Ứng dụng công nghệ cao để phát huy lợi thế

30/01/2018 6:45 PM

(Chinhphu.vn) - Lợi thế của Hà Nội là có rất nhiều nông sản đặc sản được mệnh danh là “của ngon, vật lạ” như cam Canh, bưởi Diễn, bưởi đường Quế Dương, nhãn chín muộn Quốc Oai, gà mía Đường Lâm, vịt cỏ Vân Đình… Việc ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong nông nghiệp sẽ phát huy những lợi thế này

Ứng dụng CNC trong trồng hoa tại Hà Nội. Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Nhiều loại hình ứng dụng

Theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, một trong những khâu quan trọng mà ngành nông nghiệp Thủ đô cần quan tâm ứng dụng CNC là chế biến, bảo quản sản phẩm nhằm nâng cao giá trị nông sản. Nhiệm vụ này gắn liền với việc xây dựng các chuỗi liên kết giá trị nông sản từ sản xuất, sơ chế, đến chế biến, tiêu thụ, đảm bảo nông sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được dán tem, nhãn mác nhận diện rồi mới chuyển tới tay người tiêu dùng.

Các loại hình CNC được ứng dụng trong nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội gồm ứng dụng công nghệ nhà kính, nhà lưới, màng phủ nông nghiệp, lưới tự động, thủy canh; các loại giống mới năng suất cao nhập khẩu từ nước ngoài; công nghệ sinh học, công nghệ nhân giống in vitro tạo ra các loại giống sạch bệnh có tính đồng nhất và ổn định về năng suất, chất lượng.

Đặc biệt Hà Nội hiện đang áp dụng các công nghệ cảm biến tự động, công nghệ nano trong bảo quản và kéo dài khả năng sử dụng của sản phẩm; công nghệ viễn thám quản lý an toàn nông sản, công nghệ vật liệu mới (nhẹ hơn, bền hơn, có thể tái chế, ứng dụng trong mọi thời tiết), năng lượng tái tạo để tạo ra năng lượng ổn định và bền vững cho các trang trại…

Tuy nhiên có một thực tế là vẫn còn rất ít cá nhân, đơn vị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội triển khai ứng dụng nông nghiệp CNC, trong khi đây là mục tiêu hướng tới của TP.Hà Nội với nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi...

Ông Mitsuru Nanakubo - Trưởng nhóm Tư vấn dự án “Tăng cường độ tin cậy trong lĩnh vực sản xuất cây trồng an toàn tại khu vực miền Bắc” của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho rằng, để thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp nói chung và ngành NNCNC nói riêng, chính phủ và cơ quan quản lý cần chú ý thông tin tới người nông dân 3 vấn đề chính.

 

Thứ nhất, cần có những hướng dẫn về kiểm soát sâu bệnh, dịch hại và cỏ dại, cụ thể cần công bố danh mục hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng, ngoài ra mỗi tỉnh cần có danh mục riêng phù hợp với địa phương của mình. Thứ hai, cần có những dự đoán trước sự xuất hiện của sâu bệnh và dịch hại. Thứ ba, cần công bố thông tin về việc sử dụng không hợp lý hóa chất nông nghiệp trong sản xuất.

Đưa CNC đi đúng hướng

Lợi thế của Hà Nội là có rất nhiều nông sản đặc sản được mệnh danh là “của ngon, vật lạ” như cam Canh, bưởi Diễn, bưởi đường Quế Dương, nhãn chín muộn Quốc Oai, gà mía Đường Lâm, vịt cỏ Vân Đình… Nhiều nông sản của Thủ đô cũng đã được xây dựng thương hiệu và đang phát huy tốt giá trị như sữa Ba Vì, chè Ba Vì, chè an toàn Bắc Sơn… Bởi thế, việc ứng dụng CNC nhằm phát huy những lợi thế này được coi là giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao giá trị canh tác và thu nhập cho người nông dân. Trên thực tế, một số chương trình ứng dụng CNC trong chọn tạo giống và chăm sóc cây trồng, vật nuôi cũng đã được triển khai tại các huyện, thị xã cho hiệu quả cao. Đáng chú ý là chương trình phát triển đàn bò BBB, sử dụng tinh phân ly (tinh phân biệt giới tính) trong chăn nuôi bò sữa hay trồng lan nuôi cấy mô trong trồng trọt…

Mới đây, Thứ trưởng Trần Thanh Nam dẫn đầu Đoàn công tác Bộ NN&PTNT tham quan mô hình sản xuất rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao tại xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) và mô hình chăn nuôi lợn sinh học của Hợp tác xã Dịch vụ chăn nuôi Đồng Tâm, xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai).

Đoàn công tác đã tham quan mô hình trồng rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao của một hộ gia đình với quy mô 3ha được Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Đan Phượng hỗ trợ thuê đất. Mô hình đi vào hoạt động từ tháng 6-2017 và cho thu nhập bình quân 240 triệu đồng/sào/năm.

Còn mô hình chăn nuôi lợn sinh học của gia đình anh Nguyễn Văn Lâm, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, có diện tích hơn 1ha chăn nuôi khoảng 3.000 con lợn và hơn 3.000 con gà đẻ trứng. Chủ trang trại này đã sử dụng các biện pháp sinh học trong chăn nuôi như: Đệm lót sinh học, hệ thống làm mát...; doanh thu của trang trại đạt gần 10 tỷ đồng/năm.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đánh giá cao 2 mô hình trên và cho rằng đây là những mô hình đầu tư thấp, quy trình đơn giản nhưng cho thu nhập cao, có thể ứng dụng rộng rãi để nhiều hộ dân học tập làm theo. Thứ trưởng đề nghị, TP. Hà Nội nghiên cứu, tạo điều kiện hơn nữa cho nông dân, góp phần nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Dưới sự chỉ đạo của UBND Thành phố, Sở NN&PTNT đã xây dựng Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC TP. Hà Nội giai đoạn 2015 – 2020, trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2020 giá trị nông nghiệp CNC chiếm 35% tổng giá trị toàn ngành nông nghiệp Thành phố. Bên cạnh đó, Thành phố cũng đã quy hoạch Khu nông nghiệp ứng dụng CNC tại Yên Nghĩa (Hà Đông). Trong đó một phần diện tích dành cho các doanh nghiệp thuê để sản xuất nông nghiệp CNC và một phần diện tích giao cho Sở NN&PTNT xây dựng mô hình kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng CNC.

Đỗ Hương

Top