Trông giữ xe gầm cầu: Giải pháp ngắn hạn, phù hợp thực tế

11/03/2019 6:26 PM

(Chinhphu.vn) - Hiện nay nhu cầu trông giữ phương tiện, đặc biệt là ô tô của người dân trên địa bàn Hà Nội ngày càng lớn, nhưng để tìm được một nơi gửi xe lại trở thành một vấn đề “nhức nhối” khi mà quỹ đất cho giao thông tĩnh của Thành phố còn hạn hẹp. Chính vì thế, việc kiến nghị được tiếp tục trông giữ xe dưới 4 gầm cầu có thể xem là giải pháp ngắn hạn, phù hợp với thực tế.

Trông xe dưới gầm cầu vượt. Ảnh: Thành Nam

Theo Sở GTVT Hà Nội, hiện nay, diện tích đất dành cho giao thông tĩnh của Hà Nội mới chỉ đáp ứng được khoảng 8-10% nhu cầu đỗ xe của tổng số phương tiện hiện có. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng các loại phương tiện giao thông đường bộ của Hà Nội quá nhanh, khoảng 10,2%/năm đối với ô tô; khoảng 6,7%/năm đối với xe máy. Còn, tỷ lệ tăng trưởng diện tích đất dành cho giao thông đô thị/diện tích đất xây dựng mới chỉ đạt từ 0,25 - 0,3%/năm. Khu vực nội thành còn kém hơn, đất dành cho các điểm, bãi đỗ xe mới chỉ đạt khoảng 0,12% tổng diện tích khu vực.

Có thể thấy, nhu cầu trông giữ xe trên địa bàn Hà Nội ngày một lớn, trong khi đó hạ tầng không đáp ứng được. Điều này đã làm phát sinh tình trạng bát nháo trông giữ xe bấy lâu nay vẫn chưa thể quản lý. Nhiều điểm trông giữ xe trái phép mọc lên nhưng không bị xử lý, giá trông giữ xe không theo quy định của Thành phố mà đắt gấp 2, gấp 3 lần.

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn nhận định, Hà Nội đang gặp rất nhiều khó khăn trong lĩnh vực giao thông nói chung và giao thông tĩnh nói riêng. Trong khi lượng phương tiện gia tăng chóng mặt, diện tích đất cũng như các công trình hạ tầng dành cho giao thông tĩnh lại chậm phát triển. Thực tế đó  đòi hỏi Thành phố phải có những biện pháp tức thời, tận dụng mọi khả năng, mọi vị trí có thể, có điều kiện để phục vụ nhu cầu đỗ, gửi xe của người dân.

Theo UBND TP Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 4 vị trí gầm cầu đang tổ chức trông giữ phương tiện đã được thành phố chấp thuận trước thời điểm có hiệu lực của Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT gồm gầm cầu Vĩnh Tuy; gầm cầu Chương Dương (trông giữ phương tiện miễn phí phục vụ tuyến phố đi bộ và mở rộng không gian đi bộ khu vực phố cổ Hà Nội các tối cuối tuần từ thứ sáu đến chủ nhật trên địa bàn quận Hoàn Kiếm); gầm cầu vượt Ngã Tư Vọng (phục vụ nhân dân khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai); gầm cầu vượt Mai Dịch (phục vụ lưu giữ xe vi phạm do các lực lượng chức năng xử phạt).

Tuy nhiên, thực tế nhu cầu trông giữ phương tiện trên địa bàn Thành phố là rất lớn trong khi bến, bãi đỗ xe công cộng theo quy hoạch đang trong quá trình đầu tư xây dựng, chưa hoàn chỉnh, các điểm trông giữ phương tiện dưới lòng đường còn hạn chế nên chưa đáp ứng được nhu cầu trông giữ phương tiện của nhân dân, các cơ quan, đơn vị, phục vụ các hoạt động văn hóa và các hoạt động khác của Hà Nội.

Do đó, UBND Thành phố đã có Văn bản số 549/UBND-ĐT kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sửa đổi Thông tư 35, cho phép Thành phố tiếp tục tổ chức trông giữ phương tiện tại 4 gầm cầu vượt này đến hết năm 2023 để phục vụ nhu cầu giao dịch, vui chơi giải trí của các cơ quan, đơn vị và nhân dân... Qua khảo sát, nhu cầu gửi xe tại khu vực lân cận 4 gầm cầu này rất lớn, trong khi quỹ đất có thể thay thế trong giai đoạn trước mắt chưa có.

Trong thời gian xem xét, chấp thuận, Hà Nội kiến nghị Bộ GTVT thống nhất việc tiếp tục tổ chức trông giữ phương tiện tạm thời dưới gầm cầu Vĩnh Tuy; gầm cầu Chương Dương, gầm cầu vượt Ngã tư Vọng. UBND TP Hà Nội sẽ chỉ đạo Sở GTVT; Công an Thành phố và các quận, huyện giải tỏa các điểm trông giữ xe không phép dưới các gầm cầu còn lại, tăng cường xử lý các vi phạm trong công tác trông giữ phương tiện trên địa bàn để bảo đảm trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông.

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn khẳng định, các vị trí gầm cầu mà Hà Nội kiến nghị đã được nghiên cứu cụ thể, kỹ lưỡng tất cả các yếu tố như: tổ chức giao thông, an toàn cháy nổ, an ninh trật tự... Khi đáp ứng đủ các điều kiện này Sở mới đề xuất thành phố cấp phép.

“Sắp tới, Thành phố sẽ tiếp tục yêu cầu đơn vị các khai thác đưa cộng nghệ cao vào ứng dụng nhằm quản lý tốt hơn nữa, minh bạch hơn nữa các bãi trông giữ xe dưới gầm cầu. Mặt khác, các điểm này cũng chỉ được tồn tại trong ngắn hạn, trước mắt là đến năm 2023”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Các chuyên gia giao thông cho rằng, thực tế, tại nhiều đô thị phát triển trên thế giới, việc trông giữ phương tiện, thậm chí bố trí cửa hàng... tại các gầm cầu khá phổ biến. Nếu Hà Nội không có giải pháp quản lý hữu hiệu, một số gầm cầu sẽ diễn ra tình trạng trông xe tự phát, bán hàng, đổ rác, phế liệu và các tệ nạn xã hội khác.

Trong ngắn hạn, ngành chức năng, cấp có thẩm quyền có thể xem xét cấp phép tạm thời trông giữ xe nếu đáp ứng đủ các điều kiện về tổ chức giao thông, phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự... Về lâu dài, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, thành phố Hà Nội sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự  án thuộc quy hoạch bến, bãi đỗ xe đã được phê duyệt. Khi quy hoạch được triển khai, các điểm trông giữ xe được hình thành đủ để đáp ứng nhu cầu, lúc đó việc chấm dứt hoạt động của các điểm trông giữ phương tiện tại các gầm cầu sẽ phù hợp hơn.

Thành Nam

Top