Truy xuất nguồn gốc để đẩy nhanh tiêu thụ sản phẩm

20/04/2018 5:14 PM

(Chinhphu.vn)-Thời gian qua, Hà Nội thường xuyên tổ chức hoạt động kết nối sản xuất với người tiêu dùng, tuy nhiên lượng hàng hóa tiêu thụ qua chương trình chưa nhiều. Để có thể đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm đòi hỏi chính nhà sản xuất phải nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu truy xuất nguồn gốc.

Nhờ được dán tem truy xuất nguồn gốc mà nhiều sản phẩm được người tiêu dùng yên tâm lựa chọn. Ảnh: Bích Phương

Tỷ lệ truy xuất nguồn gốc mới chỉ đạt 30%

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, việc sản xuất nông nghiệp ở Thủ đô còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa lớn. Đăc biệt, chưa giải quyết được vấn đề tích tụ đất để có thể thu hút nhiều doanh nghiệp lớn tham gia sản xuất, kinh doanh, phân phối sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi; chưa có nhiều vùng sản xuất bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, hữu cơ… dẫn đến tỷ lệ sản phẩm của từng mùa vụ chưa đồng đều, tỷ lệ truy xuất nguồn gốc còn thấp chỉ đạt 30%.

Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn yếu, chưa tạo được niềm tin cho người tiêu dung về nông sản an toàn. Đa số các hộ nông dân chỉ quan tâm đến sản xuất và bán trực tiếp ngay cho thương lái mà chưa quan tâm đến việc thị trường đang cần gì và làm thế nào để tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững nên chưa có nhiều mặt hang đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn vào các kênh phân phối hiện đại, xuất khẩu; giá cả không ổn định hầu hết phụ thuộc vào định giá của thương lái.

Cũng theo Phó Giám đốc Trần Thị Phương Lan, vẫn còn không ít hộ nông dân, hợp tác xã chưa nhận thức được chỉ có sản xuất các sản phẩm an toàn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm… mới tồn tại bền vững, nên vẫn còn tình trạng chạy theo lợi nhuận, chưa bảo đảm chữ tín với các doanh nghiệp phân phối và người tiêu dung, dẫn đến tình trạng tiêu thụ bấp bênh, không ổn định.

Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nông nghiệp xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) cho biết thêm, đối với các doanh nghiệp việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp lợi nhuận thấp nhưng rủi ro nhiều, nên vẫn còn ít doanh nghiệp dám mạnh dạn đầu tư do ảnh hưởng của yếu tố thời tiết.

Ông Võ Việt Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội cho rằng, chưa có hành lang pháp lý, các cơ chế chính sách của nhà nước, thành phố… đối với việc xây dựng và vận hành chuỗi liên kết chăn nuôi được bền vững.

Về phía doanh nghiệp phân phối, bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam (quản lý hệ thống siêu thị Fivimart) cho biết, để đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối Fivimart, các sản phẩm rau, củ quả cần có chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP/ GlolbGAP, phiếu kiểm nghiệm sản phẩm, các giấy tờ liên quan như danh mục hàng hóa, báo giá.

“Đối với thịt gia súc, gia cầm cần có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, giết mổ gia súc, gia cầm, bản tự công bố tiêu chuẩn chất lượng, giấy tờ liên quan, danh mục hàng hóa, báo giá…”, bà Hậu nhấn mạnh.

Hợp tác để quản lý tốt chuỗi liên kết chăn nuôi

Trong những năm qua, Hà Nội đã tổ chức kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi thực phẩm với các hợp tác xã, hộ sản xuất, qua đó chủ động được sản lượng sản xuất và thị trường tiêu thụ, ổn định được đầu vào và đầu ra. Đáng chú ý, nhiều sản phẩm lợi thế của các huyện ngoại thành như rau, củ, gà đồi Ba Vì, Sóc Sơn…phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng để đưa vào kênh phân phối và hầu hết các sản phẩm đã có mặt trên thị trường Hà Nội.

Cùng với đó, Thành phố cũng đã hỗ trợ phát triễn nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm. Nhờ đó, nhiều sản phẩm đã được công bố nhãn hiệu, thương hiệu như sữa bò, chè, gà đồi Ba Vì, bưởi Phúc Thọ, ổi Đông Dư, rau Vân Nội (Đông Anh)… góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.

Bà Phạm Thị Lý, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương (huyện Đông Anh) cho biết, nhờ được dán tem truy xuất nguồn gốc của “Quy trình xác thực chống hàng giả” mà sản phẩm của chúng tôi được người tiêu dùng an tâm lựa chọn.

Đặc biệt, khi tham gia hệ thống này và nhờ áp dụng toàn bộ “Quy trình xác thực chống hàng giả” sản phẩm của chúng tôi không chỉ minh bạch được nhật ký sản xuất, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, mà còn được tham gia một hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc của UBND Thành phố với đầy đủ các chức năng thương mại điện tử, kết nối cung cầu bảo đảm về an ninh thương mại điện tử, an ninh logistics, đồng thời được quảng bá sản phẩm tới đông đảo người tiêu dùng.

Tuy nhiên, để tạo môi trường tốt hơn cho các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm tin tưởng đầu tư tài chính, kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh các sản phẩm đạt chất lượng và nâng cao giá trị gia tăng của nông sản thực phẩm Thủ đô, nhiều doanh nghiệp kiến nghị, các cơ quan quản lý nhà nước sớm ban hành các cơ sở pháp lý về việc xây dựng, vận hành và quản lý chuỗi; có các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ tiên tiến, phát triển sản xuất, kinh doanh theo chuỗi;...

Về phía doanh nghiệp, cũng cần đầu tư nhân lực có trình độ chuyên môn nhằm tiêp cận và sử dụng thành thục có hiệu quả máy móc, công nghệ tiên tiến; có định hướng chiến lược sản xuất, kinh doanh sản phẩm đáp ứng yêu cầu tiêu dùng ngày càng cao của thị trường; hợp tác chặt chẽ với các hộ sản xuất, hợp tác xã để quản lý, quản trị tốt chuỗi liên kết chăn nuôi.

Bích Phương

Top