Trình Dự thảo sửa đổi quy định về tài chính, ngân sách đặc thù cho Hà Nội

27/04/2020 5:20 PM

(Chinhphu.vn) - Chiều ngày 27/4, tại chương trình Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn trình bày Tờ trình dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 63/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

Toàn cảnh phiên họp - Ảnh: Quochoi.vn

Sửa đổi để phù hợp với cơ chế quản lý kinh tế

Trình bày Tờ trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, từ năm 1965 đến nay, Bộ Chính trị đã ban hành 4 Nghị quyết riêng về Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 15/12/2000 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ 2001-2010 (Nghị quyết số 15) và Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 06/01/2012 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020 (Nghị quyết số 11), Quốc hội ban hành Luật Thủ đô, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 63/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

Tuy nhiên, Thành phố Hà Nội còn một số vấn đề trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội cần được giải quyết có hiệu quả như công tác quy hoạch, quản lý đô thị chưa theo kịp yêu cầu phát triển; tốc độ đô thị hóa diễn ra rất nhanh, trong khi cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập; một số chợ dân sinh trên địa bàn Thành phố được đầu tư đã lâu, nay xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ gây mất an toàn, không đảm bảo điều kiện phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm, mỹ quan đô thị, tình trạng ô nhiễm môi trường; ùn tắc giao thông; ngập úng; tình trạng tăng dân cư tự phát đã gây sức ép lớn đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ở khu vực nội thành.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên và đáp ứng các yêu cầu mới đặt ra trong quá trình tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, cải cách hành chính, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh cần thiết phải ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63/2004/NĐ - CP phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và Luật Thủ đô.

Thứ trưởng Bộ Tài Chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, việc xây dựng Nghị đinh là nhằm tăng cường quyền hạn và trách nhiệm của HĐND, UBND thành phố Hà Nội trong lĩnh vực quản lý NSNN; đáp ứng yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự điều tiết của nhà nước; và nâng cao hiệu quả quản lý NSNN, tạo động lực phát triển các nguồn lực, phân bổ ngân sách tập trung, hợp lý phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội, khắc phục những tồn tại của Nghị định số 63/2017/NĐ-CP.

Nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 63/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội gồm 3 Điều. Cụ thể:

Điều 1 quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. Trong đó, Khoản 1 quy định sửa đổi, bổ sung Điều 4 ; Khoản 2 quy định sửa đổi khoản 4 Điều 5 ; Khoản 3 quy định bổ sung khoản 5 Điều 5 ; Khoản 4 quy định sửa đổi, bổ sung tiêu đề Điều 6 và bổ sung khoản 4, khoản 5 Điều 6.

Điều 2 quy định về điều khoản thi hành. Theo đó, cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù quy định tại Nghị định này được thực hiện từ năm ngân sách 2020 đến hết năm ngân sách 2022. Riêng cơ chế tài chính ngân sách đặc thù quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định này được thực hiện từ năm ngân sách 2020.

Điều 3 về trách nhiệm thi hành. Cụ thể, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Đề xuất tăng mức dư nợ vay từ 70% lên 90%

Đáng chú ý, trong dự thảo có nội dung tăng dư nợ vay của TP Hà Nội. Theo đó, mức dư nợ vay (bao gồm vay trong nước từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay lại từ nguồn Chính phủ vay về cho vay lại và các khoản vay trong nước khác theo quy định của pháp luật) của ngân sách thành phố không vượt quá 90% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp.

Thu ngân sách địa phương được xác định trên cơ sở dự toán thu ngân sách thành phố được Quốc hội quyết định của năm dự toán. Tổng mức vay và bội chi ngân sách Thành phố hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Đối với đề xuất này, Bộ Tài chính cho biết, việc quy định tăng giới hạn mức dư nợ vay bảo đảm cho Hà Nội có thêm dư địa được vay và phù hợp với bối cảnh thực hiện đẩy mạnh cơ chế cho chính quyền địa phương vay lại từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước, thay vì cấp phát như hiện nay.

Dự kiến trong thời gian tới, Hà Nội vay lại từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước đã ký Hiệp định để thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm khoảng 23 nghìn tỷ đồng (trên 1 tỷ USD). Tuy nhiên, việc tăng mức dư nợ vay này được kiểm soát trong giới hạn nợ công cho phép, vì tổng mức vay và bội chi ngân sách của thành phố hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước do Quốc hội quyết định.

Tại phiên họp nhiều ý kiến đều đồng tình với việc mức dư nợ vay của TP Hà Nội từ 70% lên 90%. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chung Lưu cho rằng, dư nợ vay từ 70% lên đến 90% so với nguồn thu của ngân sách TP Hà Nội là hợp lý. Hà Nội rất cần nguồn vốn này để đầu tư.

Bên cạnh nội dung trên, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách cũng nhất trí với chủ trương cho phép UBND TP Hà Nội được tạm ứng sử dụng Quỹ dự trữ tài chính để đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng và thời hạn tạm ứng là 36 tháng; Cho phép HĐND Thành phố được quyết định sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách cấp Thành phố để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội và chi an sinh xã hội.

Vĩnh Hoàng

Top