Ứng Hòa: chuyển biến tích cực từ xây dựng NTM

02/02/2016 1:00 PM

(Chinhphu.vn) - Những năm qua, thực hiện Nghị quyết Trung ương số 26 và Chương trình hành động 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, nông nghiệp, nông thôn huyện Ứng Hòa đã có nhiều chuyển biến tích cực, phát triển đúng hướng, đời sống của nhân dân dần được cải thiện.

Ảnh minh họa

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Bí thư thường trực huyện ủy Ứng Hòa, nhận thức của cấp ủy, chính quyền từ huyện tới cơ sở và của cán bộ, đảng viên, nhân dân đã có nhiều chuyển biến trong công tác xây dựng nông thôn mới. Cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, các ngành từ huyện tới cơ sở đã vào cuộc tích cực. Việc tổ chức, quán triệt xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện đã được triển khai nghiêm túc. Người dân cũng đã hiểu rõ được mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình, từ đó tích cực tham gia đóng góp, chung tay xây dựng NTM.

Theo đó, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã có nhiều tiến bộ, nhân dân đã áp dụng nhiều những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng tích cực, hiệu quả. Đồng thời đã hình thành các vùng sản xuất tập trung như: vùng lúa chất lượng cao, vùng cây ăn quả, vùng nuôi trồng thủy sản, khu chăn nuôi xa khu dân cư… 

Bên cạnh đó, nông thôn cũng từng bước được phát triển theo quy hoạch, kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng, nhất là các hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh như: Giao thông, thủy lợi, trạm xã, trường học, môi trường. Đời sống nông dân từng bước được cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người  ngày một tăng (Năm 2014, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 19,7 triệu đồng/người /năm (tăng 9,02 triệu đồng so với năm 2010), ước năm 2015 đạt khoảng 23 triệu đồng/người/năm. Một số xã có thu nhập bình quân đầu người đã đạt từ 27 triệu đồng/người/năm trở lên (Đồng Tân, Hoa Sơn, Minh Đức, Trung Tú, Đông Lỗ….). Công tác hỗ trợ cho các đối tượng chính sách và người nghèo cũng được thường xuyên quan tâm, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện theo thống kê đến cuối năm 2014 giảm còn 4,1% (năm 2010 là 13.48%), Năm 2015 giảm còn khoảng 3,6%.

Ngoài ra, trình độ dân trí và kỹ năng sản xuất của nông dân có nhiều tiến bộ. Công tác đào tạo, dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được quan tâm… Các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư, đời sống tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao. Hệ thống chính trị được củng cố; An ninh trật tự, an toàn xã hội; công tác quân sự quốc phòng địa phương được tăng cường, ổn định.

Mặc dù đạt nhiều kết quả nhưng sản xuất nông nghiệp của huyện Ứng Hòa vẫn còn manh mún. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm, chưa vững chắc. Cơ chế, chính sách đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư nhất là lĩnh vực chế biến, bảo quản nông sản. Hạ tầng nông thôn ở nhiều xã còn khó khăn; Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế. Đặc biệt là quy hoạch đất đai và quản lý đất đai ở một số xã còn buông lỏng, tình trạng lấn chiếm, sử dụng đất đai sai mục đích vẫn xảy ra chưa được xử lý kịp thời.

Vì vậy, theo ông Phạm Anh Tuấn, trong thời gian tới, huyện Ứng Hòa đã đặt ra mục tiêu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra. Đồng thời tiếp tục thực hiện đổi mới, xây dựng huyện Ứng Hòa phát triển toàn diện, giàu đẹp. Phát triển kinh tế với tốc độ nhanh và bền vững. Kết cấu hạ tầng nông thôn ngày càng đồng bộ, hiện đại. Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa tập trung, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Chú trọng giải quyết có hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là các làng nghề…

Bên cạnh đó cần tập trung đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn theo quy hoạch. Ưu tiên cải thiện hệ thống đường giao thông, điện nông thôn, hệ thống tưới tiêu, thoát nước thải, cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Đầu tư xây dựng trường học, trạm y tế; tăng cường đầu tư xây dựng các thiết chế văn hoá ở cơ sở, tăng cường chỉnh trang hạ tầng nông thôn.

Chỉ đạo các xã, thôn và cụm dân cư thực hiện quy ước nông thôn mới. Bảo vệ và tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa; duy trì và phát triển các lễ hội truyền thống. Xây dựng các phong trào văn hóa, thể thao và rèn luyện sức khỏe để toàn dân tham gia. Xây dựng quy chế bảo vệ môi trường, quản lý và thu gom rác thải… Đặc biệt thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

 

Tú Mai

Top