Ứng dụng CNTT để nâng cao vai trò giám sát chất lượng không khí

17/02/2020 2:59 PM

(Chinhphu.vn) - Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, đây là một trong những giải pháp đồng bộ đang được Hà Nội triển khai nhằm khắc phục hạn chế ô nhiễm, cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn thành phố.

Thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025; chỉ đạo của Chính phủ về việc bảo vệ, cải thiện môi trường không khí tại Hà Nội, TPHCM; chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc tiếp tục tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải, trong bối cảnh diễn biến chất lượng không khí Hà Nội đang có dấu hiệu suy giảm, điều kiện thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu ngày càng xuất hiện nhiều, UBND thành phố Hà Nội đã và đang chỉ đạo quyết liệt các Sở, ngành tích cực triển khai thực hiện các biện pháp khắc phục hạn chế ô nhiễm, cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn thành phố.

Hà Nội đã chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí; đồng thời ban hành Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 25/12/2019 về các biện pháp khắc phục hạn chế ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Hà Nội hiện đã hoàn thành kế hoạch trồng hơn 1 triệu cây xanh và tiếp tục trồng bổ sung thêm 600 nghìn cây xanh trong giai đoạn 2019-2020; áp dụng công nghệ cơ giới hóa trong công tác quét, hút bụi tại các tuyến đường; tăng cường công tác thanh, kiểm tra trong lĩnh vực xây dựng và giao thông, bắt buộc phải che chắn, đóng kín thùng, rửa xe trước khi vào thành phố và trước khi ra khỏi công trường đối với xe tải trọng cao, xe chuyên chở vật liệu, phế thải xây dựng nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường không khí xung quanh;

Đồng thời, Thành phố cũng đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông, tăng số lượng cầu vượt nhằm tránh ùn tắc; tổ chức lát lại vỉa hè tại những nơi bị hư hỏng để khuyến khích người dân đi bộ; triển khai các giải pháp nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, thay thế xăng A92 bằng xăng E5, tăng cường kiểm soát chất lượng xe tham gia giao thông; triển khai chương trình thay thế bếp than tổ ong bằng các bếp cải tiến; đôn đốc và thành lập các đoàn kiểm tra các quận, huyện về công tác hạn chế đốt rơm rạ; triển khai xử lý ô nhiễm nước ao hồ nội, ngoại thành.

Ngoài ra, Hà Nội cũng đã triển khai các Đề án nhằm cải thiện chất lượng không khí như Đề án chống ồn, chống bụi; Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030; Đề án xử lý chất thải y tế nguy hại; Đề án thu gom, xử lý chất thải nguy hại; Đề án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề.

Hà Nội cũng đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường vận hành ổn định liên tục hệ thống quan trắc không khí; xây dựng phần mềm (APP) theo dõi trên điện thoại với các tính năng nhằm nâng cao vai trò giám sát cộng đồng về bảo vệ chất lượng không khí, cho phép người dân đăng tải video, hình ảnh đối tượng gây ô nhiễm để chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định.

Minh Anh

Top