Triển khai 3 dạng mô hình khuyến nông theo VietGAP, VietGAHP

17/10/2019 4:50 PM

(Chinhphu.vn) - Đó là kết quả triển khai phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, áp dụng quy trình, tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, VietGAHP) của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội trong tháng 10/2019.

Trung tâm đã triển khai mô hình thâm canh bưởi theo VietGAP với quy mô 6 ha - Ảnh minh họa

Trong tháng 10, Trung tâm Khuyến nông đã triển khai thực hiện 3 dạng mô hình, trong đó: Trồng trọt có 1 dạng mô hình, chăn nuôi - thủy sản có 2 dạng mô hình tại 13 điểm với 69 hộ tham gia.

Đáng chú ý, mô hình khuyến nông trồng trọt, Trung tâm đã triển khai mô hình thâm canh bưởi theo VietGAP với quy mô 6 ha, thực hiện tại 2 điểm tại xã Tân Lập (huyện Đan Phượng) và Cát Quế (huyện Hoài Đức) với 39 hộ tham gia.

Đối với mô hình chăn nuôi - thủy sản, Trung tâm triển khai mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ “sông trong ao” quy mô 6 ha thực hiện tại 5 điểm tại 3 huyện Ứng Hòa, Chương Mỹ và Quốc Oai với 6 hộ tham gia. Đây là mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ “sông trong ao” nhằm nâng cao hiệu quả nuôi thủy sản, quản lý tốt môi trường và dịch bệnh, góp phần tạo ra sản phẩm sạch cho người tiêu dùng tại Thủ đô. Mô hình đã nghiệm thu, cá đạt 1,3 kg, tỷ lệ sống trên 80%, năng suất ước đạt trên 18 tấn/ha, cho lãi suất 150 triệu đồng/ha, cao hơn hộ nuôi thông thường 20%.

Mô hình này đã đem lại hiệu quả to lớn về mặt kinh tế, cũng như góp phần thay đổi nhận thức người dân trong việc nuôi thủy sản từng bước áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới để tiến tới sản xuất bền vững, tạo sản phẩm an toàn.

Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAHP, quy mô 25 ha thực hiện trên 6 điểm tại 5 huyện Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ba Vì, Phú Xuyên và Ứng Hòa với 24 hộ tham gia. Đây là mô hình có hướng áp dụng tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt trong nuôi trồng thủy sản, giúp cho người dân nâng cao ý thức phòng trị bệnh và quản lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Mô hình đã nghiệm thu, cá sinh trưởng phát triển tốt, đạt trọng lượng bình quân 1kg/con, tỷ lệ sống đạt 80,3%, cho năng suất trên 14 tấn/ha. Ước tính đến khi thu hoạch cá đạt trung bình 1,4 kg/con, cho năng suất trên 18 tấn/ha, lãi suất trên 80 triệu đồng/ha, cao hơn 15% so với nuôi ao thông thường.

Mô hình này đã sử dụng chế phẩm sinh học định kỳ và thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường giúp môi trường nước luôn ổn định, dễ kiểm soát được dịch bệnh cho đàn cá, các ao nuôi ít có tảo lam xuất hiện, cá không bị nổi đầu, tăng trưởng tốt, cho năng suất cao đem lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Đàn cá nuôi được tăng cường hỗ trợ men tiêu hóa, men vi sinh ủ tỏi để hỗ trợ đường ruột giúp cá lớn nhanh, giảm hệ số thức ăn, từ đó giảm chi phí sản xuất. Đồng thời, việc không sử dụng hóa chất cấm trong quá trình nuôi góp phần tạo sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.

Các mô hình đã góp phần xây dựng các vùng nuôi tập trung áp dụng các tiêu chí VietGAP tạo vùng sản xuất an toàn bền vững.

Huy Thành

Top