TPP - cơ hội thu hút đầu tư, xuất khẩu cho Hà Nội

09/02/2016 1:01 PM

(Chinhphu.vn)- Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một hiệp định thỏa thuận thương mại tự do được ký kết giữa 12 nước với mục đích hội nhập các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á -Thái Bình Dương. Khi TPP chính thức có hiệu lực sẽ tạo cơ hội cho Hà Nội thu hút đầu tư và đẩy mạnh xuất khẩu (XK).

Trên 3.000 dự án đầu tư vào Hà Nội

Sau 27 năm từ khi có Luật Đầu tư nước ngoài và hội nhập kinh tế quốc tế, TP Hà Nội đã thu hút được 3.265 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 26,5 tỷ USD từ 63 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việc thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong thời gian qua đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng GDP và nguồn lực tổng vốn đầu tư xã hội của TP, chiếm tỷ trọng trung bình khoảng 15%; kích thích phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế, góp phần tạo công ăn việc làm cho hơn 200.000 lao động qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo sức ép cạnh tranh mạnh mẽ trong từng ngành, qua đó tạo động lực cho các DN cải tiến công nghệ, thay đổi mẫu mã, chất lượng sản phẩm dịch vụ và thúc đẩy hội nhập. Quan trọng hơn cả, FDI còn thúc đẩy mạnh mẽ việc hoàn thiện pháp luật, thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng hiệu quả tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước về đầu tư nước ngoài... 

Sản xuất mạch điện tử tại Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh

TPP tạo cơ hội cho DN thu hút đầu tư

Hiệp định TPP sẽ tạo cơ hội cho Hà Nội tiếp nhận nhiều nguồn vốn đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp vào các lĩnh vực dịch vụ chất lượng cao, công nghiệp may mặc, công nghiệp phụ trợ, hạ tầng các khu công nghiệp (KCN), nông nghiệp... Trước khi kết thúc đàm phán TPP đã có nhiều DN Nhật Bản tới Việt Nam khảo sát cơ hội hợp tác phát triển nông nghiệp. Nhiều tập đoàn lớn của Mỹ cũng bày tỏ nếu TPP được ký kết, Mỹ sẽ trở thành nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam.

Riêng đối với Hà Nội, TPP sẽ tạo cơ hội thu hút làn sóng đầu tư gián tiếp thông qua hoạt động mua bán và sáp nhập DN, bởi Hà Nội là TP có số lượng DN đông nhất cả nước. Ngoài ra, với thị trường vốn, các quỹ đầu tư, các tập đoàn tài chính đã có mặt tại Việt Nam đang tăng cường mở rộng đầu tư, các tập đoàn và quỹ đầu tư mới khác cũng đang lên kế hoạch đầu tư.

Đẩy mạnh xuất khẩu,  mở rộng thị trường

Tham gia TPP, Việt Nam được xem là một trong những nước có lợi nhiều nhất, qua đó kim ngạch XK và GDP của Việt Nam có thể tăng thêm 68 tỷ USD và 36 tỷ USD vào năm 2025. Riêng với Hà Nội, chỉ trong năm 2014, kim ngạch XK vào Mỹ và Nhật Bản đã đạt khoảng 746 triệu USD (Mỹ 586 triệu USD, Nhật Bản 160 triệu USD). Với đà tăng trưởng này, cộng với việc thuế giảm về 0%, kim ngạch XK nhiều mặt hàng trong đó có ngành dệt may của Hà Nội sẽ tăng trưởng mạnh. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội giúp phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may, đáp ứng các yêu cầu của quy tắc xuất xứ, từ đó giảm bớt sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Nông, thủy sản cũng là những ngành sẽ được hưởng lợi ngay và nhiều khi TPP được thực thi. Về nông sản, năm 2014 kim ngạch XK của Hà Nội đạt 108 triệu USD, trong đó thị trường Mỹ (96,5 triệu USD), Nhật Bản (11,5 triệu USD). TPP sẽ giúp DN giảm bớt sự phụ thuộc quá lớn như hiện nay vào thị trường Trung Quốc hiện chiếm 35% giá trị XK gạo, 48% giá trị XK cao su, 68% giá trị XK rau quả…). Thêm vào đó, hầu hết các mặt hàng nông sản XK sẽ được cắt, giảm thuế nên nông sản Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế, từ đó mở rộng thị trường sang các nước thành viên khác của TPP.

Nhiều thách thức phải vượt qua

Mặc dù TPP sẽ tạo cơ hội cho các DN Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng phát triển sản xuất, đẩy mạnh XK nhưng TPP cũng có nhiều thách thức.

Đối với lĩnh vực thương mại: Thách thức khó khăn nhất là sức ép cạnh tranh gay gắt và mạnh mẽ ngay trong thị trường nội địa cũng như nước ngoài. Trong khi đó, năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam còn yếu, khả năng quản lý còn nhiều bất cập. Ngoài ra, các DN còn phải đối mặt với những rào cản dưới dạng kỹ thuật phức tạp hơn một số hiệp định thương mại tự do (FTA) khác như hàm lượng giá trị khu vực trong quy tắc xuất xứ, các quy định về vệ sinh dịch tễ nghiêm ngặt hơn, hay các biện pháp phòng vệ thương mại.

Đối với lĩnh vực đầu tư: Cũng giống như trong thương mại, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với sức ép về cạnh tranh thu hút các dòng vốn ngoại, bởi cơ hội thu hút đầu tư thông qua TPP không chỉ dành riêng cho Việt Nam mà còn cho tất cả các nước thành viên khác. Nếu môi trường đầu tư của Việt Nam không được đổi mới, nâng cao tính cạnh tranh thì cũng sẽ không tận dụng được cơ hội thu hút vốn đầu tư do TPP mang lại.

