Trồng cây xanh là công việc phải làm và nên làm

14/01/2018 8:00 AM

(Chinhphu.vn) – Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng, trồng cây xanh là công việc phải làm và nên làm. Bởi, cây xanh cần được coi là di sản đô thị, một phần máu thịt của Hà Nội.

Ngày 13/1, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Công viên cây xanh Việt Nam tổ chức Hội thảo “Giải pháp bảo vệ, phục hồi và phát triển hệ thống cây xanh – mặt nước TP. Hà Nội đáp ứng mục tiêu quy hoạch và tạo bản sắc đô thị”.

Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thùy Linh

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ  tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho biết, thời gian qua, lãnh đạo TP. Hà Nội đã có những chỉ đạo tích cực về mục tiêu phát triển 1 triệu cây xanh vào năm 2020. Trong quy hoạch phát triển hạ tầng đô thị, Thành phố luôn đặt mục tiêu tăng tỷ lệ cây xanh để cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Điều này làm cho Thủ đô Hà Nội đã có những thay đổi tích cực về cảnh quan đô thị và cải thiện môi trường. Việc thống nhất về chủng loại, mỗi khu phố khác nhau có một loài cây hay nhóm loài cây khác nhau để tạo nét đặc trưng, tạo lập hệ thống cây xanh đồng bộ, đa dạng sinh học đã, đang và sẽ tiếp tục được thực hiện với mục tiêu xây dựng Thủ đô là một Thành phố xanh - sạch - đẹp.

Tuy nhiên, diện tích cây xanh đô thị của Hà Nội, trong đó bao gồm chỉ tiêu đất cây xanh, tổng diện tích đất cây xanh cho toàn đô thị, từng khu vực đô thị, diện tích đất để phát triển công viên - vườn hoa lại chưa được quan tâm và đầu tư thích đáng. Tỷ lệ đất cây xanh, công viên so với quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện đạt rất thấp. Các khu đô thị mới thiếu vắng các không gian công cộng như quảng trường, vườn dạo, vườn hoa, công viên, cây xanh…, đã làm cho chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị suy giảm.

Về mặt nước, Hà Nội đứng đầu trong cả nước về số lượng sông hồ như hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, hồ Trúc Bạch, hồ Thiền Quang, hồ Linh Đàm, hồ Giảng Võ, Thành Công, hồ Bảy Mẫu, Ba Mẫu, Nghĩa Tân… và có tới 13 con sông chảy qua Hà Nội. Tuy nhiên việc khai thác sử dụng quỹ mặt nước này phục vụ cảnh quan và đời sống đô thị vẫn còn nhiều điều chưa hợp lý.

Vài năm trở lại đây, nhiều ao, hồ ở Hà Nội bị lấp, lấn chiếm làm giảm đáng kể diện tích mặt nước, gây ra hiện tượng ngập úng vào mùa mưa. Ở các khu vực mới phát triển như Hà Đông, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm..., tốc độ xây dựng các khu đô thị mới tăng lên nhanh chóng, đã kéo theo nhiều ao, hồ bị san lấp bởi đất cát, rác thải và lấn chiếm để dành đất cho các công trình mọc lên.

Chính vì vậy, Hội thảo nhằm tiếp tục trao đổi và luận bàn với những nội dung xung quanh chủ đề “giải pháp bảo vệ, phục hồi và phát triển hệ thống cây xanh – mặt nước thành phố Hà Nội đáp ứng mục tiêu quy hoạch và tạo bản sắc đô thị”.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung chia sẻ xoay quanh việc thực hiện trồng 1 triệu cây xanh của Thành phố. Chủ tịch Thành phố cho rằng, đây là công việc phải làm và nên làm. Bởi, cây xanh cần được coi là di sản đô thị, một phần máu thịt của Hà Nội.

“Về chương trình 1 triệu cây xanh, hiện tại, tôi đúc kết trong 3Đ: “Đồng đều – Đa dạng - Đồng bộ”. Đồng đều về kích thước, chiều cao cây (7m-8m), khoảng cách trồng cây (6m-7m). Đồng bộ về chủng loại và đa dạng về cách trồng cây xanh theo tầng: tầng cao là cây bóng mát, ở giữa là tầng cây bụi và cuối cùng là tầng thảm cỏ, cây lá rực rỡ màu sắc”, Chủ tịch TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Để chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh đến năm 2020 đạt hiệu quả, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, cần phối hợp nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh việc xây dựng vườn ươm ở Đan Phượng để nghiên cứu lai tạo các giống cây, hoa mới.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Thùy Linh

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu chỉnh trang cắt tỉa lại toàn bộ cây xanh hiện có nhằm tăng mỹ quan cho Thành phố và bảo đảm giao thông. Cụ thể, thực hiện theo đúng quy trình: Cắt tỉa, trồng mới, cây xấu đánh chuyển và tiếp tục chăm sóc, cắt tỉa làm đẹp. Bên cạnh đó, hợp tác sâu rộng hơn với các nước có công nghệ kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hiện đại như Singapore, Đức, Úc... Tuy nhiên, Chủ tịch Hà Nội cũng cho rằng, Hà Nội có thể xanh hoá như kỳ vọng còn cần sự ủng hộ của đông đảo nhân dân. Chỉ cần lòng dân thuận, khó mấy chính quyền cũng nỗ lực vượt qua.

Chia sẻ tại Hội nghị, hầu hết giới quy hoạch, kiến trúc đều nhất trí cần xây dựng hệ thống các văn bản pháp luật về công viên cây xanh thống nhất và đồng bộ. Nhanh chóng chuẩn hóa toàn bộ các tiêu chuẩn kỹ thuật, chương trình, kế hoạch, các đồ án quy hoạch (từ quy hoạch tổng thể, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết…), xây dựng Bộ luật về Công viên cây xanh đô thị và “Ngày cây xanh Việt Nam”…

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội với chương trình 1 triệu cây xanh. Tuy nhiên, bà Linh cho rằng, ngay trong lòng Thủ đô, khi hàng loạt khu chung cư mọc lên, không ít nơi diện tích đất cho cây xanh vẫn chỉ tồn tại trên bản vẽ. Cùng với đó, tình trạng bê tông hoá mặt nước sông, hồ cũng thật sự nghiêm trọng.

“Vì vậy, muốn Hà Nội xứng đáng là trái tim của cả nước cần đẩy nhanh lộ trình di dời các cơ sở công nghiệp, bệnh viện, trường đại học trong nội thành theo định hướng của Quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030. Trên cơ sở đó dành quỹ đất sau khi di dời để tăng không gian xanh, công viên, chỗ vui chơi cho trẻ nhỏ”, bà Linh nhấn mạnh.

Thùy Linh

Top