Vị doanh nhân già gắn bó với nghề da

10/10/2016 11:04 AM

(Chinhphu.vn) - Được nghỉ hưu nhưng không chọn cuộc sống nghỉ ngơi, hưởng thụ, bác Đinh Quang Bào đã dồn toàn bộ vốn liếng, thời gian để dạy nghề và tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, gây dựng thành công thương hiệu Ladoda, phát triển nghề da truyền thống của quê hương. Nay đã ở tuổi 80 nhưng vị doanh nhân này vẫn tiếp tục gắn bó với nghề da truyền thống, mong muốn cống hiến nhiều hơn cho đất nước.

Bác Đinh Quang Bào, Chủ tịch HĐQT Công ty Ladoda

Khởi nghiệp khi ở tuổi... về hưu

Bố mẹ mất sớm, bác Đinh Quang Bào (nay là Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sản xuất - Dịch vụ - Thương mại sản phẩm Da - Ladoda, Chủ tịch Hội Da giầy thành phố Hà Nội) xa gia đình từ năm 12 tuổi, trở thành anh thợ học nghề may da trong một xưởng may nhỏ ở Hà Nội. Đến năm 1954, xưởng may giải thể, bác Bào vào tổ may quân nhu làm. Từ đó, dù nhiều lần chuyển nơi làm việc, ở hợp tác xã may, xí nghiệp May 40 hay ở Cục Công nghiệp Hà Nội, bác Đinh Quang Bào luôn gắn bó với chiếc máy may, với những tấm da, tấm vải. Không chỉ là người thợ lành nghề, bác còn được giao làm tổ trưởng, làm cán bộ quản lý, được kết nạp Đảng và là người có uy tín trong cơ quan.

Đầu những năm 90, được nghỉ hưu nhưng bác Bào vẫn tha thiết muốn gắn bó với nghề da, nghề tổ của quê hương Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm, Hà Nội). Mong muốn vực dậy nghề truyền thống, tạo công ăn việc làm cho người dân quê mình đã thôi thúc bác thành lập doanh nghiệp với cái tên giản dị Ladoda (viết tắt của "Làm đồ da"). Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, bác Đinh Quang Bào kể, khi đó chưa có vốn, cả gia đình bác tích góp được khoảng 40 triệu đồng, mua được 3 máy khâu, làm việc trong căn nhà 30 m2 ở số 39 Phủ Doãn (quận Hoàn Kiếm). Lúc bắt đầu, công ty chỉ có khoảng 5-6 người làm việc, chen chúc trong căn nhà nhỏ, giữa bề bộn nguyên liệu và hàng hóa.

Sản phẩm có chất lượng tốt, người dân Thủ đô tìm đến mua ngày càng đông, doanh thu tăng đáng kể. Nhờ đó mà sau vài năm, bác Bào đã đủ vốn để về Kiêu Kỵ mua lại khu nhà xưởng rộng 2.000 m2 của Hợp tác xã may da Thành Công bị giải thể. Sau khi sửa sang lại nhà xưởng, bác bắt tay vào mở các lớp đào tạo công nhân cho công ty. Xã Kiêu Kỵ vốn có nghề may da truyền thống hơn 170 năm nên những người dân ở đây nhanh chóng thạo nghề, có việc làm ổn định trong công ty Ladoda. Nhiều người dân ở các khu vực lân cận cũng tìm đến xin việc. Khi số lượng lao động lên tới gần 400 người thì khu xưởng lại trở nên quá chật chội, nhỏ bé. Năm 2003, công ty Ladoda đã xây dựng thêm nhà máy trên diện tích 3 ha tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất và tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động.

Có được sự phát triển ổn định như vậy là bởi công ty luôn xác định "Chất lượng sản phẩm là sự sống còn của doanh nghiệp". Thương hiệu Ladoda không chỉ được người tiêu dùng trong nước yêu mến mà đã từng bước chinh phục cả thị trường quốc tế. Sản phẩm của công ty được sản xuất theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2008 từ năm 2001 và 20 năm liên tục được người tiêu dùng bình chọn là “Hàng Việt Nam chất lượng cao”... Trong nhiều năm qua, sản phẩm của công ty cũng vinh dự được phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc, Quốc hội, các hội nghị, hội thảo quốc tế như ASEM5, AIPO, AIPA và hội nghị ASEAN 17...

Luôn quan tâm tới người lao động

Dù là với 5-6 người làm những ngày đầu khởi nghiệp hay tới hàng nghìn công nhân sau này, bác Đinh Quang Bào luôn dành sự quan tâm, lo lắng chu đáo tới từng người. Bác tâm sự: "Tôi cũng từng là người thợ, người công nhân từ năm 12 tuổi nên tôi rất hiểu và thông cảm với những khó khăn, vất vả của người lao động". Ngay từ khi lập xưởng, công ty đã có nhà ăn tập thể miễn phí phục vụ cho công nhân bữa giữa ca. Bác Bào cũng dành hẳn 1 ha đất để trồng trọt, chăn nuôi tạo nguồn thực phẩm sạch cho các bữa ăn này. Khi xin được đất bên tỉnh Hưng Yên, công ty đã dành hẳn 3.000 m2 để xây nhà tập thể miễn phí cho công nhân ở để người lao động an cư, bởi theo bác có an cư thì mới lập nghiệp. Công nhân của công ty đến từ 25 tỉnh thành khác nhau trong cả nước. Công nhân nào muốn thuê nhà bên ngoài ở công ty cũng hỗ trợ thêm tiền thuê nhà, tiền điện. Mức lương trung bình của công nhân tại đây là 6,4 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh việc thực hiện đầy đủ các chính sách lao động, chế độ bảo hiểm, công ty đều có chế độ thưởng các dịp lễ tế, thưởng theo thành tích, thâm niên, độ chuyên cần...cho người lao động. Đặc biệt, công ty có chính sách đãi ngộ chị em phụ nữ, cấp bậc lương của nữ cán bộ, công nhân luôn cao hơn 5% so với nam giới cùng cấp bậc. Hằng năm, công ty còn dành khoảng 500 triệu đồng để ủng hộ người nghèo, quyên góp gạo, quần áo, tham gia xây nhà tình nghĩa , nhận nuôi bà mẹ Việt Nam anh hùng...

Đứng trước những đổi mới của nền kinh tế, của một thị trường hội nhập toàn cầu, bác Đinh Quang Bào tiếp tục phát triển công ty theo hướng đổi mới, nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm, luôn lấy chữ "tín" để giữ người tiêu dùng và người lao động gắn bó với doanh nghiệp. Với những đóng góp trên, cá nhân bác Đinh Quang Bào đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; từ năm 2013 đến 2015 được tặng Bằng khen của UBND thành phố Hà Nội; Chiến sỹ thi đua cấp thành phố năm 2015. Công ty Ladoda được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2011, Cờ thi đua xuất sắc thành phố năm 2013, Bằng khen của Chính phủ năm 2014, Bằng khen của thành phố năm 2015.

Năm nay, ở tuổi 80, bác Đinh Quang Bào được vinh danh là Công dân Thủ đô ưu tú. Vui mừng khi nhận được danh hiệu này, bác Bào chia sẻ: "Nếu còn ngày nào có thể cống hiến thì tôi sẽ cống hiến hết mình cho đất nước, nhất là để đưa ngành da của Thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung tiếp tục phát triển. Tất cả những kiến thức, kỹ thuật kinh nghiệp về nghề tôi sẽ truyền đạt lại cho các anh em công nhân để duy trì phát triển ngành da".

Kim Liên

Top