Từng bước khẳng định Bát Tràng là trung tâm lớn về gốm của cả nước
(Chinhphu.vn) - Bát Tràng là làng nghề truyền thống có từ lâu đời và đã trải qua nhiều giai đoạn suy thoái, hưng thịnh trong suốt lịch sử phát triển. Việc công nhận sản phẩm OCOP sẽ giúp xây dựng, quảng bá thương hiệu gốm Bát Tràng vững chắc hơn cũng như từng bước khẳng định Bát Tràng là trung tâm lớn về gốm của cả nước.
![]() |
Sản phẩm gốm Bát Tràng luôn được khách hàng ưa chuộng. Ảnh: Diệu Anh |
Làng gốm Bát Tràng thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội có lịch sử tồn tại hơn 1.000 năm. Nơi đây hiện có hơn 200 doanh nghiệp và hơn 1.000 hộ sản xuất, kinh doanh hàng gốm sứ. Xã hiện có 140 nghệ nhân và nhiều thợ giỏi. Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng được đông đảo khách hàng tại nhiều quốc gia quan tâm, ưa chuộng và hiện đã có mặt ở các thị trường lớn trên thế giới như: Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga…
Bên cạnh việc phát triển các sản phẩm thương mại, nhiều nghệ nhân tại làng nghề Bát Tràng đã phục chế thành công những tác phẩm gốm sứ cổ. Những sản phẩm của làng nghề không chỉ được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng mà còn thu hút một lượng lớn khách du lịch đến tham quan để chiêm ngưỡng, trải nghiệm quy trình chế tác, sản xuất đồ gốm, sứ.
Những năm gần đây, lượng khách đến Bát Tràng tham quan, mua bán ước khoảng 200.000 lượt/năm. Đặc biệt, vào mùa cao điểm, có ngày làng nghề đón gần 10.000 lượt khách.
Tuy nhiên, hiện số lượng hàng xuất khẩu của Bát Tràng chỉ chiếm khoảng 20% so với năng lực sản xuất. Ðể khôi phục sản xuất, làng nghề đang đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích các hộ dân, cơ sở sản xuất tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hướng tới chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Làng nghề Bát Tràng hiện có 6 cơ sở đạt chứng nhận OCOP và dự kiến cuối năm 2020 sẽ có thêm 10 cơ sở.
Năm 2020, huyện Gia Lâm tiếp tục đánh giá, phân hạng từ 60 sản phẩm trở lên, tập trung vào các nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực (rau, củ quả an toàn); sản phẩm của các làng nghề truyền thống như Bát Tràng, Kim Lan, Kiêu Kỵ, Ninh Hiệp. Đồng thời xây dựng lộ trình hình thành 3 sản phẩm du lịch: Mô hình làng nghề văn hóa, du lịch Bát Tràng gắn với phát triển sản phẩm OCOP; mô hình trải nghiệm nông nghiệp xã Văn Đức và mô hình làng nghề hoa - cây cảnh xã Phù Đổng…
Mới đây, tại buổi thăm làng nghề Bát Tràng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá cao sự tâm huyết, lòng yêu nghề của các nghệ nhân trong việc gìn giữ và phát huy nghề gốm sứ truyền thống, qua đó góp phần quảng bá những tinh hoa văn hóa của Thủ đô Hà Nội.
Nhấn mạnh với số lượng, mẫu mã sản phẩm của làng nghề rất phong phú, đa dạng, chất lượng cao nhưng hiện nay Bát Tràng mới có 6 sản phẩm OCOP là ít và chưa tương xứng với tiềm năng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị huyện Gia Lâm, xã Bát Tràng cũng như các nghệ nhân, cơ sở sản xuất cần quan tâm hơn đến vấn đề này để từ đó có thêm nhiều sản phẩm OCOP được công nhận. Điều này để góp phần đạt mục tiêu toàn Thành phố có 1.000 sản phẩm OCOP vào cuối năm 2020.
Việc công nhận sản phẩm OCOP sẽ giúp xây dựng, quảng bá thương hiệu gốm Bát Tràng vững chắc hơn và giúp bảo vệ sản phẩm gốm Bát Tràng không bị làm giả cũng như từng bước khẳng định Bát Tràng là trung tâm lớn về gốm của cả nước.
Ngoài ra, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đánh giá cao định hướng của xã Bát Tràng đó là hoàn thành nông thôn mới nâng cao và tiến tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đồng thời lưu ý, trong quá trình phát triển, xã cần đặc biệt quan tâm và thực hiện tốt, đồng bộ ngay từ khâu quy hoạch. Mặc dù phát triển lên phường, lên quận nhưng vẫn phải giữ được hồn cốt của làng nghề để thương hiệu gốm Bát Tràng được gìn giữ, phát huy đến muôn đời sau…
Diệu Anh