Giải pháp của Hà Nội trong việc hỗ trợ DN: Nhằm hỗ trợ DN tận dụng những thời cơ mà TPP mang lại cũng như vượt qua những thách thức đến từ TPP, UBND TP Hà Nội đã chủ động xây dựng định hướng, kế hoạch dài hạn trong việc thu hút đầu tư và đẩy mạnh XK cho giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030.

Đối với thu hút đầu tư:

- Xác định đối tác chiến lược của TP: Nhật Bản và Mỹ sẽ là 2 đối tác quan trọng vì có nhiều lợi thế về công nghệ và kỹ thuật trong các lĩnh vực mà Hà Nội muốn thu hút đầu tư.

- Mở rộng phát triển dự án, kêu gọi đầu tư hạ tầng một số KCN như KCN sạch Sóc Sơn, Khu công nghệ cao Đông Anh… Quy hoạch và kêu gọi đầu tư xây dựng các KCN phụ trợ như công nghiệp phụ trợ cho dệt may, ô tô…

- Xây dựng chiến lược phát triển lĩnh vực dịch vụ chất lượng cao: TPP sẽ là yếu tố xúc tác mạnh mẽ cho việc đầu tư tại chỗ, đầu tư mới, điều đó tất yếu sẽ thu hút các ngành dịch vụ chất lượng cao tại các trung tâm kinh tế lớn. Các khu đô thị mới được hình thành sẽ là địa điểm hoạt động của các loại dịch vụ tài chính, ngân hàng, logistic, trung tâm nghiên cứu phát triển, giáo dục, đào tạo…

- Tập trung phát triển và thu hút đầu tư cho ngành nông nghiệp: kêu gọi đầu tư công nghệ cao vào công nghiệp chế biến, bảo quản các sản phẩm nông nghiệp.

Đối với XK:

- Thực hiện mục tiêu tăng trưởng XK hàng hóa của TP trung bình 14 - 15%/năm, theo đó:

- Ưu tiên sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, có kim ngạch XK lớn; chú trọng đổi mới công nghệ, thiết bị; tiếp tục hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường; phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất tập trung, năng suất cao, chất lượng tốt, gắn liền với bảo vệ môi trường.

- Phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư: tiếp tục hỗ trợ lãi suất tiền vay sau đầu tư cho các DN; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư để thu hút FDI vào các dự án sản xuất hàng XK; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đa dạng hóa thị trường XK, tăng kim ngạch XK hàng năm.

- Cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện chính sách thương mại, tài chính, tín dụng, tiến tới đơn giản hóa các thủ tục hải quan, thuế, thủ tục cấp đất/cấp giấy phép đầu tư; triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách thương mại, tài chính nhằm hỗ trợ hoạt động XK, tháo gỡ khó khăn cho DN để phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong các FTA.

- Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa và đẩy mạnh phát triển dịch vụ hậu cần XK: thu hút và hỗ trợ các nhà đầu tư xây dựng các kho ngoại quan tại các KCN nhằm nâng cao năng lực vận chuyển, lưu giữ kho bãi… và hiệu quả của hoạt động dịch vụ hỗ trợ XK.

- Đào tạo phát triển nguồn nhân lực: tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu của DN sản xuất hàng XK.

- Nâng cao sức cạnh tranh của DN và vai trò của hiệp hội ngành hàng: Hỗ trợ DN đổi mới công nghệ; phát huy vai trò của các hiệp hội ngành hàng để họ thực hiện tốt hơn vai trò là cầu nối giữa cơ quan quản lý Nhà nước và DN.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức; nâng cao kỹ năng trong hội nhập kinh tế quốc tế.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả và năng lực quản lý, kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, tránh gây ảnh hưởng hoặc cản trở các hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trong và ngoài nước… Thực hiện hiệu quả và kịp thời việc tháo gỡ khó khăn cho DN về thuế, hải quan…

- Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch thông qua việc xây dựng các chương trình xúc tiến phù hợp với nhu cầu của DN; Tập trung quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm XK thế mạnh của TP; Đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

- Đổi mới chính sách thu hút FDI theo hướng không quá nhấn mạnh số lượng mà là chất lượng, thu hút có điều kiện về cả kinh tế, xã hội và môi trường.

- Xây dựng chính sách phát triển riêng đối với một số ngành cụ thể. Chẳng hạn, đối với ngành dệt may, thực hiện tái cơ cấu ngành để hoàn thiện chuỗi cung ứng và phát triển ngành theo hướng bền vững theo hướng khuyến khích đầu tư phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may như dệt, nhuộm.

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội cũng khuyến nghị các DN:

- Ngay từ bây giờ, DN nên bắt đầu nghiên cứu kỹ thị trường các nước thành viên TPP để hiểu biết thị hiếu và xu hướng phát triển của thị trường cần thâm nhập, cũng như có thể xây dựng chiến lược phát triển, quyết định thời điểm và quy mô thâm nhập thị trường, xác định phương pháp marketing phù hợp.

- Lựa chọn DN về logistic chuyên nghiệp, có kinh nghiệm, hiểu biết các quy định về giấy phép, thuế xuất và phí nhập khẩu, tiêu chuẩn và giấy chứng nhận của thị trường nhập khẩu.

- Chủ động đề xuất và tham gia các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch với các cơ quan, tổ chức xúc tiến đầu tư, thương mại.

- Chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh; Đổi mới, cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất lao động; Đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn và ngoại ngữ cho người lao động.

Theo KTĐT

Top