UNESCO thông qua Hồ sơ kỷ niệm 650 ngày mất danh nhân Chu Văn An

17/04/2019 5:23 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 16/4, khóa họp Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) lần thứ 206 tại Paris, Pháp đã thông qua danh sách các hồ sơ để đề nghị Đại hội đồng UNESCO ra Nghị quyết cùng kỷ niệm các sự kiện, nhân vật kiệt xuất do các quốc gia đề cử.

Tượng thờ Danh nhân Chu Văn An tại Văn Miếu

Hồ sơ kỷ niệm 650 năm ngày mất của danh nhân Chu Văn An cùng với 48 hồ sơ khác, được lựa chọn từ 71 hồ sơ do 41 quốc gia đề cử, đã được thông qua.

Chu Văn An (1292 - 1370) được coi là người thầy của mọi thời đại, nhà giáo lỗi lạc của Việt Nam, đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp dạy học, với triết lý giáo dục nhân văn, không phân biệt giàu nghèo, học đi đôi với thực hành, học suốt đời để biết, để làm việc và cống hiến cho xã hội. Tư tưởng đó của ông không những có ảnh hưởng tới nhiều thế hệ người Việt Nam mà còn góp phần phát triển các giá trị nhân văn trong khu vực. Quan điểm giáo dục của ông có những giá trị tiến bộ vượt thời đại, gần gũi với mục đích giáo dục của thế giới hiện nay mà UNESCO đã đúc kết, đề xuất: học để biết, học để làm, học để chung sống và học để làm người.

Chu Văn An không chỉ là nhà giáo dục kiệt xuất mà còn là một trí thức, một nhà thơ và nhà văn hóa có nhiều đóng góp cho nền văn hóa dân tộc. Ca ngợi Thầy, tác gia Trần Nguyên Đán (1325-1390) - một trong những quí tộc, danh nhân tiêu biểu thời Trần từng viết: Thầy không chỉ là người có đức hạnh mà học vấn còn hết sức uyên bác “thấu triệt tận cùng nghĩa lí kinh điển, hiểu rộng về sử, công phu thực to lớn”.

Đương thời, Thày Chu Văn An đã biên soạn nhiều tác phẩm. Sách Lịch triều hiến chương loại chí (Phan Huy Chú (1782-1840) chép tác phẩm của Chu Văn An có Tứ thư thuyết ước (gồm 10 quyển giải nghĩa về bộ Tứ thư), tập thơ Tiều Ẩn thi tập (1 quyển), Quốc ngữ thi tập (1 quyển). Ngoài ra Thày còn viết sách về địa lý (Địa đạo dẫn giải chương cú tập chú ), về vũ trụ, thiên văn (Thiên văn chiêm nghiệm tập chú) và sách thuốc “Y học yếu giải tập”.

Thơ văn của Thầy theo nhận xét của các văn nhân đời sau “rất trong sáng, u nhàn”. Còn nội dung các phẩm trên đều thể hiện rõ tính dân tộc, tập trung miêu tả những gì hiện thực trước mắt, những cảnh đẹp thiên nhiên, chú tâm đến cảm hứng con người Đại Việt, bình dị và “tự nhiên, có thể tưởng thấy ý thú thanh cao chứ không bóng bảy, vay mượn điển tích nước ngoài.

Là một con người có tính cách cương trực, thẳng thắn, luôn giữ tiết tháo, thanh liêm, không màng danh lợi, nhân cách Chu Văn An là nhân cách của một trí thức, một nhà giáo dục, nhà văn hóa “không cầu người biết đến mình mà chỉ lo mình không có tài đức để người ta biết đến” và “học thành đạt cho mình là để thành đạt cho người, công đức tới dân, ân huệ để lại đời sau”, là tấm gương sáng cho hậu thế noi theo. Ngót 650 năm lịch sử đã trôi qua, những tư tưởng đó của Thầy Chu Văn An về văn hóa, giáo dục vẫn còn nguyên giá trị và có ý nghĩa giáo dục tích cực to lớn trong lòng xã hội hiện đại.

UNESCO đã từng vinh danh các danh nhân kiệt xuất của Việt Nam trước đây nhân kỷ niệm 600 năm ngày sinh Nguyễn Trãi (1980), 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1990), 250 năm ngày sinh Nguyễn Du (2015). Việc UNESCO cùng Việt Nam kỷ niệm 650 năm ngày mất của Chu Văn An lần này khẳng định sự đánh giá cao của quốc tế đối với những giá trị về văn hóa, giáo dục của Việt Nam, đồng thời góp phần quảng bá cho các mục tiêu bình đẳng trong giáo dục cho tất cả mọi người và tinh thần học tập suốt đời mà UNESCO đang thúc đẩy.

Theo quy định của UNESCO, kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 40 diễn ra vào tháng 11 tới sẽ chính thức ra Nghị quyết cùng kỷ niệm các sự kiện, nhân vật kiệt xuất của thế giới.

Minh Anh

Top