Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 135 nghìn tỷ đồng

26/03/2020 2:42 PM

(Chinhphu.vn) - Theo Sở Công thương Hà Nội, trong quý I năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 135,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn nhiều mức tăng của cùng kỳ năm trước (Quý I/2019 tăng 10,1%).

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 87,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 64,6% và tăng 9,3% (doanh thu hàng lương thực, thực phẩm tăng 14,1%; may mặc tăng 11,1%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị y tế tăng 11,6%;...). Doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 12,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,9% và giảm 20,2%, trong đó dịch vụ lưu trú giảm 19,1%; dịch vụ ăn uống giảm 20,5%. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 2.339 tỷ đồng, chiếm 1,7% và giảm 18,7%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 33,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,8% và giảm 2,1%, trong đó dịch vụ y tế tăng 6,7%; dịch vụ giáo dục và đào tạo giảm 8,9%; dịch vụ nghệ thuật, vui chơi giải trí giảm 7,7%; dịch vụ kinh doanh bất động sản giảm 2,8%.

Đặc biệt là tháng 2 và tháng 3 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên hoạt động du lịch, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng đã bị ảnh hưởng và suy giảm mạnh. Cùng với đó, Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã làm thay đổi thói quen khi đi ăn uống của người dân khiến doanh thu giảm mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 ước đạt 42,4 nghìn tỷ đồng, giảm 5,4% so với tháng trước và giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 28,3 nghìn tỷ, giảm 0,9% và tăng 7,3%; doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 3,4 nghìn tỷ, giảm 13,9% và giảm 32,7%; doanh thu lữ hành đạt 670 tỷ đồng, giảm 16,8% và giảm 31,4%; doanh thu dịch vụ khác đạt 10 nghìn tỷ đồng, giảm 12,9% và giảm 11,3%.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa.

Theo số liệu của Sở Công Thương, Hà Nội đang triển khai bình ổn thị trường với lượng hàng hóa đảm bảo phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trong thời gian có dịch bệnh với tổng giá trị hàng hóa khoảng 174 nghìn tỷ đồng. Gạo 557,8 nghìn tấn; thịt lợn 111,6 nghìn tấn; thịt trâu, bò 32,1 nghìn tấn; thịt gia cầm 37,2 nghìn tấn; trứng gia cầm 743 triệu quả; dầu ăn 37,2 triệu lít; muối ăn, bột canh 9.297 tấn; rau củ 619,8 nghìn tấn; thủy hải sản (tươi, đông lạnh) 31 nghìn tấn; thực phẩm chế biến 31 nghìn tấn; sản phẩm chế biến từ ngũ cốc (mỳ ăn liền, cháo ăn liền, cơm khô, lương khô…) 3.718 triệu gói; sữa 146 triệu lít; nước đóng chai 3.718 triệu lít; khẩu trang kháng khuẩn 234 triệu chiếc; khẩu trang y tế 18 triệu chiếc; nước sát khuẩn 12,4 triệu lít; giấy vệ sinh 124 triệu cuộn.

Bên cạnh đó, đại diện các doanh nghiệp bán lẻ, các siêu thị vừa và nhỏ cũng đã sẵn sàng các phương án dự trữ tăng hơn so với bình thường nhằm cung ứng đầy đủ cho người dân Thành phố. Ngoài ra, Hà Nội đã triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông, thủy sản đang/sắp vào vụ thu hoạch trước nguy cơ dư nguồn cung, giải tỏa áp lực cho hoạt động xuất khẩu trước tác động của dịch bệnh. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy thương mại nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước và phát triển thương hiệu Việt; khơi dậy nội lực trong nước, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam phát triển, khuyến khích hàng hóa do người Việt Nam sản xuất.

Minh Anh

Top