tổ chức tại các nước trong khu vực. Chính vì vậy, đây là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ làng nghề gặp gỡ, giao dịch, kết nối giao thương với các nhà nhập khẩu nước ngoài nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm.

Đề cập đến lợi ích của chương trình kết nối giao thương Hanoi Gift Show 2017, ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cũng cho rằng, hội chợ là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ làng nghề gặp gỡ, giao dịch, kết nối giao thương với các nhà nhập khẩu nước ngoài nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm. Tuy nhiên, để có thể hợp tác lâu dài và bền vững với các đối tác nhập khẩu từ nước ngoài, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ trong nước cần phải đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về mẫu mã, nhà xưởng, an toàn vệ sinh lao động, thân thiện môi trường…

Cũng theo ông Dần, hiện Việt Nam có nhiều thế mạnh để sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ như nguồn nguyên liệu dồi dào, công nhân rẻ, cần cù, các doanh nghiệp năng động… Nhưng các làng nghề hiện vẫn nặng phương thức sản xuất nhỏ lẻ, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm…Vì vậy, các cơ quan chức năng cần quan tâm nhiều hơn đến các làng nghề, đặc biệt là việc mở rộng diện tích làng nghề, đẩy mạnh du lịch làng nghề.

Thùy Linh

Top