Trong miếng ngon trời đất

08/02/2016 9:58 AM

(Chinhphu.vn) - Tết là sự hội tụ tinh hoa văn hóa ẩm thực của người Việt, Tết Hà Nội lại là tinh hoa của Tết Việt. Bởi trên mảnh đất Kinh kỳ ngàn năm, người ta đã biết cách nâng niu những sản vật của đất trời để làm nên những món ngon, như cảm tạ công lao động của người nuôi trồng cấy hái.

Mâm cơm truyền thống ngày Tết. Ảnh minh họa

Bây giờ người ta đã không còn ăn lấy no như vài thập niên trước. Cái thời bao cấp khốn khó với chai rượu chanh, hộp mứt lèo tèo vài miếng bí phẩm xanh phẩm hồng qua rồi. Người phụ nữ Hà Nội cũng đã không còn cái cảnh “chặt to kho mặn” để chồng con có miếng ăn từ trong Tết đến ra Giêng. Bây giờ người ta có quyền lựa chọn những món ăn ngon, đúng chất Kinh kỳ để làm nên mâm cỗ cúng gia tiên chiều cuối năm, mời ông bà ông vải về sum họp với gia đình.

Triết lý ẩm thực có nóng có lạnh, có âm có dương, có vuông có tròn không gì có thể chứa đựng rành mạch hơn là một chiếc bánh chưng. Trong chiếc bánh chưng có hạt gạo thơm mọc lên từ đất, có miếng thịt tượng trưng cho khí dương, có hạt đỗ xanh là âm lại có chút hạt tiêu là dương, có màu xanh của sắc lá dong tượng trưng cho mộc, lại có sợi lạt trắng tượng trưng cho kim buộc vào thành một vòng tương sinh. Cắt miếng bánh ra, những màu sắc hòa trộn vào nhau, từ màu xanh đậm vỏ lá đến xanh nhạt gạo nếp, màu vàng của đỗ bao lấy miếng nhân thịt hồng hồng, nó kích thích thị giác rồi đến thính giác, vị giác của người ta, gắp một miếng bánh dẻo rền, thấy rung rung như được nâng trên tay một sản vật trong trời đất.

Người Hà Nội có một triết lý ẩm thực ngày Tết rất riêng, ấy là mâm cỗ Tết phải mang đúng nghĩa “sơn hào hải vị”, đầy đủ thành phẩm của người cấy hái, người nuôi trồng. Phải có khoanh giò gói từ lưỡi tai ăn với hành muối, phải có măng khô chế biến thành bát măng ninh móng giò sánh nước vàng như mật ong. Phải có đĩa nem cuốn rán giòn tan thơm lừng, bát canh miến lòng thả hạt sen trắng trang trí như vài viên ngọc. Phải có đĩa thịt gà chặt khéo léo không được bung lớp da vàng óng mỡ màng. Phải có bát canh bóng thả đẹp như một bức tranh màu lập thể với miếng bóng trong veo cắt hình thoi, vài cái nấm hương, dăm viên mọc hồng nhạt, miếng hoa lơ xanh, miếng cà rốt đỏ hồng, con tôm nõn uốn cong đỏ chót trong làn nước dùng trong vắt được rưới sau khi đã sắp xếp từng ấy thứ nguyên liệu, vài ngọn mùi được thả lên trên như nét bút trang trí cuối cùng hoàn hảo.

Một mâm cơm đầy đủ sản vật từ núi rừng và mặt nước, từ âm và dương hài hòa như triết lý sống của người Việt như thế, là lời cảm tạ thiêng liêng dành cho trời đất đã ban cho thực phẩm để nuôi sống con người.

Trên một mâm cỗ Tết sửa soạn cúng gia tiên, trung tâm là bát nước mắm cốt nguyên chất không pha như một mong muốn hạnh phúc gia đình mặn mòi. Rồi đến đĩa bánh chưng, đĩa thịt gà, đĩa nem rán, đĩa thịt đông úp ngược, đĩa cá kho riềng, đĩa giò lưỡi tai, đĩa giò lụa xếp quanh, bát canh măng, bát canh bóng, bát miến lòng chen vào như một bảng phối màu vô cùng đặc sắc. Giữa những món ăn ấy, điểm xuyết là cái bát chiết yêu đựng mấy củ hành muối trắng tinh, bát dưa món tỉa khéo từ su hào, đu đủ, cà rốt, và không thể thiếu một chiếc đĩa thật nhỏ đựng món chè kho ăn tráng miệng.

Một mâm cơm đầy đủ sản vật từ núi rừng và mặt nước, từ âm và dương hài hòa như triết lý sống của người Việt như thế, là lời cảm tạ thiêng liêng dành cho trời đất đã ban cho thực phẩm để nuôi sống con người. Mâm cỗ tuy cao đầy, nhưng mỗi món chỉ vừa đủ ăn, không ê hề, không hoang phí, mỗi món được bày thật đẹp, thật sang, cốt lấy cái đẹp và cái hương vị tinh túy chứ không phải xếp đầy ngồn ngộn lên, chỉ nhìn thôi đã thấy ngán.

Văn hóa người Hà Nội quanh năm có thể mở lòng để pha trộn văn hóa của vùng, miền khác vào, nhưng đến 3 ngày Tết, nó lại quay trở về với cái gốc, trọng cái tinh và tìm cái sang, cầu kỳ trong chế biến. Mâm cỗ Tết của một gia đình Hà Nội dù dễ tính đến mấy cũng không bao giờ xuất hiện món thịt kho tàu trứng vịt ăn với dưa giá của người Nam, không có món cá biển của người miền Trung. Chỉ thuần túy những món sản vật của Đồng bằng Bắc bộ, những món ăn đã được đúc kết và chọn lọc để giữ nhiệt và giữ sức khỏe cho con người vào tiết trời lạnh giá cuối Đông đầu Xuân xứ Bắc.

Mâm cỗ cúng gia tiên xong xuôi sẽ được hạ xuống cho con cháu trong gia đình thụ lộc, quây quần bên nhau, thưởng thức cái tài nấu nướng của người nội trợ. Mẹ chồng khen con dâu nấu nồi đông khéo quá, úp xuống đĩa không thừa một li, rồi tấm tắc miếng bánh chưng năm nay gói vừa miệng, giục đám trẻ nhỏ ăn thêm. Khi mâm bát bê đi cũng là lúc người nam giới trụ cột trong gia đình pha một ấm trà tàu thơm ngát, để uống với miếng mứt bí, mứt gừng, ăn miếng chè kho ngọt mát và thơm mùi hoa bưởi. Cả nhà ngồi quây quần bên nhau, dưới bóng cành đào bích bung từng cánh rung rinh, để cùng đổi trao những lời ước nguyện về một năm mới an khang đang đến trước thềm nhà.

(Mai An - Báo KTĐT)

Top