Tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 650 năm ngày mất của Danh nhân Chu Văn An

20/11/2020 9:55 PM

(Chinhphu.vn) - Tối 20/11, tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, TP. Hà Nội trọng thể tổ chức Lễ kỷ niệm 650 năm ngày mất Danh nhân Chu Văn An (1370-2020).

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại lễ kỷ niệm - Ảnh: Gia Huy

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ; Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Lê Hoài Trung; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và Hà Nội; Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, các vị đại sứ, đại diện các tổ chức quốc tế tại Hà Nội… đến dự lễ kỷ niệm.

Tháng 11/2019, tại kỳ họp lần thứ 40 Đại hội đồng các quốc gia thành viên UNESCO đã vinh danh Danh nhân Chu Văn An và ra nghị quyết cùng Việt Nam tiến hành các hoạt động kỷ niệm 650 ngày mất của ông vào năm 2020.

Đọc diễn văn kỷ niệm 650 năm ngày mất Danh nhân Chu Văn An, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh khẳng định: “Cùng với Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, Đại thi hào Nguyễn Du, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thầy Chu Văn An là người Việt Nam thứ tư được UNESCO vinh danh. Di sản đặc biệt mà ông để lại cho đời sau là nhân cách Chu Văn An, khí phách của kẻ sĩ Thăng Long.

Trải qua các thời kỳ lịch sử, nhà giáo Chu Văn An đã trở thành hình tượng gắn liền với truyền thống hiếu học và sự nỗ lực vươn lên trên con đường học vấn của người Việt Nam.

"Sự kiện UNESCO thông qua hồ sơ Danh nhân Chu Văn An, tôn vinh Thầy Chu Văn An là nhà giáo dục tiêu biểu của Việt Nam có ý nghĩa quan trọng không chỉ với thành phố Hà Nội - quê hương của Danh nhân Chu Văn An mà còn đối với cả nước ta, đặc biệt là ngành Giáo dục - Đào tạo”, Chủ tịch TP. Hà Nội nhấn mạnh.

Chương trình nghệ thuật đặc sắc tôn vinh Danh nhân Chu Văn An - Ảnh: Gia Huy

Theo ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO cho rằng, chúng ta cần ghi nhận sự quan tâm của Nhà giáo Chu Văn An về sự công bằng, bình đẳng và triết lý của ông là giáo dục có thể trao quyền cho cả cộng đồng chứ không chỉ là tầng lớp quan chức. Ông đã bỏ qua sự khác biệt về tầng lớp để đến với những người bị bỏ quên. Vì thế ông đã đặt nền móng cho một phương thức mà chúng ta đang nối tiếp, đó là phương thức coi giáo dục và văn hóa là những trụ cột của đoàn kết dân tộc. Đây cũng chính là mối quan tâm hàng đầu của quốc gia ngay từ những ngày đầu lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

UNESCO coi đây là kênh giáo dục dành cho tất cả mọi người bên cạnh các mục tiêu của chương trình giáo dục vì sự phát triển bền vững, học tập suốt đời.Và đây cũng chính là các nguyên tắc căn bản trong các chiến lược hành động giáo dục của UNESCO trên toàn cầu.

Danh nhân Chu Văn An sinh ra tại làng Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ông đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục đào tạo ở ba không gian: Thanh Trì, Thăng Long và Chí Linh (Hải Dương). Khi còn trẻ, Chu Văn An mở trường tư thục ở quê hương, lúc trung niên ông làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, khi về già ở ẩn tại núi Phượng Hoàng (Chí Linh) và tiếp tục dạy học cho đến cuối đời.

Danh nhân Chu Văn An là một nhà giáo mẫu mực, kiệt xuất của Việt Nam, một người con ưu tú của Thăng Long - Hà Nội. Ông là người có đóng góp quan trọng đối với văn hóa, giáo dục Đại Việt ở thế kỷ XIV và ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều thế hệ người Việt Nam sau này.

Danh nhân đã suốt đời gắn bó với sự nghiệp giáo dục, làm thầy giáo và là một nhà giáo dục có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Việt Nam. Ông nhấn mạnh giáo dục đạo đức là cốt lõi của triết lý giáo dục nhân bản để trở thành con người toàn diện. Ông dạy học trò của mình về cách xử thế để trong mọi hoàn cảnh đều có thể hòa hợp với đồng loại, làm cho cuộc sống của chính họ và những người xung quanh trở nên tốt đẹp hơn.

Tại lễ kỷ niệm 650 năm ngày mất của Danh nhân Chu Văn An, các đại biểu được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc tôn vinh Danh nhân Chu Văn An do các nghệ sĩ cùng tập thể diễn viên Nhà hát Kịch Hà Nội biểu diễn.

Chương trình gồm: Những ca khúc ngợi ca, tôn vinh về Người giáo viên nhân dân; hát văn và ngâm thơ của Nhà giáo, Danh nhân Chu Văn An cùng hai tiểu phẩm kịch “Thất trảm sớ” và “Học trò thuỷ thần”. Trong đó tiểu phẩm “Thất trảm sớ” gợi lại câu chuyện Chu Văn An dâng “Thất trảm sớ” lên Vua Trần Dụ Tông xin trừng trị 7 tên quyền thần gian nịnh nhưng nhà Vua phớt lờ. Người đương thời và đời sau đều kính phục tinh thần trung nghĩa, khí tiết hiên ngang này của nhà sư phạm mẫu mực Chu Văn An.

Gia Huy

Top