Ứng dụng Công nghệ cao-Chìa khóa để phát triển chăn nuôi bền vững

22/09/2017 12:26 PM

(Chinhphu.vn) - Thành phố Hà Nội đã và đang xây dựng chương trình chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao (CNC) và bước đầu đã cho kết quả khả quan khi bảo đảm được năng suất cao, chất lượng tốt. Tuy nhiên, việc ứng dụng CNC còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế vì đòi hỏi chi phí cao và trình độ chuyên môn kỹ thuật.

Chăn nuôi ứng dụng CNC mang lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Minh Nhung

Trên đây là nhận định của PGS. TS Nguyễn Văn Đức, Trưởng Ban Khoa học Công nghệ, Hội Chăn nuôi Việt Nam về tình hình ứng dụng CNC trong chăn nuôi trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay.

Nhiều điểm sáng ứng dụng CNC

Với tổng số đàn gia súc, gia cầm thuộc tốp đầu cả nước, Hà Nội đã hình thành các vùng chăn nuôi chuyên canh, tập trung và bước đầu áp dụng CNC vào chăn nuôi và hàng năm đã cung cấp cho thị trường 160 nghìn tấn thịt hơi, 610 quả trứng, 870 nghìn con lợn giống, 35 triệu gia cầm… Đồng thời việc giết mổ gia súc, gia cầm cũng được tổ chức lại theo hướng chuỗi liên kết, gắn sản xuất con giống chất lượng cao với người chăn nuôi thương phẩm với chế biến đến tiêu thụ sản phẩm nên bước đầu đã mang lại hiệu quả cao.

Có thể thấy, thời gian qua trên địa bàn Thành phố đã có nhiều mô hình điểm ứng dụng CNC mang lại giá trị kinh tế cũng như chất lượng sản phẩm cao như chương trình đào tạo bò thịt cao sản BBB đã triển khai rất mạnh tại Hà Nội. Đã phối được 170 nghìn bò cái và đã sinh ra 40 nghìn bê BBB với khối lượng sơ sinh đạt 28-35 kg/con. Sinh trưởng phát triển nhanh, đạt trung bình 25 kg/tháng. Đặc biệt nuôi bò BBB tại Hà Nội cho lượng thịt lớn, tỷ lệ thịt tinh đạt rất cao (58%).

Hay chương trình chọn giống lợn Gen , tại Trung tâm giống lợn Hà Nội đã có 75 lợn đực và cái giống có chất lượng rất tốt đã được nhập về từ Pháp. Đây là nguồn gen quý được chọn lọc thông qua chương trình chọn giống CNC Gen của Pháp nên tốc độ tăng trưởng nhanh, tiêu tốn thức ăn thấp và tỷ lệ thịt nạc cao.

Giống gà D300 là một trong những giống gà được chọn lọc rất hiện đại bằng CNC nên nguồn gen quý này đã được đánh giá là một trong những nguồn gen gia cầm quý hiện nay của Hà Nội. Hiện tại giống gà D300 đang được nhân giống, sản xuất tại Chương Mỹ, cung cấp con giống tốt cho Hà Nội và vùng lân cận, mang lại năng suất cao và hiệu quả kinh tế lớn.

Đặc biệt, trang trại Bảo Châu, Sóc Sơn là một trong những đơn vị tiên phong trong việc thực hiện nuôi lợn hữu cơ theo công nghệ vi sinh hữu hiệu (EM) của Nhật Bản. Đây là công nghệ chăn nuôi tiên tiến hiện nay, bởi ngoài những ưu điểm về chất lượng thịt; công nghệ còn giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường mà hầu hết các trang trại chăn nuôi tại Việt Nam đang phải đối mặt. Nhờ vậy, giá thành của thịt lợn hữu cơ Bảo Châu thường cao gấp 2-3 lần thịt lợn thông thường, dao động trong khoảng 200.000-250.000 đồng/kg.

…nhưng vẫn chiếm tỷ lệ thấp

Tuy nhiên, thực tế, các trại chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội mới chỉ ứng dụng CNC với một tỷ lệ nhỏ. Trong đó, chăn nuôi bò sữa có 78% các trang trại sử dụng hệ thống chống nóng và 85% trại sử dụng máy vắt sữa. Đối với bò thịt có 47% trại đã sử dụng hệ thống chống nóng; chăn nuôi gà có 35% trang trại sử dụng hệ thống chuồng kín, làm mát… Đối với dê, cừu, thỏ và các vật nuôi khác, CNC hầu như chưa được áp dụng. Như vậy có thể thấy, tuy bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng việc ứng dụng CNC trong chăn nuôi ở Hà Nội còn bộc lộ nhiều hạn chế do chi phí đầu tư để ứng dụng CNC phải cần đến nguồn vốn lớn, trình độ chuyên môn của nguồn nhân lực phải cao, am hiểu được kỹ thuật CNC.

