Ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

10/06/2020 4:34 PM

(Chinhphu.vn) - Mặc dù do tác động mạnh của dịch Covid-19, nhưng được chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự cố gắng của doanh nghiệp và toàn thể nhân dân Thủ đô, các khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Hà Nội đang được dần tháo gỡ, kinh tế từng bước được phục hồi. Để khắc phục những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, một trong những ưu tiên hàng đầu là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm nay, kinh tế giảm sâu nhất vào tháng 4/2020 nhưng từ tháng 5, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế đều tăng cao so với tháng trước đó. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm dự kiến có mức tăng 3,39%, mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, trong đó quý I tăng 3,72%, quý II tăng 3,1%. Cụ thể các nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,61% (quý I giảm1,17%; quý II tăng 3,57%); công nghiệp - Xây dựng tăng 5,94% (quý I tăng 6,06%, quý II tăng 5,84%), trong đó: Công nghiệp tăng 5,62% (quý I tăng 6,03%, quý II tăng 5,25%), xây dựng tăng 6,54% (quý I tăng 6,15%, quý II tăng 6,76%). Dịch vụ tăng 2,59% (quý I tăng 3,13%, quý II tăng 2,08%). Với cơ cấu trên 60% GRDP, dịch vụ tăng thấp nên ảnh hưởng tăng trưởng chung. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 3,91% (quý I tăng 4,31%, quý II tăng 3,52%).

Ước tính đến hết tháng 6, thu ngân sách cơ bản được bảo đảm; công tác thu hút đầu tư được thực hiện tốt; chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát; quản lý đô thị được đẩy mạnh; xây dựng nông thôn mới tiếp tục triển khai tích cực. An sinh xã hội được bảo đảm...

Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số khó khăn, tồn tại. Đó là các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ do tác động của dịch Covid-19, tạo áp lực lớn đối với việc hoàn thành mục tiêu phát triển KTXH vào các tháng cuối năm và tác động tiêu cực đến các chỉ tiêu và cân đối lớn của Thành phố. Cụ thể là số lao động được giải quyết việc làm giảm, thất nghiệp gia tăng so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá được kiểm soát nhưng tiềm ẩn tăng cao ở nhóm hàng thực phẩm; chỉ số SIPAS và PAPI còn ở mức thấp; tỷ lệ giải ngân có chuyển biến so với cùng kỳ nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều hoạt động văn hóa, xã hội bị dừng trong thời gian dài do thực hiện giãn cách xã hội nhằm phòng, chống dịch Covid-19…

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh doanh nghiệp là một trong những ưu tiên hàng đầu của TP. Hà Nội. Theo đó, thành phố Hà Nội đã liên tục chỉ đạo các đơn vị liên quan tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử cho doanh nghiệp. Thực hiện tốt Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Tạo thuận lợi tối đa cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất, nhập khẩu. Tháo gỡ về thủ tục cho các nhà đầu tư, chú trọng các dự án lớn để tập trung hoàn thành thủ tục đẩy nhanh tiến độ cấp phép và triển khai thực hiện dự án. Tiếp tục chỉ đạo rà soát, xử lý các dự án có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. 

Cùng với đó, Hà Nội đang tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), trọng tâm là các chỉ số giảm hạng, còn thấp như: “Chi phí gia nhập thị trường”, “Cạnh tranh bình đẳng”, “Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự”.

Đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục thành lập các cụm công nghiệp theo quy hoạch. Tạo mọi điều kiện về thủ tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp đã được duyệt, sớm có mặt bằng thu hút doanh nghiệp trong nước và đón làn sóng đầu tư nước ngoài vào sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân. Xây dựng và tổ chức hiệu quả các chương trình lớn về kích cầu tiêu dùng nội địa.

Đặc biệt, thành phố Hà Nội và ngành du lịch đang triển khai mạnh các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch; phối hợp với các hiệp hội nghề nghiệp về du lịch, các địa phương xây dựng và triển khai Chương trình kích cầu du lịch nội địa; tăng cường truyền thông, quảng bá, tiếp thị, phát triển các sản phẩm mới về du lịch, về hình ảnh thành phố Hà Nội thân thiện, an toàn, có trách nhiệm gắn với các kết quả tích cực trong phòng, chống dịch Covid-19. 

Đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Hà Nội đặt nhiệm vụ kiểm soát tốt dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi, tập trung chuẩn bị đủ con giống, thức ăn chăn nuôi, đẩy mạnh tái đàn lợn, phấn đấu đạt 1,8 triệu con. Thực hiện tốt việc kết nối cung, cầu, ổn định nguồn cung thịt lợn và các loại thực phẩm thay thế…

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong công tác thu ngân sách, thực hiện các giải pháp thu ngân sách bền vững; tăng cường đôn đốc thu nợ thuế, tiền thuê đất; chỉ đạo chi ngân sách đúng luật, hiệu quả, kịp thời. Đẩy mạnh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư; rà soát từng dự án đầu tư công, tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh giải ngân, tạo vốn thực hiện kích thích phát triển KTXH, trong đó đặc biệt chú trọng các dự án khởi công, hoàn thành chào mừng Đại hội Đảng bộ Thành phố và Đại hội Đảng toàn quốc.   

Đến cuối tháng 6, Hà Nội cấp Giấy chứng nhận cho 11.830 doanh nghiệp thành lập mới, vốn đăng ký 170,3 nghìn tỷ đồng, giảm 14% về số lượng doanh nghiệp nhưng tăng 9% vốn đăng ký so với cùng kỳ.

Ngày 27/6 tới, Hà Nội sẽ triển khai tổ chức Hội nghị “Hà Nội – hợp tác và phát triển năm 2020”, trong đó dự kiến trao chủ trương đầu tư cho gần 100 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 240 nghìn tỷ đồng (vốn tăng thêm 188,8 nghìn tỷ đồng).

Minh Anh

 

Top