Bên cạnh đó, việc xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi gắn liền với tiêu thụ sản phẩm cũng đã được Hà Nội triển khai từ năm 2012 mà nổi bật là Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội đã tư vấn, xây dựng được 19 chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm, với hơn 3,4 nghìn thành viên tham gia, tổng cộng có 30 điểm giao dịch, hơn 1,3 nghìn đại lý, điểm tiêu thụ sản phẩm. Các chuỗi liên kết này đã tạo ra công ăn việc làm cho trên 4 nghìn lao động với trên 3 nghìn trại, trang trại và cung cấp cho các siêu thị BigC, Vinmart, Fivimart, Metro và nhiều cơ quan ngoại giao trên địa bàn Hà Nội.

Bên cạnh việc ứng dụng CNC và liên kết chuỗi giá trị kinh tế, Hà Nội còn thực hiện tái cơ cấu theo hướng chuyển dịch từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang quy mô lớn; chuyển đổi hoặc thu hút doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi con giống theo hướng xây dựng tháp giống và sử dụng CNC. Chuyển dịch từ chuỗi chăn nuôi, chế biến, giết mổ tiêu thụ sản phẩm truyền thống cắt đoạn sang chuỗi liên kết chăn nuôi chế biến tiêu thụ sản phẩm hoàn chỉnh có nhãn hiệu sản phẩm, sản phẩm chăn nuôi được chế biến theo quy trình hiện đại với sản phẩm là thịt mát, thịt cấp đông và chế biến. Đồng thời truy xuất được nguồn gốc sản phẩm thông qua mã vạch và sản xuất được thực phẩm an toàn với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng sẽ là lợi thế và giúp chăn nuôi Hà Nội đứng vững trước thềm hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, sự gắn kết giữa các chuỗi liên kết hiện nay vẫn còn hạn chế, chưa phát huy được hết tiềm lực của các chuỗi. Điều đó thể hiện trong gắn kết giữa người chăn nuôi với người tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi đã gây ảnh hưởng đến việc xây dựng kế hoạch sản xuất chăn nuôi, chất lượng cũng như sản lượng sản phẩm chăn nuôi. Trong liên kết giữa doanh nghiệp và người chăn nuôi cũng chưa có sự hợp tác từ khâu lên kế hoạch sản xuất kinh doanh , mới chỉ dừng lại ở hợp tác ở giai đoạn tiêu thụ sản phẩm. Do đó người chăn nuôi vẫn chưa chủ động trong khâu chăn nuôi, còn doanh nghiệp bị động trong khâu tiêu thụ sản phẩm… Ngoài ra, các chính sách về liên kết chuỗi từ chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm vẫn chưa có cơ chế, chính sách cho việc xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm nên đã gây trở ngại lớn đến các hoạt động cần kinh phí để triển khai xây dựng chuỗi liên kết.

Muốn phát triển phải coi CNC là khâu then chốt

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Đức, để phát triển chăn nuôi ứng dụng CNC, Hà Nội đã đề ra mục tiêu và thực hiện quyết định của Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020, chăn nuôi ứng dụng CNC đến năm 2020 sẽ có: 6 khu chăn nuôi gia cầm, 111 trại chăn nuôi gà; 4 khu chăn nuôi lợn, 103 trại chăn nuôi lợn, 3 cơ sở sản xuất giống ông bà; 1 khu chăn nuôi bò thịt, 16 trang trại chăn nuôi bò thịt… Từ những cơ sở ứng dụng CNC đó, giá trị sản phẩm chăn nuôi ứng dụng CNC phải đạt 45% giá trị sản xuất chăn nuôi trên địa bàn thành phố.

Vì vậy, để đạt được mục tiêu này, Hà Nội cần phải khẳng định được ứng dụng CNC trong chăn nuôi là giải pháp then chốt. Vì chăn nuôi ứng dụng CNC vừa tạo ra chất lượng sản phẩm tốt vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí… Đẩy mạnh các giải pháp ứng dụng CNC, nâng cao chất lượng sản phẩm là chìa khóa mở ra hướng đi bền vững cho ngành chăn nuôi Thủ đô trong thời kỳ hội nhập. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư vào CNC trong chăn nuôi. Đặc biệt, để có sản phẩm chăn nuôi đạt chất lượng cao, tất cả các khâu từ chăn nuôi, chế biến, giết mổ và lưu thông phân phối đều phải bảo đảm quy trình và có sự kiểm tra giám sát chặt chẽ. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu chăn nuôi đến giết mổ và tiêu thụ sản phẩm.

Có thể thấy, chăn nuôi ứng dụng CNC là một xu hướng phát triển nhằm tận dụng lợi thế của KHCN để tăng năng suất và hiệu quả chăn nuôi. Nó có thể đem lại năng suất chăn nuôi cao trên mỗi đơn vị tài nguyên/đầu tư và giảm giá thành sản phẩm, do đó mà mang lại lợi nhuận cao và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, chăn nuôi CNC cũng mang lại nhiều rủi ro về kinh tế-xã hội, môi trường và phúc lợi động vật. Để phát triển chăn nuôi bền vững, việc ứng dụng CNC phải được thực hiện một cách thông minh và có điều kiện, trong đó vai trò điều tiết của Nhà nước là hết sức quan trọng.

Minh Nhung

Top